Hát sắc bùa là một tục lệ có từ lâu đời diễn ra trong những ngày Tết Nguyên đán hoặc cúng đình. Đó là một sinh hoạt dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp kết hợp đạo giáo ở vùng Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên
Hát sắc bùa Bến Tre, chủ yếu là ở xã Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, tồn tại trong dân gian đến những năm 70 của thế kỷ XX, do ông Trần Văn Hậu gốc Bình Định, lấy vợ là con gái ông Hồ Đức Quang ở Bến Tre, “thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay” nên “Mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát”. Xuất phát từ xã Phú Lễ, hát sắc bùa Bến Tre đã lan tỏa qua các xã khác, địa bàn hoạt động mạnh nhất là các xã ở huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm.
Ngày nay hát sắc bùa đã tàn dần, chỉ còn lại vài câu lạc bộ nhỏ. Ngay cả Đình Phú Lễ, nơi xưa kia nổi tiếng với loại diễn xướng này nay cũng không còn. Với sự giúp đỡ của anh Lư Hội, Giám đốc Bảo tàng Bến Tre, chúng tôi được “mắt thấy tai nghe” điệu hát sắc bùa Phú Lễ.
 |
Biểu diễn hát sắc bùa Phú Lễ. |
Theo anh Hội, một đội hát sắc bùa ít nhất 4 nghệ nhân, nhiều nhất 12 người (bao giờ cũng số chẵn) dưới sự điều khiển của một ông bầu. Mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của đội gồm: Một đàn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái cho các nghệ nhân còn lại. Một buổi hát sắc bùa bao giờ cũng có 2 phần: Phần mang tính nghi lễ và phần giúp vui. Trong những ngày Tết, đội hát sắc bùa sẽ phục vụ cho các gia đình có yêu cầu. Hát xong dán lá bùa rồi đi. Có những bài hát nghi lễ như bài Mở cửa rào, Mở ngõ, Cõi nam, Khai môn, Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa và Dẫn bùa. Phần hát giúp vui thì tùy theo gia chủ làm nghề gì mà hát chúc, hát lý, vè, hát giã từ và hát đi ra
Trong hát sắc bùa, người hát chính gọi là “Cái kể” cũng là đội trưởng mang trống cơm, những người còn lại hát hòa theo gọi là “Con xô”.
Để chúng tôi được chứng kiến tận mắt, Giám đốc Bảo tàng Bến Tre đã rước các nghệ nhân ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm về ngay “Nhà dừa” trong Bảo tàng để diễn xướng một số bài. Do nghệ nhân đàn cò bận việc, anh Lư Hội nhiệt tình ôm luôn cây đàn này, tham gia vào đội 4 người gồm anh Nguyễn Văn Chấn trống cơm, anh Trần Hoàng Thọ cầm sanh tiền có lục lạc, cô Nguyễn Thị Hiền giữ sanh cái là hai thanh tre và anh Lư Hội kéo đàn cò. Lần đầu được nghe nhìn loại diễn xướng này, chúng tôi không khỏi thán phục bài Mở cửa rào thật đẹp và vui tươi. Bắt đầu là:
Cái kể hát: Nhà ông cửa kín rào cao
Con xô: Tôi vô chẳng đặng đứng ngoài
tôi rao
Cái kể: Hôm qua để ngõ ông chờ ai
Con xô: Hôm nay tôi tới ngõ gài
khăng khăng
Cái kể: Hôm qua để ngõ ông chờ trăng
Con xô: Hôm nay tôi tới khăng khăng
ngõ gài
Cái kể: Nhà ông có thằng tớ trai
Con xô- cái kể: Sai ra mở ngõ, đàn trai
tôi hát bùa (2 lần)
Những câu lục bát cứ vang lên theo tiếng hát trầm bổng của nghệ nhân. Người hát chính là anh Chấn từ Phú Yên vào đây đã mười mấy năm gắn với hát sắc bùa, các nghệ nhân còn lại đều là dân Bến Tre. Cô Nguyễn Thị Hiền tuy mới vào đội mấy tháng nay nhưng rất say mê. Theo anh Lư Hội, lúc trước có các nghệ nhân lão làng trong nghề như ông Nguyễn Văn Võ ở Tân Xuân, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Thái Văn Cầu ở Phú Lễ nhưng tất cả đều đã mất. Đây là lực lượng kế thừa hiếm hoi.
Hết bài Mở cửa rào đến bài Mở ngõ rồi hát giúp vui Chúc nghề làm ruộng, cuối cùng là Lý đầu cầu đậm chất huê tình:
Đầu cầu kia cất gánh hỏi đầu (ơ) cầu
Nâng khăn đỡ đãi têm trầu ngãi nhân ăn
Có lẽ vì đến từ Bình Định nên điệu hát ở đây mang khá rõ hơi hướng của lối hát “Bài chòi” rộn rã, dứt khoát, độc đáo. Bịn rịn từ giã những nghệ nhân sắc bùa, bên tai vẫn còn văng vẳng những câu hát của bài Giã từ:
Ăn trầu đã đặng
Hút thuốc đã rồi
Trình cô bác ngồi
Chúng tôi đi ra
Một tín hiệu vui với hát sắc bùa Phú Lễ khi Giám đốc Bảo tàng Bến Tre cho biết tỉnh đã triển khai chương trình bảo tồn, phát huy “Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ”.
Trúc Ty