25/05/2021 - 09:48

Hành động để “giải cứu” nông sản 

Nông sản “được mùa mất giá” hay “rộ mùa rớt giá” thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trước ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sức tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh.

Các năm trước, giá trái xoài Ðài Loan thường xuyên ở mức cao, nhiều thời điểm có giá lên đến 30.000-50.000 đồng/kg, nhưng gần đây chỉ còn ở mức 2.000-6.000 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ xoài Ðài Loan tại chợ và điểm bán trái cây chỉ còn ở mức 4.000-8.000 đồng/kg. Giá rẻ nhưng nông dân khó tiêu thụ hàng với số lượng lớn bởi nhiều vựa thu mua xoài Ðài Loan xuất khẩu đã tạm ngừng thu mua hoặc thu mua với số lượng hạn chế. Nông dân phải đem xoài ra chợ hoặc để cặp các trục đường giao thông để bán lẻ thu hồi lại phần nào tiền vốn đã đầu tư cho vườn cây.

Chưa năm nào giá xoài Đài Loan lại rẻ như hiện nay. Trong ảnh: Thu hoạch xoài Đài Loan tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Mít Thái được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ còn ở mức 2.000-9.000 đồng/kg, trong khi vào những tháng đầu năm 2021, có lúc giá mít lên đến 30.000-40.000 đồng/kg, còn các năm trước mít Thái có nhiều lúc bán được giá 60.000-70.000 đồng/kg. Dịch COVID-19 đã khiến đầu ra xuất khẩu trái mít tươi sang thị trường chủ lực là Trung Quốc gặp khó nên giá giảm mạnh, nhất là khi gần đây nguồn cung trái mít liên tục tăng mạnh do người dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh trồng.

Cũng do đầu ra xuất khẩu gặp khó và nguồn cung tăng mạnh, giá ớt chỉ thiên tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL còn ở mức 6.000-9.000 đồng/kg. Ðây là mức rất thấp so với những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá ớt ở mức từ 50.000-70.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 90.000-100.000 đồng/kg. Nông dân trồng ớt chỉ thiên đang bị thua lỗ nặng do loại cây trồng này nặng chi phí chăm sóc và thu hoạch trái. Gần đây, giá khoai lang tím Nhật được trồng tại tỉnh Vĩnh Long và nhiều loại rau củ được trồng tại các địa phương vùng ÐBSCL cũng rớt giá xuống mức rất thấp, chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg.

Nông sản rớt giá do được nông dân trồng với số lượng rất lớn nên khi đầu ra gặp khó, giá giảm rất mạnh và nông dân chịu ảnh hưởng cũng rất lớn. Ngoài ra, đây là những loại nông sản vốn được sản xuất cho mục đích xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo dạng tươi thô nên sản phẩm tới thu hoạch không thể bảo quản được lâu. Do vậy, khi thị trường xuất khẩu ngưng “ăn hàng” hoặc gặp các vấn đề ách tắc trong lưu thông, phân phối hàng, giá đầu ra sản phẩm rất dễ bị giảm mạnh. Một khó khăn khác là với người sản xuất là người tiêu dùng tại thị trường nội địa không có thói quen, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này, nên khi không xuất khẩu được cũng khó đẩy mạnh tiêu thụ hàng ở nội địa. Việc kêu gọi người dân tham gia “giải cứu” các loại nông sản này chỉ có thể giúp tiêu thụ hàng trong trước mắt, chứ không giải quyết được căn cơ vấn đề. Muốn ổn định giá cả đầu ra và  nâng cao trị giá sản phẩm, ngành chức năng cần có các giải pháp hành động nhằm kịp thời phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu gắn với đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến sản phẩm và đa dạng các sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu. Ðồng thời, quy hoạch lại sản xuất một cách phù hợp, gắn với tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong từng chuỗi giá trị ngành hàng để điều tiết sản lượng các loại cây trồng một cách phù hợp gắn với nhu cầu thị trường vào từng thời điểm.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất nhiều các loại nông sản với số lượng cực lớn. Song, việc xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro do số lượng chủng loại nông sản của nước ta được Trung Quốc chấp nhận mở cửa thị trường, cho phép nhập khẩu chính thức còn ít, cũng do nước này gia tăng các rào cản kỹ thuật. Ðơn cử, đối với trái cây, mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bên cạnh tiếp tục tích cực đàm phán để tăng số lượng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, để người dân nắm bắt rõ các nhu cầu về sản phẩm và yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết