27/03/2016 - 17:08

Hạn, xâm nhập mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016

Hành động ngay vì một ĐBSCL trù phú

 Thanh Long

Những ngày đầu tháng 3, không khí oi bức khác thường. Những con kênh, mương cạn nước, ruộng đất khô nứt nẻ hiển hiện như thách thức sức chịu đựng của con người. Hàng trăm ngàn héc-ta đất trồng lúa của người dân chết khô, xám xịt. Vùng ĐBSCL đã và đang đối phó với thiên tai hạn, mặn lớn nhất lịch sử trong vòng hơn 100 năm qua…

Bài 1: Giữa tâm hạn, mặn

ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá và vựa trái cây của cả nước. Tuy nhiên, nơi đây đang đứng trước nhiều nguy cơ kéo giảm sự phát triển, nhất là nông nghiệp – một thế mạnh riêng có của vùng. Đặc biệt, hạn hán và xâm nhập mặn (XNM) đã và đang hoành hành ở vùng ĐBSCL tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo: Cần sớm triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó. Xa hơn, cư dân ĐBSCL cần tìm tòi, có cách dần thích ứng, sống chung với hạn hán, XNM vì một ĐBSCL
phát triển trù phú...

Đồng xơ xác…

Dưới cái nắng gay gắt, oi bức, mùi hăng hắc của muối từ đồng đất xộc vào mũi làm người ta cảm thấy tức ngực, lão nông Nguyễn Văn Sang ở ấp 5, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cùng với 5 nông dân khác cặm cụi "thu hoạch" những trà lúa đã chết. Tiếng "sột soạt" của những chiếc lưỡi hái cứa vào những thân lúa khô cứng càng khiến không khí trở nên ngột ngạt hơn... Ông Nguyễn Văn Sang nói: "Bữa trước tôi đi thăm đồng, thấy lúa xanh rì, đang trong thời kỳ trổ bông. Tôi mừng thầm vì đoán chắc sẽ có một mùa lúa trúng. Ai dè, vài hôm sau, tự dưng cây lúa chựng lại, vài hôm nữa lá lúa dần dần héo và chết khô trên đồng. Nhìn đồng lúa màu xám xịt mà tôi ứa nước mắt, muốn chết đứng theo! Mấy chục năm trời làm ruộng, có bao giờ như năm nay. Nông dân tụi tui bất lực nhìn tiền của, công sức của mình chăm bón mấy tháng trời chết dần mà sao không xót!". Lúa chết nhưng chỉ tính tiền cày ải, tiền giống, phân, thuốc… nông dân tốn gần 10 triệu đồng/ha. Chưa kể, muốn "thu hoạch" tàn dư của hạn, XNM người nông dân phải thuê công cắt, gom lúa chết… tốn thêm hơn 800.000 đồng/công (công tầm lớn). Ông Nguyễn Văn Sang chua chát nói: "Lúa chưa kịp chắc hạt đã khô đét. Kêu bán cũng không có người mua! Tôi phải mướn cắt, gom, suốt… để lấy lúa làm thức ăn cho vịt".

 Nông dân xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đang “thu hoạch”  lúa bị chết khô do XNM. Ảnh: T.LONG

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, đến trung tuần tháng 3-2016, toàn vùng ĐBSCL có trên 160.300ha lúa bị thiệt hại; trong đó có trên 110.000ha bị thiệt hại trên 70%. Nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng năng suất nặng nề. Bà Huỳnh Thị Sương ở ấp Đoàn Văn Tố B, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm nay đúng nghĩa là một mùa mía…đắng đối với người trồng mía ở Cù Lao Dung. Vì chỉ mới tháng 9 Âm lịch năm rồi, trời dứt mưa đến tận hôm nay. Không mưa đã đành, nước mặn theo kênh mương nội đồng tràn vào rẫy mía. Mía xanh tốt, bỗng dưng chựng lại, không lớn nữa… Bây giờ, mía đang có giá, khoảng 9 triệu đồng/công, cao hơn năm rồi 1-1,5 triệu đồng/công. Những diện tích bị nhiễm hạn mặn, cây mía còi cọc, nhiều cây nhẹ tênh gần như không còn nước…, dù có muốn bán rẻ cũng không ai mua. "Tôi sống ở đây từ nhỏ. Bây giờ 66 tuổi rồi, nhưng tôi chưa thấy năm nào mưa dứt và mặn tràn vào ruộng đồng sớm như năm nay… Mía thất trắng rồi! Mấy đứa con tôi đang tính lên thành phố (TP Hồ Chí Minh – người viết), hay Bình Dương để tìm việc làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả nợ tiền phân trồng mía…" - bà Huỳnh Thị Sương nói. Đến đầu tháng 3, trên 6.630ha trồng mía niên vụ 2015-2016 của huyện Cù Lao Dung bị ảnh hưởng của hạn, XNM, trong đó có gần 1.920ha bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%; có gần 100/630ha mía lưu gốc niên vụ 2016-2017 cũng đã bị thiệt hại. Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cù Lao Dung, mía bị hạn, mặn giảm năng suất khoảng 28%, giảm từ 1-2 chữ đường. Năng suất trồng mía bình quân của huyện là 120 tấn/ha, giờ chỉ còn 80-90 tấn/ha kéo theo sản lượng mía toàn huyện giảm trên dưới 34 tấn/ha.

Khát nước ngọt…

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, hạn hán, XNM đã và đang ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở cửa sông, ven biển, như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Đã có khoảng 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người bị thiếu nước.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, lo lắng cho biết: "Hơn tháng qua, toàn bộ hệ thống nước do nhà máy nước cung cấp, nguồn nước ngầm ở Giồng Trôm không thể sử dụng cho sinh hoạt. Nhiều hộ dân phải đổi nước để nấu ăn với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/m3". Toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 88.000 hộ dân với hơn 353.000 người dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trước tình hình này, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Tỉnh tăng cường mở rộng tuyến ống đối với những nhà máy còn công suất hoạt động; có biện pháp cấp nước luân phiên đối với các nhà máy nước quá tải để đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho người dân… Đến nay, Bến Tre đã thi công hoàn thành và bàn giao địa phương quản lý, vận hành 10 điểm cấp nước tập trung thuộc 2 huyện Bình Đại và Thạnh Phú phục vụ khoảng 2.000 hộ dân. Thi công, chuẩn bị thi công nhiều tuyến ống truyền dẫn nước đến nhiều vùng khan hiếm nước ngọt… Đồng thời, tổ chức chuyển nước ngọt bằng xà lan cung cấp nước ngọt cho 3 huyện ven biển là Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện phương án dùng xe bồn chở nước có độ mặn trong mức cho phép phục vụ các bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khách sạn…trên địa bàn tỉnh.

Nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động triển khai phương án cung cấp nước sạch đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Theo đó, 22 vòi nước công cộng đặt tại các nơi hẻo lánh, đường ống không tới được thuộc các xã Tân Thạnh, Phú Tân,… huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã mở sớm hơn so mọi năm. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 16 thuyền bơm công suất 32.000m3/giờ để bơm nước ngọt cho vùng Gò Công; tổ chức bơm chuyền 2 -3 cấp tại 650 điểm bơm. Tỉnh Sóc Trăng triển khai các phương án cấp nước, tổ chức các điểm cấp nước công cộng miễn phí tại 2 huyện Trần Đề và Vĩnh Châu; hỗ trợ máy lọc nước đến các hộ dân ở các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng…

Mặn đe dọa cả thành phố trung tâm

TP Cần Thơ nằm cặp sông Hậu, cách biển Đông khoảng 80km, cách biển Tây khoảng 60km nên ít bị XNM. Tuy nhiên, ngày 5-3, độ mặn cao nhất tại Trạm 1 đặt ở Cảng Cái Cui đạt 2,05‰ - vượt mức cho phép dành cho ăn uống và ảnh hưởng đến sinh trưởng của một số hoa màu. Sau đó, độ mặn đo tại Trạm 1 đã giảm dần và chỉ còn khoảng 0,139‰ vào ngày 17-3. Theo nhận định của ngành hữu quan, XNM thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, vào các tháng sau, độ mặn có thể sẽ tăng cao. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ có 8 trạm quan trắc tự động đặt tại các vị trí có nguy cơ nước mặn xâm nhập. Cứ 30 phút dữ liệu sẽ được truyền về trung tâm quan trắc và qua điện thoại di động để theo dõi. Đặc biệt, thành phố đã có 2 trạm quan trắc nước mặt và nước thải đặt gần vị trí lấy nước đầu vào của Công TNHH MTV cấp thoát nước Cần Thơ và Khu công nghiệp Trà Nóc để thu, lưu mẫu, phân tích phục vụ công tác quản lý về môi trường, phục vụ đánh giá chất lượng nguồn nước đầu vào cho nhà máy xử lý nước cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân… Ngành tài nguyên môi trường tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên nồng độ mặn trên các sông chính ở Cần Thơ để thông tin đến ngành chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời. Tại Hội nghị Triển khai công tác chống hạn và chỉ đạo sản xuất vụ xuân hè vào cuối tháng 2-2016, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lưu ý: Các ngành chức năng thành phố cần đẩy mạnh vận động, khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống lúa, rau màu theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp để giảm chi phí bơm tưới. Sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Lãnh đạo UBND các cấp cần trực tiếp đi thăm đồng để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong sản xuất và phòng chống hạn.

Hạn hán, XNM mùa khô năm 2015-2016 đã và đang diễn biến gay gắt và phức tạp tại ĐBSCL. Tính khốc liệt của thiên tai mang tính lịch sử này đã được cảnh báo từ rất sớm, từ tháng 10-2015. Từ đó, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc. Nhiều hội nghị, hội thảo về tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, XNM được tổ chức. Nhiều giải pháp tình thế, cấp bách, như: đắp đập, nạo vét kênh mương, tiết kiệm nước… và cả những giải pháp lâu dài, như: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xây dựng hệ thống thủy lợi… được ngành chức năng khuyến cáo. Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương… cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đến các vùng hạn, XNM ở ĐBSCL. Đặc biệt, trong tháng 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến nhiều địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán, XNM để khảo sát tình hình và thăm hỏi, động viên người dân vượt qua thiên tai.

***

ĐBSCL đã và đang đối mặt với hạn hán và XNM lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nguyên nhân do thiên tai, do biến đổi khí hậu còn do nhân tai, chủ quan của con người nên mức độ thiệt hại chưa thể dừng lại.

(Còn tiếp)

Bài 2: Thiên tai + Nhân tai và chủ quan = Thiệt hại khôn lường

Chia sẻ bài viết