16/02/2021 - 09:45

Hành trình sáng tạo 

Gạo, cá, tôm, trái cây - những sản vật vô cùng gần gũi với người dân vùng ÐBSCL đã hiện diện trên bàn ăn của khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Ở Nhật Bản, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ, có những chiếc áo mùa đông, mùa xuân “made in Vietnam” được khách hàng khoác lên vào thời khắc tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Những sản phẩm thiết yếu ấy đi khắp “năm châu, bốn biển” là nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ…

* Tìm lối đi riêng

Chốt đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày đầu tháng 12, anh Ðỗ Hùng Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Phúc (Khu công nghiệp Trà Nóc 2) cho biết từ quý III, đơn hàng xuất khẩu của công ty đã tăng trở lại. Trung bình mỗi tháng Công ty Hùng Phúc xuất khẩu khoảng 120 tấn sản phẩm. Trong đó cá tra chiếm đến 100 tấn; 20 tấn còn lại là các loại thủy sản khác như cá sặc rằn, cá rô, lươn, cá cơm, cá kèo… các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc… Theo anh Long, thị trường ăn hàng gì mình bán món đó thay vì chỉ phụ thuộc vào con cá tra cắt khúc hay phi lê truyền thống vốn quen thuộc ở ÐBSCL. Dẫn tôi đi tham quan dây chuyền chế biến, chỉ những khoanh lươn cuộn tròn vừa được mạ băng trước khi chuyển sang cấp đông, anh Long bảo: “Vài ngày nữa, những khoanh lươn này sẽ được xuất khẩu sang Nhật cùng với nhiều loại thủy, hải sản khác để kịp phục vụ khách hàng mùa Noel và Tết”.

Những khoanh lươn được mạ băng, cấp đông tại Công ty TNHH MTV Hùng Phúc để xuất khẩu sang thị trường Nhật.​

Trung bình mỗi năm, Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (West Food) góp phần tiêu thụ hơn 18.000 tấn nông sản của vùng ÐBSCL. Các loại trái cây đặc sản của vùng sẽ được chế biến thành sản phẩm đóng lon, đóng ly nhựa ăn liền và vượt đại dương để đến tay khách hàng của hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Khép lại năm 2020 với doanh số hơn 300 tỉ đồng, con số này tuy giảm khoảng 10% so với năm 2019 nhưng anh Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc West Food vẫn tràn đầy lạc quan với  những dự định cho năm mới. Anh Lộc tâm sự: Năm 2020, công ty đầu tư hệ thống cân, đóng gói tự động cho hàng đông lạnh, hệ thống đóng gói trái cây vào cốc nhựa tự động. Ðây là hàng “ready to eat” khách hàng mở hộp là dùng ngay nên công ty phải chuẩn chỉnh trong quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra để gây dựng niềm tin bằng chất lượng. Mạnh dạn đổi mới công nghệ, nên trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị sản xuất phục vụ kênh nhà hàng, suất ăn công nghiệp, bệnh viện... giảm rõ rệt doanh số thì công ty lại tăng ở mảng bán lẻ.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố là chế biến xuất khẩu nông, thủy sản đang chuyển mình thay đổi; không chỉ sơ chế, chế biến thô để xuất khẩu mà hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ vượt trội để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau. Và trong giai đoạn khó khăn, Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu phải giải quyết kịp thời các thủ tục cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho DN; đảm bảo không để ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu.

* Trái ngọt từ sự tận tâm

Với 4 năm làm việc tại Công ty TNHH Kwong Lung - Meko, cô gái tuổi đôi mươi Trần Thị Ngọc Ánh, Tổ trưởng Tổ kiểm phẩm luôn tỉ mỉ và trách nhiệm với công việc của mình. Chỉ cho tôi xem những cây vải hoa sặc sỡ đang được cắt trên chuyền, Ánh cho biết đó là đơn hàng áo mùa xuân đang chuẩn bị xuất đi thị trường Nhật. Ánh chia sẻ rằng công ty có nhiều khách hàng khác nhau trong đó khó tính nhất là khách hàng Nhật và tiêu chuẩn đối với hàng hóa của họ cũng khắt khe hơn. Khách hàng Thụy Sĩ, Thụy Ðiển có yêu cầu logo sản phẩm không được lệch khỏi vị trí quy định dù chỉ là nửa li. Trách nhiệm của Tổ kiểm phẩm là đảm bảo mỗi sản phẩm làm ra phải đúng yêu cầu khách hàng. Với đa số công nhân có tay nghề lâu năm, các đơn hàng khó đến mức nào, công ty cũng thực hiện được.

Dây chuyền may mặc của Công ty TNHH Kwong Lung - Meko. 

Vào thời điểm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo của Việt Nam chính thức được miễn thuế nhập khẩu vào EU, Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát đã có 5 năm đưa sản phẩm thị trường châu Âu và có đầy đủ các chứng nhận như HACCP, ISO cũng như giấy phép xuất khẩu vào thị trường này. Chị Bùi Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ: Ðể đưa gạo vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp đã có 5 năm xây dựng chất lượng, xây dựng thị trường, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết như có quy trình sản xuất khép kín truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kho sạch để dự trữ lúa gạo, chứng thư xuất khẩu và quan trọng nhất là đã có sẵn thị trường nhờ duy trì quan hệ buôn bán lâu năm với các đối tác.

Theo ông Nguyễn Thanh Tao, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, các DN trong khu công nghiệp luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì và phát triển thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Bên cạnh trách nhiệm hỗ trợ các DN đang hoạt động trong khu công nghiệp, Ban Quản lý cũng quyết tâm thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái. Ðồng thời, chủ động tham gia tiếp sức cho DN triển khai và khai thác có hiệu quả các thỏa thuận tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các FTA của ASEAN với các đối tác lớn.

*
*      *

Dù khó khăn, cộng đồng DN Tây Ðô đã thích ứng kịp thời, tăng sức đề kháng, nắm bắt cơ hội, nỗ lực tìm lối đi riêng. Một năm cũ khép lại, DN Tây Ðô lại vững tin đón chờ những vận hội mới!_

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết