04/01/2008 - 22:46

Hám lợi, làm liều

Là chủ phương tiện đánh bắt hải sản nhưng Trần Văn Tó lại không đi đánh cá mà tổ chức khai thác cáp quang dưới biển để bán phế liệu với số lượng rất lớn. Hành vi đó đã cấu thành tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” và gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỉ đồng. Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chuyển toàn bộ hồ sơ qua Tòa án cùng cấp đề nghị đưa ra xét xử.

 Cáp quang bị tịch thu.  Ảnh: THÀNH NHÂN 
Cuối năm 2006, trong thời gian neo đậu tại cảng Quân khu 7 (Bà Rịa-Vũng Tàu) thấy nhiều tàu đánh cá đến đây bán dây cáp biển cho vựa phế liệu, Trần Văn Tó (SN 1950) chủ tàu đánh bắt KG 8975-TS, ngụ khu phố 1, phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang) quyết định “chuyển nghề”. Sau khi tìm hiểu thị trường, ông Tó đi mua những dụng cụ phục vụ khai thác cáp như máy cắt cáp, lưỡi cắt, neo móc cáp... chuẩn bị ra khơi.

Ngày 8-1-2007, tàu KG 8975-TS vừa ra đến Trạm Kiểm soát biên phòng cảng Cát Lỡ (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì bị tạm giữ giấy phép và không cho tàu xuất bến vì không có giấy phép khai thác cáp. Biết được ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Hòa Phát ở Bà Rịa -Vũng Tàu, được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép khai thác cáp phế liệu trên biển, ông Tó tìm đến ký hợp đồng thu gom cáp phế liệu với Công ty này. Nhằm tạo điều kiện cho ông Tó ra khơi, ông Hòa giao bản sao giấy phép do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp (đã công chứng) cho Tó. Có “tấm bùa” này, ông Tó bắt đầu cho tàu ra khơi tìm địa điểm khai thác cáp quang dưới biển. Tuy nhiên, sau đó ông Hòa cho biết: Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, từ ngày 20-1-2007, ông Hòa đã liên hệ các tàu yêu cầu chấm dứt việc thu gom cáp phế liệu. Trường hợp ông Tó cũng vậy và ông Hòa đã đơn phương thanh lý hợp đồng vào ngày 25-1-2007.

Cuối tháng 3-2007, ông Tó cùng 10 ngư phủ chạy tàu đến địa điểm có cáp quang và tiến hành thả neo dò tìm dây cáp dưới đáy biển. Khi phát hiện, ông Tó cho ngư phủ lặn xuống biển rồi sử dụng máy cắt dây cáp thành những đoạn dài 3 - 4m chuyển lên tàu. Qua 20 ngày khai thác, số lượng cáp quang tàu KG 8975-TS thu được lên đến 125,4 tấn. Lần này, ông Tó cho tàu chạy về khu vực Cồn Giữa (ở giữa Hòn Tre - Kiên Hải và Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang) rồi liên hệ với ông Quách Văn Tài ngụ khu phố 7, phường An Hòa (TP Rạch Giá) đặt vấn đề bán số cáp vừa khai thác với giá 2.800 đồng/kg. Sau khi xem hàng, ông Tài lấy mẫu cáp gởi cho ông Lư Văn Bằng ở khu phố 5, phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) và bán lại với giá 3.200 đồng/kg để hưởng chênh lệch. Chưa dừng lại ở đây, ông Bằng tiếp tục liên hệ bán cho một người tên Tùng ở TP Hồ Chí Minh (không rõ địa chỉ) với giá 3.400 đồng/kg. Như vậy, trong chuyến khai thác cáp đầu tiên, ông Tó đã thu về hơn 350 triệu đồng.

Thấy công việc làm ăn có lời, ông Tó tiếp tục thực hiện chuyến thứ hai vào cuối tháng 4-2007. Lần này, ông Tó trực tiếp làm tài công lái tàu đến tọa độ cũ tiến hành thả móc neo tìm dây cáp. Mới khai thác được 79,16 tấn thì bị hư hộp số máy, ông Tó phải đưa tàu về sửa chữa và bán số cáp này thu về 205,8 triệu đồng. Sửa máy xong, ông Tó lại cho tàu ra khơi tìm địa điểm khai thác mới. Trên đường đi, nghe gia đình báo tin Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác cáp quang dưới biển, ông Tó cho ném toàn bộ dụng cụ khai thác cáp quang xuống biển rồi chạy tàu về. Số cáp quang bán trong chuyến thứ hai lần lượt bị Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện và tịch thu. Theo kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ Bưu chính Viễn thông, mẫu vật do cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang gởi giám định là các thành phần cấu tạo loại cáp A thuộc tuyến cáp biển THV. Đây là tuyến cáp quang viễn thông biển của Nhà nước đang sử dụng có giá trung bình 4,582 USD/kg cáp.

Kết thúc quá trình điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án qua TAND cùng cấp đề nghị đưa ra xét xử đối với Trần Văn Tó về tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Những ngư phủ trên tàu KG 8975-TS là người làm thuê, thực hiện theo yêu cầu của chủ tàu để hưởng lương nên chỉ bị xử lý hành chính. Đối với những người tiêu thụ, do thấy ông Tó có giấy phép khai thác cáp phế liệu của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và không biết đây là loại cáp quang THV do Nhà nước quản lý, cơ quan điều tra đề nghị chính quyền địa phương xử lý bằng cách giáo dục và buộc làm cam kết. Riêng 125,4 tấn cáp khai thác trong chuyến đầu tiên, do không thu được vật chứng, không đủ cơ sở kết luận đây là cáp quang THV nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng ông Tó phải nộp số tiền thu lợi bất chính từ việc bán số cáp trên vào ngân sách nhà nước.

MINH HÙNG

Chia sẻ bài viết