22/06/2014 - 19:34

Hạt gạo Việt - gian nan tìm thị trường

Mới đây tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác mua tạm trữ lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, đồng thời giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ lúa gạo, tìm thị trường cho hạt gạo Việt...

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa cả nước thu hoạch trong 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 13,5 triệu tấn, trong đó vụ đông xuân 2013-2014, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 4,3 triệu tấn quy gạo - được xem là năm trúng mùa nhất từ trước đến nay. Tuy vậy, bà con nông dân thực sự không vui vì điệp khúc “trúng mùa, thất giá”. Để cứu nguy cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 373 ngày 15-3-2014 về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014 nhờ đó giá lúa được giữ vững ở mức 5.100 đến 5.300 đồng/kg, tăng từ 150 đến 300 đồng/kg so với những ngày trước tháng 3-2014. Ông Võ Thành Đô, Phó cục Trưởng Cục chế biến nông lâm nghề muối thuộc Bộ NN - PTNT, cho biết: Đợt tạm trữ từ ngày 15-3 đến 30-4-2014, VFA đã giao cho 133 doanh nghiệp mua tạm trữ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì có 6 thương nhân trả lại chỉ tiêu và 5 thương nhân xin giảm chỉ tiêu được giao. Các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 995.494 tấn quy gạo, đạt 99,5% kế hoạch. Theo bà con nông dân, với mức giá như trên, nông dân có lãi hơn 30%. Nhiều doanh nghiệp nhận định, nhờ có chủ trương hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ nên giữ được mặt bằng xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá, phá giá của thương lái. Số liệu tổng hợp đến hết tháng 5-2014, số hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo là 4,3 triệu tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó hợp đồng tập trung là 1,4 triệu tấn (chiếm 32,7%) và hợp đồng thương mại là 2,9 triệu tấn (chiếm 67,3%). Thị trường Trung Quốc chiếm 814 ngàn tấn, tương đương 46,5%; Philippines 381,9 ngàn tấn, chiếm 21,8%; châu Phi 161,6 ngàn tấn, chiếm 9,2%... Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 2,7 triệu tấn gạo, trị giá FOB là 1,013 tỉ USD, trị giá CIF là 1,070 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2013, lượng gạo xuất khẩu 5 tháng giảm 7% về khối lượng và giảm 5,3% về kim ngạch. Điều này cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2014 giảm là do nhu cầu từ một số thị trường giảm mạnh như: Malaysia giảm 62,24% về khối lượng và giảm 61,8% về giá trị; Bờ Biển Ngà giảm 52,3% về khối lượng và 46,55% về giá trị; Singapore giảm 31,71% về khối lượng và giảm 30,7% về giá trị...

Xuất khẩu gạo năm nay giảm giá trị so với cùng kỳ sẽ bất lợi cho nhà nông. 

Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên theo VFA, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng theo. Trong 10 ngày đầu tháng 6-2014, giá lúa khô các loại thường dao động từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, giá lúa hạt dài 5.550 - 5.650 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có giá khoảng 6.900 - 7.000 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.700 - 6.800 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.100 - 8.200 đồng/kg, loại gạo 15% tấm giá 7.700 – 7.800 đồng/kg và loại gạo 25% tấm có mức giá khoảng 7.400 - 7.500 đồng/kg. VFA nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 sẽ tiếp tục gặp khó, bởi thị trường gạo thế giới đang tiếp tục chịu áp lực cung vượt cầu. Mặt khác, nguồn cung trên thị trường dư thừa lớn do áp lực giải phóng gạo tồn kho với mức giá cạnh tranh từ Thái Lan đang làm cho thị trường xuất khẩu gạo trở nên gay gắt.

Trước bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, tại hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vừa qua, Bộ Công thương đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi; các thị trường mới, giàu tiềm năng như: Nga, Đông Timo, Algeri, Hồng Công, Singapore, Mexico và các nước Nam Mỹ, đồng thời tăng cường vận động, xúc tiến đàm phán để ký kết thỏa thuận riêng về thương mại gạo với một số nước trong khu vực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và khai thông các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iraq...

Hiện nay, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên nông dân giảm được khá nhiều về chi phí đầu tư, đồng thời tăng được năng suất lúa. Theo dự kiến, với khoảng 1,7 triệu ha lúa hè thu năm 2014, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu về từ 7- 8 triệu tấn lúa. Trước khi bước vào vụ hè thu năm 2014, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT, đã chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện tốt quy hoạch diện tích trồng lúa, tái cơ cấu cây trồng ở vùng năng suất lúa thấp; tập trung sản xuất  giống lúa  chất lượng cao, hạn chế giống lúa năng suất thấp. Các doanh nghiệp, các ngân hàng cần quan tâm đầu tư từ khâu giống, sản xuất để nông dân làm ra sản phẩm chất lượng, qua đó gắn doanh nghiệp với nông dân, trong đó lấy người nông dân làm chủ thể, nhằm hạn chế mức thấp nhất rủi ro. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam, đồng thời nhân rộng nhanh những mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng lúa gạo vụ hè thu rớt giá, tồn đọng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo giảm giống lúa chất lượng kém như IR 50404 không được gieo trồng quá 20% vụ hè thu. Theo các chuyên gia nông nghiệp, về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần cơ cấu lại mùa vụ, rà soát lại quy hoạch để giảm diện tích trồng lúa vụ hè thu và thu đông (dự kiến khoảng 120.000 ha) để chuyển sang trồng các loại rau màu, cây trồng khác nhằm giảm áp lực về sản lượng lúa và tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, vụ hè thu thường khó thu hoạch bởi thời tiết mưa nắng thất thường, nông dân thường thu hoạch đến đâu bán đến đó nên dễ bị thương lái ép giá. Vì vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngay từ bây giờ, các địa phương cần có dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường thực hiện tốt trong phạm vi cấp mình, linh hoạt kịp thời có giải pháp đề xuất Chính phủ khắc phục bảo đảm quyền lợi cho nông dân. Các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ, kho bãi nâng cao chất lượng chế biến; các bộ, ngành tích cực mở rộng thị trường, phát huy tốt thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường khó tính, không quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề xuất: Việc tạm trữ lúa trong thời gian qua đã góp phần bình ổn giá khá tốt. Nên chăng, vụ hè thu sắp tới cũng sẽ can thiệp bằng biện pháp tạm trữ. Ngay từ bây giờ cần phải tính toán ngay kế hoạch tạm trữ lúa hè thu 2014 để khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện kịp thời. VFA cần điều hành thế nào để giảm áp lực sản lượng lúa, giảm áp lực tiêu thụ nhằm giúp nông dân hưởng lợi cao hơn.

Bài, ảnh: LÊ QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết