02/09/2008 - 08:31

Kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Hai căn cứ Cách mạng của Tỉnh ủy Cần Thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Vào thời điểm đầu năm 1946, sau khi đánh chiếm hầu hết vùng
thành thị và phần lớn vùng nông thôn tỉnh Cần Thơ, giặc Pháp bắt đầu thực hiện chính sách giết sạch, đốt sạch, phá sạch đối với nhân dân ta, hòng tiêu diệt Việt minh và cơ sở kháng chiến, gây cho ta những khó khăn nghiêm trọng.

Trước tình hình khẩn trương ấy, xuất hiện một thuận lợi mới có tính bước ngoặt của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Lúc này các ông Lương Chí, Mai Chí Thọ, Hoàng Trung Trực - những cán bộ của Đảng hoạt động bí mật thời kỳ tiền khởi nghĩa bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo trở về sau Cách mạng Tháng Tám, được Trung ương cử ở lại tham gia lãnh đạo kháng chiến tại Cần Thơ, nhận Nghị quyết của Liên Tỉnh ủy miền Hậu Giang trở lại địa bàn đứng chân ở quận Phụng Hiệp, bám vào dân và dựa vào sự nuôi dưỡng, bảo vệ của cán bộ cơ sở ráo riết hoạt động “nối hệ thống kháng chiến” dưới danh nghĩa Tỉnh bộ Việt minh. Trước hết, để trấn áp bọn tề điệp, tình báo, tay sai ác ôn của Pháp nhân cơ hội ta gặp khó khăn ngóc đầu trồi dậy chống phá cách mạng, gây hoang mang trong nhân dân, Tỉnh bộ Việt minh chủ trương lập ra ở mỗi quận một đội “Sát gian”, trừng trị và bắt giáo dục, cảnh cáo hàng trăm tên tề điệp, tình báo. Đồng thời, chỉ thị cho cán bộ Việt minh ở các quận và cơ sở tiến hành công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ Việt minh, tham gia các tổ chức và đoàn thể cứu quốc, lực lượng dân quân, tạo thành sức mạnh về mọi mặt để kịp thời cùng toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để góp phần cho kháng chiến thắng lợi và trực tiếp phục vụ các nhiệm vụ nói trên, nhất là việc thành lập bộ máy kháng chiến, Tỉnh bộ Việt minh chủ trương thành lập căn cứ cách mạng của tỉnh, coi đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.

CĂN CỨ PHỤNG HIỆP - PHÚ HỮU - ĐÔNG SƠN

Sau một thời gian thâm nhập thực tế, điều tra nghiên cứu tình hình các mặt nhân hòa, địa lợi và sự ủng hộ của nhân dân, của cán bộ Việt minh các quận Phụng Hiệp, Châu Thành, Tỉnh bộ Việt minh quyết định chọn vùng cánh B của làng Phụng Hiệp, Phú Hữu và Đông Sơn làm điểm xây dựng căn cứ. Căn cứ lòng dân này cách Quốc lộ 1 khoảng 1 cây số, cách Chi khu Phụng Hiệp khoảng 4-5 cây số và cận kề kinh xáng Cái Côn - Phụng Hiệp, bao gồm các ấp Đông Bình, Sơn Phú, Ba Ngàn, Đông An (Phụng Hiệp), Phú Trí, Phú Lễ (Phú Hữu) và các ấp của làng Đông Sơn. Mật độ dân số vùng này khá đông, nhân dân giàu lòng yêu nước, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp sự kiện lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 tại làng Phú Hữu, nên sẵn sàng ủng hộ, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng.

Cùng với yếu tố nhân hòa, vùng này rất tốt về địa lợi. Cả vùng dựa lưng vào kinh Thái Tử, bưng Bà Chồn, Bảy Thưa, Đông Bình, Tràm Bông - một vùng hoang hóa lâu năm, bưng trấp nê địa, liên hoàn nhau có thể né tránh, bảo tồn thực lực khi có các cuộc đánh phá của giặc. Vùng này lại nằm giáp ranh giới giữa quận Phụng Hiệp - Châu Thành, gần tỉnh lỵ Cần Thơ, không xa mấy quận Ô Môn, sang Trà Ôn, Cầu Kè chỉ cách con sông Hậu, thuận lợi trong quan hệ, chỉ đạo từ tỉnh đến các quận trong lúc giao thông liên lạc chưa được tổ chức thông suốt.

Ngay sau ngày thành lập căn cứ lịch sử này, khoảng tháng 6-1946, giữa lúc quân dân ta liên tiếp giành thắng lợi trong tấn công địch và xây dựng các mặt, thì Tỉnh bộ Việt minh, với tư cách là tổ chức vận động thành lập bộ máy kháng chiến tỉnh Cần Thơ, đã quy tụ hàng trăm cán bộ cốt cán của phong trào, bao gồm cán bộ Đảng hoạt động từ ngày có Đảng bị giặc bắt đày ải ở các nhà tù trở về sau Cách mạng Tháng Tám; cùng đội ngũ nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo Thanh niên Tiền phong tham gia giành chính quyền ở tỉnh và các quận; lãnh đạo các tôn giáo, kể cả số vị từng cộng tác với chế độ cũ, giác ngộ cách mạng rời thành thị đứng dưới cờ Tổ quốc vào bưng biền tham gia kháng chiến. Trong số đó, có vị tiêu biểu cho ý chí cách mạng, có uy tín lớn, như các ông: Đặng Văn Quang, Nguyễn Như Hạnh, Mai Chí Thọ, Trần Văn Khéo, Hồ Bá Phúc, Huỳnh Phan Hộ, Phạm Hữu Ngạn, Nguyễn Đăng, Nguyễn Thanh Hà, Đặng Văn Huẩn, Phan Lương Báu, Đỗ Văn Y, Comi Võ Văn Hồng, Nguyễn Thị Đạm...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cần Thơ (cũ) và huyện Châu Thành dự lễ khánh thành bia kỷ niệm di tích lịch sử - Văn hóa địa điểm cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ tại ấp Phú Lễ, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Ảnh: TƯ LIỆU 

Thông qua các cuộc khoáng đại hội nghị, hội nghị hiệp thương và căn cứ đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, đội ngũ cán bộ nói trên được đề cử vào bộ máy kháng chiến của tỉnh Cần Thơ, gồm các cơ quan Tỉnh ủy (lúc bấy giờ gọi là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác), các ban chức năng của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh, Tỉnh bộ Việt minh, các ngành thuộc hệ chính quyền và các đoàn thể cứu quốc thuộc hệ Việt minh. Bắt nguồn từ bộ máy của tỉnh, đến cuối năm 1946, bộ máy Quân Dân Chánh Đảng của các quận và hầu hết các xã vùng giải phóng trong tỉnh được hình thành và bắt đầu hoạt động, kịp thời hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, cùng toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

CĂN CỨ VƯỜN SẦU RIÊNG - NGÃ CŨ

Cuối năm 1947, cùng với sự tiến triển chung của cuộc kháng chiến, phong trào cách mạng của tỉnh Cần Thơ trên đà lớn mạnh về mọi mặt, uy tín và ảnh hưởng của Việt minh ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; vùng giải phóng được mở rộng, bộ máy kháng chiến các cấp hoạt động hiệu quả; đường giao thông liên lạc từ tỉnh đến cơ sở được thông suốt thuận lợi trong việc quan hệ và chỉ đạo giữa các cấp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến và kiến quốc, cần phải có một vùng căn cứ mới với quy mô rộng lớn và vững chắc hơn. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh quyết định xây dựng căn cứ mới tại vùng giải phóng có các địa danh Vườn Sầu Riêng, Ngã Cũ, Thác Lác, Ông Vèo, Trà Ung, Ba Hồ, hai bên kinh xáng Thác Lác - Bà Đầm (đoạn từ Mười Bốn Ngàn trở ra Mười Hai Ngàn), ngọn sông Cái Bé thuộc các xã Ngọc Chúc, Ngọc Hòa, Hòa Hưng, Tân Hòa, Trường Xuân. Đầu năm 1948, sau hơn một năm tồn tại, an toàn ở căn cứ làng Phụng Hiệp - Phú Hữu - Đông Sơn, các cơ quan Dân Quân Chánh Đảng vượt Quốc lộ 1 đến căn cứ mới. Khi mới về đến, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh, Tỉnh bộ Việt minh và các ty Canh nông, Kinh tế, Ngân khố, Trước bạ, Thông tin, Nhà in và Báo Hiệp Nhứt đóng tập trung ở Vườn Sầu Riêng - Ngã Cũ, nên gọi là căn cứ Vườn Sầu Riêng - Ngã Cũ.

Lúc này, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhân viên, chiến sĩ các cơ quan Dân Quân Chánh Đảng cấp tỉnh cũng như cán bộ các cấp đến căn cứ quan hệ công tác thường xuyên có trên một ngàn người, các cơ quan, ban ngành có quy mô khá lớn, lại tồn tại trên địa bàn rộng lớn trên các tuyến chiến lược đông dân cư, nhưng nhờ sự hòa đồng với quần chúng với phương châm cùng đồng cam cộng khổ, sống chết với dân, nên được nhân dân đùm bọc, chở che, cho nên trừ một vài lần bị giặc đánh bom ở Trà Ung, Thác Lác, đình Hòa Hưng làm chết một cán bộ phụ nữ tỉnh, còn hầu hết các cơ quan Dân Quân Chánh Đảng và nhân dân trong vùng căn cứ đều an toàn cho đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nếu như căn cứ kháng chiến Phụng Hiệp - Phú Hữu - Đông Sơn là địa danh vang lừng uy tín và ảnh hưởng tốt đẹp của Việt minh, nơi quy tụ hàng trăm vị cách mạng tiêu biểu, nơi ra đời bộ máy kháng chiến, thực hiện chính sách 10 điểm của Việt minh, bước đầu đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân... thì căn cứ Vườn Sầu Riêng - Ngã Cũ với quy mô rộng lớn, vững chắc, đĩnh đạc giữa vùng giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành toàn diện của cuộc kháng chiến, thể hiện một cách tốt đẹp đời sống văn hóa phong phú của các tầng lớp nhân dân; là ngọn cờ hiệu triệu Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, ra sức thi đua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhất là chính sách cấp ruộng đất cho bà con nông dân, góp phần cùng toàn quốc đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp và sau này, căn cứ kháng chiến Phụng Hiệp - Phú Hữu - Đông Sơn và căn cứ kháng chiến Vườn Sầu Riêng - Ngã Cũ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ.

HỒNG VIỆT

Chia sẻ bài viết