19/01/2008 - 22:05

Hai nghệ nhân ca tài tử lão thành gốc Cần Thơ

Trong lĩnh vực đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều nghệ nhân suốt đời gắn với nghiệp cầm ca. Hai trong những trường hợp đó là NSƯT Công Thành và Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ.

* NSƯT Công Thành sinh năm 1926 tại Đầu Sấu, xã An Bình, TP Cần Thơ. Ông ham mê ca tài tử từ rất trẻ. Với lòng yêu nước thiết tha, năm 1945, ông gác bỏ sở thích lại để tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 nghệ sĩ Công Thành tập kết ra Bắc phục vụ ở Cục Chính trị. Năm 1958 ông được phân công về Đoàn Cải lương Nam Bộ. Sự chuyển đổi này làm ông rất vui mừng vì hợp với khả năng và sở thích của mình và sẽ phục vụ tốt hơn nữa cho cách mạng.

Khi nước nhà độc lập (l975), nghệ sĩ Công Thành về miền Nam tham gia thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang, được đề cử làm Phó Giám đốc Trường Cao đẳng Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, đồng thời là giảng viên của trường này cho đến lúc nghỉ hưu (1990). Trong quá trình làm công tác quản lý và giảng dạy, nghệ sĩ Công Thành đã góp công sức rất nhiều trong việc đào tạo các nghệ nhân đờn ca tài tử.

Với những cống hiến, năm 1985 nghệ sĩ Công Thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Danh hiệu cao quý này là phần thưởng xứng đáng cho cuộc đời làm văn nghệ của ông. Nay dù đã về hưu nhưng NSƯT Công Thành vẫn ra sức đào luyện lớp trẻ trong lĩnh vực đờn ca, thường được mời làm giám khảo các kỳ thi đờn ca tài tử được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh.

* Nghệ nhân dân Gian Bạch Huệ, tên thật là Huỳnh Thị Huệ sinh năm 1933 tại Cần Thơ. Bà say mê ca tài tử từ lúc nhỏ, lại nhờ có giọng ca mượt mà truyền cảm, được nhiều người yêu thích, động viên nên năm 14 tuổi (1947) bà lên Sài Gòn để dễ bề thỏa mãn lòng yêu thích và nâng cao nghề nghiệp của mình. Ở thành phố này thời nào cũng qui tụ nhiều nhân tài và cũng là nơi làm cho nhân tài phát triển.

Năm 1947, đến Sài Gòn chưa đầy một năm thì Bạch Huệ được mời vào ca cho đài Pháp Á rồi được vào ban Việt Nam Cổ nhạc đoàn của danh ca Tám Thưa trình diễn trên đài phát thanh và ở sân khấu các rạp ở Sài Gòn. Đến năm 1951 nghệ sĩ được các hãng dĩa như Asia, Hoành Sơn, Pathé... mời thu các tuồng tích và ca đơn. Bà đã nổi danh khắp miền Nam, được phong danh hiệu “Đệ nhất danh ca” (do báo Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc tổ chức qua ý kiến độc giả) nhưng cuộc sống có lúc cũng khó khăn với người nghệ sĩ, bà cũng muốn bước sang lĩnh vực sân khấu cải lương để thử nghiệm năng lực của mình nên bà đã đi hát cho các đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, Song Kiều, Kim Thanh, Tơ Đồng hơn 2 năm - từ 1957-1958. Cuộc thử nghiệm không thành công lắm, bà lại về với các bạn tài tử đến ngày nay.

Hiện nay, tuy đã lớn tuổi nhưng sức khỏe nghệ sĩ Bạch Huệ còn khá tốt, giọng ca còn truyền cảm, nhiều người ưa thích. Bà được mời dạy ca cho các lớp từ ca tài tử vỡ lòng đến lớp nâng cao với 20 bài bản tổ ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Cần Thơ... Nghệ sĩ Bạch Huệ rất vui mừng khi được mời dạy ca tài tử cho lớp trẻ cũng như làm giám khảo các kỳ thi đờn ca tài tử được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Bà xem đó là trách nhiệm của những người đi trước như bà.

60 năm đóng góp tích cực cho đờn ca tài tử Nam bộ, ngày 23-9-2007, nghệ sĩ Bạch Huệ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” - một danh hiệu cao quý dành cho những người góp công sức lớn cho nền đờn ca tài tử nước nhà .

Bài, ảnh: L.M.P

Chia sẻ bài viết