07/10/2012 - 17:54

Hái “lộc rừng”

Nhiều người có thu nhập ổn định nhờ vận chuyển, vác cây rừng thuê cho chủ rừng.

Những vạt rừng đước xanh non thuở trước của ấp Nhà Luận (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã không phụ lòng người khi đến chu kỳ thu hoạch mang về bạc trăm triệu đồng cho những người cố công giữ rừng. Đó cũng là thành quả xứng đáng mà người dân ấp Nhà Luận được hưởng sau hơn chục năm trời đằng đẵng chăm bẵm, miệt mài lao động không biết mệt mỏi trên đất rừng ngập mặn Cà Mau…

* Mừng như trúng độc đắc...

Cánh rừng đước trưởng thành Nhà Luận tựa lưng con sông Tam Giang nhộn nhịp khác thường. Dạo quanh xóm ấy, đâu đâu cũng inh ỏi tiếng máy cưa, tiếng sột soạt của cây rừng đổ ngã. Hàng loạt loài cây sống ở rừng ngập mặn mà nhiều nhất là cây đước được chuyên chở bằng xuồng ba lá từ cánh rừng tít xa ra tận bờ sông, chất đống to đùng. Sau đó được người ta bốc xếp xuống những chiếc ghe hàng chục tấn. Những giọt mồ hôi tuôn dài theo từng bước chân mệt nhọc, nhưng bù lại ai cũng vui.

"Cánh rừng nhà tôi hơn 6ha, sau khi ăn chia với đơn vị quản lý và trừ hết chi phí, tính ra còn lời ngót nghét hơn 600 triệu đồng. Kỳ này phải dành một phần cất lại căn nhà coi cho được, còn lại đầu tư tái trồng rừng, gởi tiết kiệm để dành lo cho tụi nhỏ ăn học" - lau vội những giọt mồ hôi trên trán, chú Nguyễn Thanh Dân, ấp Nhà Luận, mỉm cười cho biết.

Hơn 15 năm về trước, chú Dân xuôi về miệt rừng Tam Giang, nhận khoán hơn 8ha rừng. Cả chục năm trời nuôi tôm dưới tán rừng không hiệu quả, đời sống gia đình chú gặp lắm khó khăn. 5 năm gần đây, chính quyền chủ trương cho tách rừng ra khỏi diện tích nuôi tôm, mảnh đất ấy theo tỷ lệ quy định chú còn được khoảng 2ha mặt nước nuôi thủy sản kết hợp. Nhờ tôm, cua…ít gặp rủi ro nên đời sống dần ổn định nhưng chưa có dư. Rồi niềm vui bất ngờ đến khi ngày cuối tháng 3 âm lịch vừa qua, cán bộ Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển (đơn vị quản lý đất nhận khoán rừng Nhà Luận) thông báo rừng nhà chú đến chu kỳ khai thác. "Đi vuông vô nghe cán bộ nói vậy, tôi mừng quá! Đến khi khai thác xong, lời hơn nửa tỉ đồng, vợ chồng tôi vui như vừa trúng độc đắc, vì biết từ đây thoát cảnh túng thiếu" - chú Dân nói.

Hàng xóm chú Dân - ông Phạm Văn Tấn, nhà gần đó vài trăm mét vừa thu hoạch xong thửa rừng 8ha, thu lời trên 800 triệu đồng, hồ hởi: "Hổng mừng sao được chú em khi thành quả 15 năm trời giữ rừng, sống chết cũng bám rừng… đã được đền bù xứng đáng. Với khoản thu nhập đó mình mang gởi ngân hàng lấy lời".

* … Của để dành

Hằng năm, luân phiên theo từng thửa rừng có tuổi từ 12-20 năm, chủ rừng sẽ được đơn vị quản lý phối hợp địa phương cho khai thác. Nguồn thu ấy được dân giữ rừng ví như một thứ của cải để dành, tích lũy lâu năm. May mắn cho người trồng, giữ rừng bởi năm nay, giá cây đước đột nhiên tăng cao hơn mọi năm nên người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Ông Phạm Văn Tấn cho biết: Năm trước khai thác 1ha bán được khoảng 150 triệu đồng nhưng năm nay được khoảng 180 triệu đồng, lời nhiều hơn. Bình quân 1 năm giữ rừng được chia 6% nhân lên số năm ra số thành quả được hưởng. Bình quân dân vùng này được hưởng khoảng 88% tổng doanh thu (đã trừ chi phí).

Ông Nguyễn Văn Niềm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang, cho biết: Ngoài Nhà Luận, ở Tam Giang năm nay có thêm 2 ấp khác nữa độ tuổi rừng đến kỳ khai thác, tổng diện tích được phê duyệt hơn 112ha. Tuy chưa cuối kỳ khai thác nhưng thống kê sơ bộ bước đầu, hộ trồng và giữ rừng thu được từ 300 đến 500 triệu đồng, có hộ thu trên 1 tỉ đồng (tùy diện tích rừng) sau khi đã trừ mọi chi phí.

Ông Lê Hoàng Vũ-Giám đốc Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, chia sẻ: Một héc-ta rừng lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng cho 15 năm giữ rừng, tính ra vẫn còn thấp so với canh tác cây con khác. Song, có những thứ mình canh tác vì mục đích cao cả hơn cho cộng đồng, cho môi trường không thể quy đổi bằng tiền. Nhưng dù gì đi nữa, nguồn thu khiêm tốn ấy cũng góp phần không nhỏ giúp bà con ổn định cuộc sống, khích lệ người trồng rừng ra sức gìn giữ, bảo vệ rừng tốt hơn thời gian tới, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ như hiện nay.

Theo lãnh đạo xã Tam Giang, mùa khai thác rừng còn kéo dài đến tháng 11 hoặc có thể cận Tết Nguyên đán. Vào thời gian này, không chỉ người trồng, giữ rừng mà ngay cả những hộ thiếu hoặc không đất sản xuất cũng được hưởng lợi ké vì có công ăn việc làm thường nhật. Theo nhu cầu khai thác, những hộ thiếu hoặc không có đất canh tác sẽ tập hợp thành một nhóm, một đội (khoảng 20 người) chuyên đốn gỗ đước vận chuyển ra bìa rừng hoặc vác cây đã đốn chuyển xuống ghe cho thương lái thu mua cây rừng.

Chị Lâm Thùy Trang, thành viên một đội bốc vác cây rừng, cho biết: Vào mùa này, vợ chồng em gởi con nhà người quen, cùng với anh em trong đội men theo hết vạt rừng này tới vạt rừng khác. Tuy có vất vả nhưng thu nhập ổn lắm. Nếu làm siêng thì vợ chồng kiếm một ngày ít lắm cũng khoảng 500 ngàn đồng.

Ông Lê Văn Nuôi, thành viên đội khai thác rừng, chia sẻ: Khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, cả gia đình tôi 4 người xin theo khai thác rừng. Tới đâu mình che lều tạm ở đó, chịu vất vả chút nhưng qua mùa này, gia đình có dư bạc chục triệu, sống đủ cho cả nửa năm trời.

Nhiều vạt rừng sản xuất ở Cà Mau đang vào mùa khai thác rầm rộ. Không khó để nhận ra, nơi nào có khu rừng khai thác, nơi đó có những túp lều tạm của người làm thuê che ngay bìa rừng. Họ-những người giữ rừng và cả những người làm công da nám tay sờn, đang cật lực gặt hái thành quả lao động. Cái thành quả biến rừng thành vàng… biển thành bạc không thể có ngay trong tầm tay một sớm, một chiều mà phải đánh đổi hơn chục năm trời cặm cụi, khổ nhọc… lao động của người dân giữ rừng.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Chia sẻ bài viết