Chỉ trong vài tuần, các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã giành được nhiều hợp đồng ở Peru, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa quốc gia Đông Á và Nam Mỹ.
Tàu hộ tống lớp Pohang BAP Guise mà Hàn Quốc tặng Peru. Ảnh: Wikimedia
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, nhà máy đóng tàu Servicios Industriales de la Marina (SIMA) của Peru đã ký hợp đồng vớ Hyundai Heavy Industries (HHI) của Hàn Quốc để đóng một tàu hộ vệ 3.400 tấn, 2 tàu đổ bộ 1.500 tấn và một tàu tuần tra xa bờ 2.200 tấn. Số tàu với tổng trị giá khoảng 460 triệu USD này dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Peru vào năm 2029. SIMA trong một tuyên bố mô tả thỏa thuận là “hợp đồng xuất khẩu công nghiệp quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay sang Trung Mỹ và Nam Mỹ”.
4 tàu nói trên là một phần trong chương trình hiện đại hóa hạm đội tàu chiến mặt nước đầy tham vọng của Peru. Chương trình trị giá hơn 3 tỉ USD này dự kiến sẽ trang bị cho Hải quân Peru 23 tàu chiến mới các loại. “Chúng ta đã chứng kiến một cột mốc lịch sử khi SIMA ký hợp đồng với HHI về việc cung cấp 4 tàu cho Hải quân Peru. Các tàu này sẽ cho phép Hải quân Peru đẩy mạnh tuần tra chống tội phạm trên biển, tăng cường năng lực quốc phòng và hỗ trợ người dân trong các trường hợp khẩn cấp” - tờ The Korea Times dẫn lời Tổng thống Peru Dina Boluarte nhần mạnh.
Không dừng lại đó, hãng Hyundai Rotem của Hàn Quốc hồi đầu tháng 5 tuyên bố sẽ bán 30 xe bọc thép có biệt danh Bạch Hổ cho quân đội Peru với tổng trị giá 60 triệu USD.
Giới chuyên gia cho rằng các thỏa thuận trên là tín hiệu cho thấy Hàn Quốc sẽ tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở Peru trong thời gian sắp tới. “Hàn Quốc hiện đang ở một vị trí rất thuận lợi để hỗ trợ và tác động đến tương lai của ngành đóng tàu Peru, mở đường cho SIMA trở thành trung tâm của Seoul ở Trung Mỹ và Nam Mỹ” - Andre Carvalho, nghiên cứu sinh khoa học quân sự tại Đại học chỉ huy lục quân Brazil, nhận định.
Hoshik Nam, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Jacksonville (Mỹ), có cùng quan điểm. Theo ông Nam, HHI hiện là “đối tác chiến lược” của Hải quân Peru và nếu dự án SIMA thành công, HHI “có thể tham gia sâu vào kế hoạch sản xuất trong tương lai của Hải quân Peru”, từ đó mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho HHI.
Về phần mình, Mathew George, Giám đốc Chương trình Chuyển giao Vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), cho biết thỏa thuận trên mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Trong khi SIMA có được “chuyên môn về đóng tàu”, HHI sẽ có một cơ sở đóng tàu khác ở Peru, qua đó giúp giảm các chi phí phát sinh trong tương lai và cho phép Seoul tiếp cận trực tiếp hơn vào thị trường Mỹ Latinh.
Thỏa thuận trên với HHI không phải là lần đầu SIMA ký hợp đồng đóng tàu với một công ty Hàn Quốc. SIMA trước đó đã ký thỏa thuận với Daesun Shipbuilding & Engineering để xây dựng 2 ụ tàu đổ bộ cho Hải quân Peru. Ngoài ra, SIMA cũng đã đóng một tàu tuần tra lớp Río Pativilca dựa trên thiết kế của Tập đoàn Đóng tàu và Công trình biển STX (Hàn Quốc).
Đáng chú ý, Hàn Quốc trong thập niên qua còn tặng 2 tàu hộ tống lớp Pohang cho Peru.
Bên cạnh Peru, Hàn Quốc còn đặt mục tiêu thâm nhập các thị trường Nam Mỹ khác như Chile, Colombia, Urugay, Mexico và Ecuador - những quốc gia giữ vị trí đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc trong bối cảnh Seoul muốn kiềm chế “ảnh hưởng chiến lược” của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc tại khu vực.
Đến nay, Colombia có 2 tàu hộ tống do Hàn Quốc sản xuất. Năm 2012, Seoul cũng đã bán tên lửa đất đối đất SSM-700K C-Star cho Bogota. Cách đây một thập niên, STX còn đóng 2 tàu tuần tra cho Hải quân Colombia.
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ecuador đã ký thỏa thuận với Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc để chuyển giao tàu tuần tra trọng tải 4.400 tấn. Trước đó, Seoul hồi năm 2020 đã tặng Quito 2 tàu tuần tra lớp Haeuri.