15/04/2025 - 13:04

Thách thức từ thuế đối ứng 

Quyết định hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết các nước (trừ Trung Quốc) của Tổng thống Mỹ Donald Trump không những giúp doanh nghiệp giải tỏa được nỗi lo trước mắt đối với các đơn hàng dự kiến giao trong tháng 4 và tháng 5, cũng như có thêm thời gian chuẩn bị kế sách cho những bước đi tiếp theo. Hơn nữa, nó còn giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin vào một kết quả thật sự có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam sau phiên đàm phán thương mại đối ứng tới đây giữa 2 nước, trong đó có vấn đề thuế.

Tất cả đều… sốc

Ngay ngày hôm sau khi mức thuế đối ứng 46% được công bố, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL - vùng sản xuất tôm lớn nhất cả nước - đã bắt đầu giảm mạnh, với mức giảm 10.000-20.000 đồng/kg ở một vài phân khúc tôm kích cỡ lớn. Điều này cũng dễ hiểu, do đây là phân khúc được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Không chỉ có giá giảm mạnh mà việc tiêu thụ cũng rất khó khăn khi một số hộ nuôi tôm cho biết không thể liên lạc được với các thương lái để bán tôm, dù là khách hàng quen biết nhiều năm. Doanh nghiệp cũng lo lắng không kém khi các khách hàng ở Mỹ đã đề nghị tạm ngưng giao hàng đối với các lô hàng theo hợp đồng giao trong tháng 4 và tháng 5 để chờ kết quả đàm phán giữa Chính phủ 2 nước.

Doanh nghiệp tận dụng 90 ngày vàng để đẩy mạnh xuất khẩu và tìm kiếm thị trường để vượt qua giai đoạn khó.

Họ lo lắng là bởi trong buổi sáng ngày 3-4 ngay khi có thông tin Mỹ áp mức thuế cao 46%, có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ và khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4-5/2025. Cùng với đó là các đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025, với tổng sản lượng vào khoảng 38.500 tấn. Trong số này, đáng lo ngại nhất là 37.500 tấn thủy sản đang trên đường tới Mỹ và 31.500 tấn dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5. Đáng lo ngại là bởi, nếu không có gì thay đổi, 37.500 tấn thủy sản khi đến Mỹ, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế đối ứng 46%, còn 31.500 tấn dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 chắc chắn bị ách lại không biết bán cho ai do mỗi thị trường đều có yêu cầu khác nhau về: mẫu mã, kích cỡ, phương thức chế biến…

Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu tôm truyền thống lớn nhất của Việt Nam, khi chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, với kim ngạch dao động từ 800 triệu USD đến 1 tỉ USD. Hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP (giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Chưa hết, con tôm Việt Nam còn phải vất vả trong cạnh tranh với tôm giá rẻ Ecuador và Ấn Độ, nay phải gánh thêm mức thuế 46% là rất cao so với 2 đối thủ lớn là Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10% thì chuyện rút khỏi thị trường Mỹ không còn là viễn cảnh.

Tranh thủ thời gian vàng

Với quyết định hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% trong thời gian 90 ngày mới đây của Tổng thống Mỹ đã giúp 37.500 tấn thủy sản đang trên đường tới Mỹ và 31.500 tấn dự kiến giao trong tháng 4 và tháng 5 thoát được mức thuế cao này, dù vẫn phải chịu mức thuế 10% như hầu hết các quốc gia khác. Nút thắt đầu tiên đã được tháo gỡ, nỗi lo của doanh nghiệp cũng được vơi đi phần nào, nhưng sự tất bật thì như được nhân lên do phải tranh thủ khoảng thời gian vàng này để giải quyết các hợp đồng. Đây cũng là lý do khiến các cuộc gọi của chúng tôi cho giám đốc một số doanh nghiệp ngành tôm thân thiết vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn mới có thể kết nối được, nhưng thời gian trao đổi thì rất chóng vánh, cho dù là rất thân thiết.

Quyết định hoãn áp dụng thuế đối ứng của Thổng thống Mỹ thật sự là tin vui, giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm có thêm cơ hội và niềm tin ở vụ tôm này. Điều đó được thể hiện qua giá tôm những ngày gần đây đã tăng trở lại, chuyện tiêu thụ thuận lợi hơn và người nuôi tôm cũng quay lại thả giống nhiều hơn. Mục tiêu đầu tiên mà Chính phủ và doanh nghiệp kỳ vọng đã đạt được. Vấn đề tiếp theo là làm sao đưa thuế đối ứng về mức đủ để hàng hóa Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ mới là mục tiêu chính, là sự kỳ vọng lớn hơn mà cả Chính phủ và doanh nghiệp mong muốn đạt được. Các cuộc đàm phán tới đây về thỏa thuận thương mại đối ứng và xa hơn là hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ còn gay go, phức tạp, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp hơn sẽ đến sau các cuộc đàm phán này.

Bên cạnh sự kỳ vọng vào các cuộc đàm phán giữa Chính phủ hai 2 nước sẽ đạt được kết quả tích cực, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood), cho biết, VinaCleanfood đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu để bù đắp cho các đơn hàng ở thị trường Mỹ nếu mức thuế đối ứng không được thay đổi theo hướng mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều cho biết, việc điều chỉnh kế hoạch doanh số, lợi nhuận năm 2025 gần như là điều phải làm, nhưng quan trọng hơn là việc tìm hướng đi mới, thị trường mới, trong đó tập trung khai thác tốt lợi thế từ những thị trường đã có FTA với Việt Nam và cả thị trường Halal đầy tiềm năng nữa.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết