30/03/2024 - 07:27

Hà khắc

Chị Phượng lớn lên trong một gia đình thương gia khá giả. Tuy giàu có nhưng ba chị luôn áp dụng “kỷ luật sắt” để dạy con. Thời học đại học, chị vẫn phải đi làm thêm để tự trang trải chi phí học tập. Các anh em trong nhà đều học hành khá giỏi như một chuyện đương nhiên, những khi điểm kém sẽ bị ba mắng, phạt rất nặng. Từ nhỏ, chị đã cảm thấy “ngộp” với cách dạy con quá hà khắc của ba. Vậy mà khi lớn lên, lập gia đình, chị lại theo “nếp” nhà, áp dụng cách dạy con y hệt như ba chị hồi xưa.

Bé Dâu - con gái lớn - được chị rèn giũa khắt khe từ tấm bé. Thuở học tiểu học, con chị chưa lần nào được đến nhà bạn chơi hay dự sinh nhật, vui đùa tập thể cùng bè bạn. Chị cũng không cho con tiền tiêu vặt, bất cứ khi nào cần mua gì cũng phải xin mẹ, trình bày rõ mục đích chi tiêu. Ở nhà, chị kiểm soát thời gian và hoạt động truy cập internet, đặt mật khẩu laptop và chỉ cho con gái sử dụng với mục đích học tập. Từ lớp 1, chị đã cho con học thêm đủ nơi, thuê cả gia sư dạy tiếng Anh đến tận nhà. Chỉ cần thấy con học sa sút một chút so với bạn bè là chị cáu giận, la mắng mà không để ý đến suy nghĩ, tâm tư của con trẻ. Bé Dâu có sở thích vẽ tranh cũng bị chị gạt phắt đi vì cho rằng vẽ tranh không phải môn học lấy điểm số.

Để rồi đúng như nguyện vọng của chị, năm nào con gái cũng nhận nhiều giấy khen, giải thưởng cao trong học tập. Mỗi lần đi họp phụ huynh học sinh, chị luôn tự hào trước những lời khen tặng của cô giáo dành cho con gái. Cứ nghĩ cách dạy con của mình là đúng đắn nên chị càng bắt ép con gái học hành siêng năng hơn, ít cho con tham gia vui chơi cùng bè bạn. Sự hà khắc của chị đã tác động rất lớn đến tâm lý con trẻ. Con gái chị dần ít nói, sáng lặng lẽ cắp sách đến lớp, tối về nhà lại dán mắt vào sách vở. Đỉnh điểm là con gái chị không hợp tác và cũng không muốn giải bày, chia sẻ cùng chị bất cứ điều gì.

Khi hay con gái bị trầm cảm, được nghe bác sĩ tư vấn tâm lý con trẻ, chị mới vô cùng ân hận. Quá trình điều trị cho con, chị Phượng mới nhận ra mình đã quá hà khắc, không gần gũi và thấu hiểu con cái. Cũng vì quá thương con, càng sợ con chểnh mảng học hành, chị càng “siết” con vào khuôn phép nên mới xảy ra cớ sự. Sau vụ việc này, chị Phượng suy ngẫm và rút kinh nghiệm trong việc dạy con. Chị chủ động dành nhiều thời gian bên con, không còn áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Trên hết, chị luôn lắng nghe, làm người bạn chia sẻ với con những niềm vui, nỗi buồn.

Giờ đây, con gái chị đã thi đỗ vào đại học theo đúng ngành mình thích và chọn. Nhìn con khoẻ mạnh, vui vẻ, chị vui mừng khôn xiết.

MÂY HỒNG

Chia sẻ bài viết