15/04/2019 - 09:01

Hai chuyện mừng của cải lương 

Gần đây, cải lương có những tín hiệu vui trong việc bảo tồn và phát triển sau loạt sự kiện kỷ niệm 100 sân khấu cải lương ra đời. Trong bối cảnh cải lương “khó khăn trăm bề” thì hai chuyện đáng mừng này cũng đủ làm ấm lòng người “gìn nghề giữ nghiệp”.

1. Cải lương mới

“Cải lương mới Đại Việt” là mô hình sân khấu do soạn giả Hoàng Song Việt cùng hai nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam là NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Quang Khải thực hiện, vừa ra mắt người mộ điệu. Thoạt nghe tên gọi, nhiều người yêu mến cải lương đều nhận ra sự trăn trở, ưu tư của người trong cuộc. Đó là cần thiết phải đổi mới, “trẻ hóa” cải lương để tồn tại giữa xu hướng thị hiếu hiện nay. Dẫu biết rằng đó là con đường khó, bởi diễn xuất, câu ca lời thoại của cải lương đã thành khuôn mẫu suốt trăm năm qua. Ngay cả những người sáng lập ra sân khấu “Cải lương mới Đại Việt” cũng thừa nhận, đây là một “trận chiến mới” để đưa cải lương trở lại.

Vở “Chuyện tình Khau Vai” do NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn sẽ được dựng lại trên sân khấu “Cải lương mới Đại Việt”.

Trong buổi ra mắt, các nghệ sĩ tâm huyết đã chia sẻ tiêu chí của “Cải lương mới Đại Việt” là một sân khấu chuyên nghiệp, diễn trọn tuồng, không hát nhép và phải được chỉn chu từ âm nhạc đến sân khấu. 3 dự án lớn mà sân khấu này đang ấp ủ, sẽ ra mắt trong năm nay là các vở thuộc đề tài hương xa, xã hội và cổ trang, với “Đoạt hồn”, “Lôi vũ” và “Chuyện tình Khau Vai”.

“Cải lương mới Đại Việt” không những cho thấy sự tâm huyết của những nghệ sĩ với tư cách đoàn nghệ thuật tư nhân mà còn cho thấy sự liên kết của nghệ sĩ cải lương miền Bắc và miền Nam. Trước đó, thành công của vở “Thầy Ba Đợi” vào năm 2018 với sự hợp sức của nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc cũng cho thấy tín hiệu vui này. Nói như NSND Bạch Tuyết: “Không có cải lương miền Bắc hay miền Nam. Chỉ có một cải lương thống nhất đẹp vô cùng”.

2. Chuyện từ Đoàn Cải lương Long An

Đầu tháng 4 này, Đoàn Cải lương Long An có chuyến lưu diễn tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. 9 suất diễn với lượng khán giả đến khá đông, được dư luận đánh giá cao. Trước đó, 3 suất diễn của Đoàn Cải lương Long An ở Sóc Trăng cũng thành công lớn. Các nghệ sĩ của Đoàn như NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Nguyên Tâm, NSƯT Tuyết Ngân, Vương Tuấn, Vương Sang… đã diễn lại vở “Cuộc đời của mẹ” - Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Bên cạnh đó là các trích đoạn cải lương, các bài ca cổ, tân cổ giao duyên nổi tiếng.

Bây giờ, đoàn cải lương có thể “lấy bến” ở địa phương khác để diễn bán vé là điều hiếm. Nhất là trong bối cảnh sáp nhập các đoàn nghệ thuật địa phương về một đầu mối như hiện nay. Vậy nhưng, Đoàn Cải lương Long An đã làm được. Điều đó cho thấy sự năng động, cách làm nghệ thuật “mở” và nhất là tâm huyết với nghề. Nói như nhiều người, “mình phải tự cứu mình trước khi đợi người khác cứu”. Hơn ai hết, nghệ sĩ chính là người phải tìm cách cứu sân khấu cải lương khỏi tuột dốc. Người làm nghề cũng phải nghiên cứu xem khán giả cần gì, thích gì và đi tìm thị trường cho riêng mình.

Bài, ảnh: Duy Khôi

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
cải lương