12/04/2025 - 22:00

Tín dụng tăng trưởng tích cực, thanh khoản ngân hàng dồi dào 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến hết quý I-2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, chính sách tiền tệ thế giới phân hóa mạnh và khó dự đoán… đang tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, quý đầu năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho các quý còn lại của năm 2025 đạt mục tiêu đề ra.

Các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thanh khoản ngân hàng đang “tốt”

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3-2025 của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, rủi ro lạm phát gia tăng do các căng thẳng thương mại toàn cầu, lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến sẽ chậm lại; một số ngân hàng Trung ương đã tạm dừng cắt giảm lãi suất… điều này sẽ tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất. Tính đến hết quý I-2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ năm 2024 và đóng góp tích cực trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tới đây, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến chính sách tài chính trên thế giới và tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, trong quý đầu năm 2025, mặt bằng lãi suất huy động mới tăng khoảng 0,08% nhưng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của các TCTD trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Theo nhận định của các TCTD trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II-2025 của NHNN, lãi suất cho vay VNÐ trong quý I-2025 đã giảm nhẹ khoảng 0,08-0,1 điểm phần trăm so với quý IV-2024. Thanh khoản ngân hàng quý I tiếp tục duy trì trạng thái “tốt”, đạt mức cải thiện cao hơn so với quý IV-2024 và so với kỳ vọng. Các TCTD cũng dự báo quý II-2025 và cả năm 2025, thanh khoản tiếp tục cải thiện, dù mức độ cải thiện thu hẹp so với kỳ điều tra trước, song đây là cơ sở để các TCTD tiếp tục xem xét các điều kiện để có thể giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt các mục tiêu tăng trưởng.  

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kinh tế quý I-2025 ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất của quý I các năm giai đoạn 2020-2025 nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên của Chính phủ. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải nỗ lực rất lớn, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ cùng với các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo vốn cung ứng cho nền kinh tế. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 3-2025 với các địa phương, trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng nêu trong thời gian tới với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng giao NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa; đồng thời xây dựng các gói tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ các ngành hàng chủ lực, giải quyết đầu ra cho nông dân.

Linh hoạt ứng phó với thách thức

Vốn tín dụng ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, các biến động dù nhỏ trên thị trường tiền tệ, chính sách lãi suất cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN, 74-76% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của đơn vị trong quý I-2025 có sự cải thiện so với quý IV-2024 và dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II-2025 mặc dù mức cải thiện thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của TCTD ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Tuy nhiên, tỷ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã tăng từ 8,8% trong quý IV-2024 lên 14,8% trong quý I-2025, cao hơn nhiều so với kỳ vọng. 

Dự kiến cho năm 2025, các TCTD dự báo “Ðiều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là nhân tố khách quan quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh của TCTD, tiếp đến là “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN”. Bên cạnh đó, vẫn có 6,96%-14,8% TCTD lo ngại các nhân tố này ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I-2025, tuy nhiên, dự kiến cho năm 2025, tỷ lệ này giảm nhẹ xuống còn 5,2%-12,2%... Mặc dù vẫn còn lo ngại, nhưng các TCTD kỳ vọng rủi ro từ khách hàng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025.

Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II-2025 của NHNN, các TCTD dự báo quý II và cả năm 2025, mặt bằng lãi suất cho vay VNÐ bình quân toàn hệ thống sẽ giảm nhẹ 0,03-0,08 điểm phần trăm. Dự báo tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 16,4% và huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 13,1% trong năm 2025. Huy động vốn và tín dụng ngắn hạn được dự báo tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài. Kết quả điều tra kỳ này cũng đánh dấu mức độ bình quân kỳ vọng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của các TCTD đối với tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm (kể từ các cuộc điều tra năm 2020 đến nay).

Trong quý đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế và tín dụng ngân hàng đều đạt mức tích cực cho thấy tín hiệu lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đầu tư FDI,… nên với các căng thẳng thương mại đang diễn ra, việc Mỹ áp thuế sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu, có thể làm cho kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Cùng với đó là sức ép điều hành chính sách tài chính, tiền tệ lên các quốc gia, do áp lực giá cả tăng, lạm phát tăng và việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế khó khăn hơn. Vì vậy, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ… nhằm giảm chi phí, làm cơ sở xem xét giảm lãi suất vay, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết