25/05/2023 - 11:43

Hành trang đến tương lai 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ luôn nỗ lực duy trì và nhân rộng mô hình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCÐB) tại Trung tâm và trong các trường học. Qua đó, giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng hành trang đến tương lai.

Trẻ em có HCĐB tại Trung tâm CTXH thành phố tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Tự phục vụ bản thân”.

Đa dạng kiến thức, kỹ năng

Buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Tự phục vụ bản thân” do Trung tâm CTXH thành phố phối hợp Thành đoàn Cần Thơ tổ chức cho nhóm trẻ thiếu nhi có HCÐB, thêm phần hào hứng vì nội dung thiết thực, phù hợp thực tế sinh hoạt hằng ngày. Thông qua hình ảnh, video clip sinh động, các cán bộ Ðoàn thị phạm tại chỗ, các em được hướng dẫn kỹ năng tự chăm sóc và giữ vệ sinh cá nhân, phòng ngừa dịch bệnh, rèn thói quen ngăn nắp, bỏ rác đúng nơi quy định… Trong phần thực hành, em Lê Thị Liễu, thành viên nhóm thiếu nhi, nhanh tay sắp xếp gối, mền, rồi quét bụi sàn nhà. Liễu bày tỏ: “Chúng em được các cô hướng dẫn làm việc này lâu nay, dần tạo thói quen hằng ngày. Chúng em luôn nhắc nhở nhau giữ vệ sinh cá nhân, quét dọn, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp…”.

Trước đó, các em nhóm thiếu nhi được trải nghiệm thú vị tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng văn minh siêu thị”. Ðến đây, các em thỏa sức khám phá đa dạng chủng loại hàng hóa, màu sắc rực rỡ, mới lạ, khơi dậy trí tò mò, ham học hỏi. Ðồng thời, các em tự mua các loại vật dụng, thức ăn theo sở thích và “bỏ túi” các kỹ năng cơ bản về sắp xếp, lựa chọn sản phẩm, quản lý chi tiêu, nhất là kỹ năng ứng xử, giao tiếp và tự vệ nơi công cộng.

Với khí thế sôi nổi, hào hứng, hội viên câu lạc bộ (CLB) Tuổi hồng và học sinh Trường THCS Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề “Phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh THCS”. Qua nội dung kiến thức, hình ảnh thực tế, số liệu cụ thể về tai nạn thương tích, các em tích cực góp ý, thảo luận và quan tâm các giải pháp phòng, tránh các loại tai nạn. Em Võ Thành Nhật, học sinh lớp 9A1, cho biết: “Tham gia buổi sinh hoạt, chúng em biết thêm các kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích để chủ động bảo vệ bản thân, nhất là rèn kỹ năng tuân thủ quy định, pháp luật”.

Trong tháng 5-2023, Trung tâm CTXH thành phố phối hợp 17 CLB tuổi hồng các quận, huyện tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về Luật Trẻ em, tư vấn sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, mạng xã hội, sử dụng internet thông minh, có văn hóa, kỹ năng ứng xử và giao tiếp, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, bạo lực học đường, …   

Tiếp cận và thích ứng

Theo ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, các buổi sinh hoạt chuyên đề nằm trong kế hoạch thực hiện mô hình “Giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có HCÐB” và hoạt động chương trình CTXH trong trường học năm 2023 của Trung tâm CTXH thành phố. Qua đó, Trung tâm cung cấp cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tổn hại; rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm; giúp trẻ suy nghĩ tích cực, tự tin và lựa chọn những hành vi đúng đắn. 

Ðối với hoạt động chương trình CTXH trong trường học, Trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức ít nhất 7 kỳ sinh hoạt thường xuyên/CLB Tuổi hồng; 42 buổi nói chuyện chuyên đề hoặc tập huấn kỹ năng sống cho tất cả CLB Tuổi hồng. Trung tâm phối hợp nhân rộng mô hình CLB Tuổi hồng tại 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy; triển khai thí điểm mô hình hướng tới hỗ trợ học sinh THPT khó khăn tại 1 trường THPT trên địa bàn thành phố…

Qua công tác vận động, kết nối can thiệp, hỗ trợ, sớm phát hiện các nguy cơ gây tổn hại học sinh; các vụ việc liên quan học sinh có HCÐB, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Ðồng thời, Trung tâm tổ chức hoạt động kết nối nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà trẻ em có HCÐB hoặc nguy cơ rơi vào HCÐB. Ðối với mô hình “Giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có HCÐB”, trong năm, tổ chức ít nhất 18 buổi giáo dục kỹ năng sống và 5 buổi sinh hoạt chuyên đề cho tất cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên không có bệnh lý tâm thần, bại não; 6 hoạt động trải nghiệm thực tế ứng dụng các kiến thức, kỹ năng cho nhóm trẻ thụ hưởng. Các em được trang bị kỹ năng tham gia giao thông, trải nghiệm làm bánh, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, tư vấn, tham vấn tâm lý, giới tính và hướng nghiệp… để rèn luyện và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Chia sẻ bài viết