13/04/2011 - 20:43

Đọc “Bông hồng mất tích”

Hãy là chính mình và biết vượt qua thử thách

Một câu chuyện huyền ảo chứa đựng những bài học thực tế về ý nghĩa của cuộc sống. Tiểu thuyết của Serdar Ozkan, dịch giả Đỗ Thị Đào, NXB Lao Động và Alphabooks xuất bản tháng 3-2011.

 

Diana thừa kế một tập đoàn khách sạn quốc tế đắt giá nhất Rio de Janeiro, ước mơ trở thành nhà văn. Cô từ bỏ giấc mơ đó vì sợ nghe những lời phê bình. Cuộc sống giàu sang và những lời xu nịnh của những kẻ hám tiền dần biến Diana thành cô gái trống rỗng! Từ lá thư mẹ để lại sau khi mất, Diana biết rằng mình còn có người em song sinh là Maria. Cô đi tìm em gái và gặp bà Zeynep Hanim - chủ tòa nhà có vườn hồng rộng lớn tại Istanbul, được bà dạy những bài học kỳ lạ về cách lắng nghe hoa hồng. Những câu chuyện huyền ảo dần giúp Diana tìm lại hoài bão và ước mơ ngày xưa.

“Bông hồng mất tích” chuyển tải thông điệp: sợ hãi bất trắc và trốn tránh thực tại làm cuộc sống mất đi ý nghĩa. Diana không dám theo đuổi ước mơ trở thành nhà văn vì e sợ phải đối diện với thất bại. Câu chuyện của Diana cũng giống như câu chuyện mà hoa hồng vàng kể cho cô: người bạn Vệ nữ của hoa hồng vàng đã đánh mất hương thơm của bản thân. Những câu chuyện tưởng chừng như vô nghĩa nhưng điều đó lại rất thiết thực với Diana. Cô dần nhận thức được sự bất ổn trong cuộc sống hiện tại của bản thân: “Vậy sẽ thế nào nếu chúng ta sống cuộc sống do người khác chọn cho chúng ta mà không sống cuộc sống chính chúng ta chọn cho mình?” (trang 196). Từ đó, Diana bắt đầu biết chia sẻ suy nghĩ với người khác và lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Cô chợt nhận ra chỉ có dám đương đầu với các thử thách mới được là chính mình.

Câu chuyện còn tôn vinh tình yêu thương của người mẹ. Mẹ của Diana đoán trước và cảm nhận được những khó khăn mà Diana sẽ trải qua khi không còn bà bên cạnh. Maria chỉ là một cái cớ để bà giúp cô tìm lại chính mình. Bằng tấm lòng của người mẹ, bà đã tìm mọi cách giúp con gái nhận thức được giá trị của bản thân và hạnh phúc, để có một cuộc sống vui vẻ hơn. “Mẹ muốn con phải giết chết “cái tôi” của con, cái đã khiến con không hạnh phúc và ngăn con thực hiện ước mơ của mình” (trang 222).

“Bông hồng mất tích” mượn truyện cổ tích làm cái cớ nên nhẹ nhàng đi vào lòng độc giả. Qua câu chuyện, người đọc cảm nhận được những bài học sâu sắc về giá trị của ước mơ, tình yêu thương - “Bởi vì chính mùi hương của một bông hồng mới khiến nó là một bông hồng”(trang 162).

Ái Lam

Chia sẻ bài viết