14/06/2019 - 12:47

Hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí 

Năm 2019, Ngày Môi trường thế giới (5-6) với chủ đề “Ô nhiễm không khí (ÔNKK) và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu. Là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, TP Cần Thơ đã, đang và sẽ triển khai nhiều hành động thiết thực giảm thiểu và ngăn chặn ÔNKK.  ​

Một trong những giải pháp giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí tại TP Cần Thơ đó là tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thay thế xe máy và ô tô cá nhân. 

► Thách thức

Trong giai đoạn 2011-2015, TP Cần Thơ phát triển bùng nổ với kinh tế tăng trưởng nhanh, các chính sách xã hội và cơ sở hạ tầng kinh tế được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Thành phố đã tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng nông nghiệp và phát triển công nghiệp, cải thiện hạ tầng cơ sở kinh tế- xã hội. Những hoạt động trên và quá trình đô thị hóa tuy thúc đẩy tăng trưởng của thành phố nhưng đã làm gia tăng lượng rác thải rắn và gây ÔNKK, nước. Do vậy, thành phố đã khuyến khích các cơ sở sản xuất và các ngành công nghiệp áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất sạch hơn. Tuy nhiên việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tại TP Cần Thơ bao gồm 16 trạm quan trắc thủ công được phân bố ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. Cụ thể, 3 trạm tại quận Ninh Kiều; 3 trạm tại các khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 và Hưng Phú; 10 trạm tại các khu dân cư lân cận. Hoạt động quan trắc chất lượng không khí được tiến hành 4 lần/năm; các chỉ số quan trắc gồm: tổng lượng bụi lơ lửng, NO2, CO, SO2, Pb và các yếu tố khí lượng (nhiệt độ, tốc độ gió, hướng gió). Theo Tổ chức Không khí sạch châu Á, tại TP Cần Thơ,  giao thông là nguồn gây ô nhiễm chính làm suy giảm chất lượng không khí ở các vùng đô thị của thành phố. Kết quả quan trắc giai đoạn 2011-2015 cho thấy, chất lượng không khí tại TP Cần Thơ có thể coi là bị ô nhiễm, chủ yếu là do bụi tổng và tiếng ồn. Theo dự báo, tại Cần Thơ, so với năm 2015 phát thải lượng khí NOx tăng khoảng hơn 5% vào năm 2020, tăng hơn 45% vào năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được các cấp đặc biệt quan tâm. Việc cấp phép cho các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được thẩm định một cách chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm tăng cường, kịp thời ngăn chặn hành vi xả thải trái phép ra môi trường. Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo vệ môi trường thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung thiết thực và đa dạng hình thức. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm cần có sự phối hợp, chung tay của các tổ chức, cá nhân. Quá đó, kiểm soát nguồn khí thải gây ÔNKK và tiếng ồn do hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất và thực hiện công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí…

► Hành động

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 1014/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động Không khí sạch TP Cần Thơ đến năm 2025 (gọi tắt là Kế hoạch). TP Cần Thơ là 1 trong 2 đơn vị của Việt Nam được Chương trình Tổng hợp cho Chất lượng không khí Tốt hơn tại châu Á lựa chọn hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch này. Theo đó, Kế hoạch xác định các hoạt động và giải pháp giảm thiểu phát thải từ các nguồn trong và ngoài ranh giới TP Cần Thơ. Đồng thời, nêu rõ chi tiết các hoạt động và các giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu và kiểm soát phát thải tại TP Cần Thơ; cung cấp định hướng và các kế hoạch cho các cơ quan quản lý và các bên liên quan nhằm cải thiện chất lượng không khí. Chẳng hạn, đề xuất tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thay thế xe máy và ô tô cá nhân; cấm đốt rơm rạ sau thu hoạch… Việc xây dựng Kế hoạch bổ sung cho các nỗ lực của thành phố về tăng trưởng bền vững. Các giải pháp cụ thể của kế hoạch này không chỉ cải thiện chất lượng không khí ở thành phố mà còn đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động Không khí sạch cần có lộ trình thực hiện, vì vậy, trước mắt để giảm thiểu ÔNKK, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ÔNKK đối với sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; phát động phong trào sử dụng phương tiện giao thông công cộng; sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết bị ít phát thải… Đồng thời, thực hiện đầu tư, lắp đặt, vận hành, kết nối hệ thống truyền số liệu quan trắc không khí, khí thải tự động liên tục từ khu đô thị, cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn, phục vụ công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí.

Hưởng ứng lời kêu gọi cùng hành động giảm thiểu ÔNKK, ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: Quận tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và không khí nói riêng, như: hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu và máy móc phát sinh nhiều khí thải gây ÔNKK; sử dụng công nghệ sạch, sản phẩm thân thiện môi trường. Quận thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” bằng những hành động cụ thể. Từ đó, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử thân thiện với môi trường và phát triển bền vững…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết