Dù đã về bên kia thế giới nhưng cụ Suh In-soo ở Hàn Quốc và bà lão Grace Groner ở Mỹ (ảnh) đã để lại tiếng thơm về cách sống “tích tiểu thành đại” cũng như tâm huyết đối với sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Tuy ở cách nhau gần nửa vòng Trái đất nhưng cả hai đều có một điểm chung đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi. Đó là cả đời sống cần kiệm tới mức ai cũng nghĩ họ nghèo khổ và khi qua đời, đã để lại di chúc hiến trọn khoản tiết kiệm to lớn đó làm quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở chính ngôi trường hai cụ từng học.
Sự “ra đi” do bệnh hôm 4-3 của bà cụ “nghèo khổ” Suh In-soo (71 tuổi) có lẽ không gây xôn xao dư luận ở thành phố Daegu, nếu như sau đó người ta không phát hiện di chúc của bà: để lại toàn bộ số tiền dành dụm cả đời làm quỹ học bổng. Tuy không tiết lộ số tiền đó bao nhiêu nhưng tờ Thời báo Hàn Quốc khẳng định nhiều người giàu ở xứ nhân sâm cũng không thể nào có được. Với gia sản kếch xù đó, trong khi hầu hết những gia đình giàu có ở Hàn Quốc thường để lại cho con cháu thừa kế, cụ Suh đã chọn cách “khác người”: tặng lại cho ngôi trường tiểu học mà cụ theo học hàng chục năm trước với tâm nguyện “Tôi hy vọng cái nghèo không làm nản lòng các em học sinh ngày nay”.
|
Ảnh: Chicago Times |
Thuở nhỏ do gia cảnh túng thiếu, cô bé Suh mỗi ngày phải cuốc bộ bằng chân trần đến lớp. Cuộc sống quá đỗi khó khăn khiến Suh phải bỏ dở việc học nửa chừng. Lớn lên, kiếm sống bằng sạp vải ngoài chợ nhưng nhờ biết cần kiệm nên bà đã để dành được hầu hết nguồn thu của mình. Điều đáng nói là với số tiền tiết kiệm đó, cụ Suh có thể cho phép sống an nhàn ở tuổi xế chiều nhưng cụ vẫn duy trì cuộc sống nghèo khó cho đến lúc về với đất Mẹ.
Trong khi đó, ba tháng sau khi bà lão bách niên Grace Groner từ giã cõi đời, cư dân thành phố Lake Forest (bang Illinois) mới vỡ lẽ chủ nhân ngôi nhà cũ kỹ một phòng ngủ nằm lẻ loi giữa khu dân cư giàu có chẳng nghèo chút nào. Thực tế, chẳng ai ngờ rằng cụ bà mặc toàn đồ second-hand, cuốc bộ quanh năm, trong nhà chẳng có gì quý giá ngoài chiếc ti-vi cũ, một số vật dụng đơn giản đến mức chén dĩa cũng không đủ bộ... lại là triệu phú đô-la. Việc làm “phô trương” duy nhất của cụ lúc sinh thời là lập quỹ học bổng nho nhỏ cho Đại học Lake Forest trước đây của mình.
“Ôi, trời ơi”, Hiệu trưởng Đại học Lake Forest đã sửng sốt thốt lên như thế khi luật sư của cụ Groner thông báo nhà trường được hưởng toàn bộ tài sản trị giá 7 triệu USD (134 tỉ đồng) mà cụ để lại làm quỹ học bổng. Một thư ký làm việc cho hãng sữa Abbott gần nhà suốt 43 năm qua cũng không có được số tiền như thế. Theo William Marlatt, luật sư và cũng là bạn tâm giao của cụ Groner, hồi năm 1935 - thời kỳ nước Mỹ oằn mình trong cơn Đại Suy thoái, Groner mua 3 cổ phần của công ty mình với giá 180 USD. Trong suốt ngần ấy năm, bà không đụng tới số cổ phần này, ngay cả khi cổ phần được chia nhỏ thành cổ phiếu, mà cứ tiếp tục tái đầu tư cổ tức. Hai năm trước lúc về suối vàng, cụ Groner sở hữu trên 100.000 cổ phiếu của Abbott với tổng trị giá vừa kể.
Cũng như cụ Suh, với gia sản khổng lồ như vậy, nói như luật sư Marlatt, bà lão Groner không chồng con có thể mua bất kỳ ngôi nhà nào ở Lake Forest để an hưởng tuổi già, ít ra là sắm ô tô để tiện đi lại nhưng cụ đã không làm như thế. Có lẽ do từng sống qua thời kỳ Đại Suy thoái nên cụ đã hiểu được tầm quan trọng của lối sống tiết kiệm - bài học mà dân Mỹ ngày nay đang áp dụng sau khi phải trả giá đắt cho thói tiêu xài hoang phí dẫn đến lâm nợ mất nhà cửa trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 80 năm qua hiện vẫn chưa chấm dứt.
QUỐC CHÂU (Theo Korea Times, WSJ, LATimes)