10/04/2014 - 21:03

Hàm lượng CO2 càng cao, chất lượng cây lương thực càng giảm

Theo kết quả kiểm tra thực tế của các chuyên gia Đại học California tại thành phố Davis (UC Davis-Mỹ), nồng độ cao khí cácbon điôxít (CO2) có thể khiến cây trồng giảm khả năng chuyển hóa nitrat thành prôtêin, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dinh dưỡng một số cây lương thực như lúa, lúa mì, lúa mạch hay khoai tây.

Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra rằng CO2 ức chế khả năng tổng hợp nitrat ở thực vật, nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này được phát hiện trên cây lương thực. Tác giả nghiên cứu – Giáo sư Arnold Bloom tại Khoa Khoa học Cây trồng - cho biết prôtêin thực vật rất quan trọng đối với toàn bộ chuỗi thức ăn bởi vì con người tổng hợp dưỡng chất này (từ thực vật hoặc từ động vật ăn thực vật) để biến đổi thành năng lượng sống. Tuy nhiên, "chất lượng thực phẩm đang suy giảm ngược chiều với sự gia tăng hàm lượng CO2 trong không khí mà chúng ta đang nếm trải" - ông cảnh báo.

Ảnh: guardianlv

Theo báo cáo trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên, Giáo sư Bloom và cộng sự tại UC Davis đã tiến hành phân tích mẫu lúa mì trồng trong giai đoạn 1996 - 1997 tại Trung tâm Nông nghiệp Maricopa ở bang Arizona. Số lúa mì này được trồng trong những lô đất thử nghiệm với bầu không khí được tăng cường CO2 nhằm mô phỏng điều kiện khí hậu dự kiến vào năm 2030. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng trồng các lô lúa mì trong điều kiện khí hậu bình thường để đối chiếu. Sau khi phân tích thành phần hóa học của cây, nhóm chuyên gia phát hiện khí CO2 nồng độ cao đã cản trở quá trình chuyển hóa nitrat thành prôtêin ở lúa mì. Mặc dù cho rằng cần tiến hành các thử nghiệm tương tự trên các loại cây lương thực khác như lúa, lúa mạch và khoai tây, song các chuyên gia tin tưởng kết quả cũng sẽ giống nhau.

Trong một nghiên cứu khác, Tiến sĩ Andreas Fangmeier và cộng sự Petra Högy thuộc Đại học Hohenheim (Đức) cũng tiến hành thử nghiệm kéo dài 3 năm trên cánh đồng lúa mì phơi nhiễm CO2 nồng độ cao như mức dự kiến của các nhà khoa học vào năm 2050. Kết quả cho thấy, CO2 không chỉ ảnh hưởng đến các axít amin như prôtêin mà còn tác động đến những nguyên tố vi lượng khác, chẳng hạn hàm lượng chì ở lúa mì tăng 14% trong khi hàm lượng chất sắt giảm 8%. Sự tăng-giảm của hai chất này như trên đều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của con người.

Theo nhiều ghi chép, mức độ CO2 hiện đã tăng 39% kể từ năm 1800 và dự kiến tiếp tục tăng từ 40-140 % vào cuối thế kỷ này. "Điều này đồng nghĩa chất lượng thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng với mức giảm dự đoán là 3%" – nhóm nghiên cứu của Giáo sư Bloom cảnh báo. Các nhà khoa học cho biết chúng ta có thể bù đắp nitrat cho cây trồng bằng cách bón phân nitơ, nhưng biện pháp này không được khuyến khích vì có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, bao gồm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng nguy cơ rò rỉ nitrat vào nguồn nước ngầm và gia tăng khí thải ôxit nitơ (NO) – một loại khí nhà kính giống CO2. Do vậy, tìm cách bổ sung nitrat cho cây lương thực mà không gây hại môi trường sẽ là thách thức lớn cho các nhà khoa học thời gian tới.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết