28/01/2015 - 21:40

Góp sức làm nên kỳ tích ngành lúa gạo vùng ĐBSCL

Với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu sản xuất lúa của vùng ĐBSCL, sau 38 năm xây dựng và phát triển, Viện Lúa ĐBSCL trở thành trung tâm khoa học công nghệ có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành lúa gạo. Cùng với cả nước, Viện đã góp sức không nhỏ trong việc giữ vững an ninh lương thực quốc gia và tạo ra một lượng gạo hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Cuối năm 2014, Viện Lúa ĐBSCL vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước phong tặng.

Về kỷ niệm 38 năm Ngày thành lập Viện Lúa ĐBSCL (8/1/1977-8/1/2015), Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bộc bạch: “Cách nay 38 năm, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL- tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL, được thành lập với khát vọng thắp sáng bức tranh lương thực nước nhà trong cảnh ngổn ngang, thiếu đói sau chiến tranh. Trong thập niên đầu tiên, Viện Lúa gây ấn tượng mạnh với dòng lúa mang tên OM. Bởi các giống lúa này làm được điều mà hàng triệu người Việt Nam chờ đợi: đưa năng suất lúa từ 2-3 tấn lên 6-7 tấn/ha/vụ. Nhờ đó chỉ số tăng vụ được nâng lên, đưa sản lượng lúa toàn vùng từ chỉ hơn 4 triệu tấn lên mức chưa từng có hiện nay: 25 triệu tấn/năm”. Giờ đây, Viện Lúa ĐBSCL có cơ sở hạ tầng khá khang trang; trang thiết bị, trình độ nghiên cứu được nâng tầm; hợp tác quốc tế mở rộng. Những thành tựu nghiên cứu phục vụ tích cực cho sản xuất lúa ngày càng khẳng định vai trò của Viện đối với sản xuất lúa trong nước và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL đều tổ chức hội thảo đánh giá, bình chọn những giống lúa triển vọng phục vụ sản xuất lúa tại ĐBSCL và cả nước.

Chặng đường đã qua, Viện Lúa ĐBSCL gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực: chọn tạo giống; chuyển giao, ứng dụng các giống mới, kỹ thuật canh tác vào sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; liên kết hợp tác… Về công tác chọn tạo giống, đến nay Viện đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 166 giống lúa. Các giống lúa do Viện chọn tạo phần lớn mang tên OM, có thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày). Ngoài ra, Viện cũng chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, nhóm Ao (các giống ký hiệu OMCS) mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau. Nhờ đó, nông dân vùng ĐBSCL có thể làm thêm vụ lúa thứ 3 trong năm, sản lượng tăng thêm khoảng 4 triệu tấn lúa mỗi năm. Đặc biệt, trong tình hình dịch hại, rầy nâu, Viện kịp thời chọn tạo và phóng thích các giống lúa mới có khả năng chống chịu với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Không chỉ tập trung cho công tác chọn tạo giống, Viện Lúa ĐBSCL còn tích cực chuyển giao, ứng dụng các giống mới vào sản xuất. Kết quả điều tra của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương cho thấy, trong 10 giống chủ lực được trồng phổ biến tại ĐBSCL đã có 8 giống do Viện chọn tạo, chiếm trên 70% diện tích gieo trồng. Ông Đoàn Hữu Lộc, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết: “Trước nay, gia đình tôi vẫn trung thành với giống OM 4218. Giống này ngắn ngày; ít đổ ngã; số hạt chắc trên bông cao; hạt gạo đẹp, thon dài; cơm dẻo và ngon phù hợp yêu cầu xuất khẩu. Chính vì vậy, lúa thu hoạch xong là thương lái đến gom, không phải lo đầu ra...”. Có thể thấy, trong bối cảnh mở cửa không hạn chế việc nhập lúa giống từ bên ngoài, tỷ lệ sử dụng các giống lúa OM tại ĐBSCL vẫn rất cao. Điều này khẳng định về vị thế của giống lúa do Viện chọn tạo đối với sản xuất tại vựa lúa của quốc gia. Không chỉ vậy, các giống lúa OM còn được xuất sang Campuchia, Lào, Brunei, các nước Nam Á và châu Phi.

Nhằm giúp nông dân tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích, Viện còn nghiên cứu và chuyển giao nhiều quy trình kỹ thuật thâm canh. Nổi bật có thể kể đến là gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Cánh đồng 4 tốt”; sử dụng chế phẩm nấm Ometar, Trichoderma… Với việc chuyển giao quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” giúp nông dân giảm chi phí phân bón 18%; giống 42%; thuốc bảo vệ thực vật 31% và năng suất tăng thêm 400 kg/ha. Việc áp dụng phương pháp sạ hàng do Viện Lúa ĐBSCL đưa ra là một đột phá trong kỹ thuật canh tác lúa và trở thành một trong những giải pháp chủ lực cho gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Ngoài các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng ĐBSCL theo nhiều cấp độ: tập huấn kỹ thuật; đào tạo nghề, đào tạo sau đại học, tiến sĩ…

Theo ngành nông nghiệp một số địa phương vùng ĐBSCL, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật không chỉ giúp tăng lợi nhuận mà quan trọng hơn hết là giúp nông dân nhận thức và dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động liên kết với Viện Lúa với mong muốn đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật gần hơn với nông dân. Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản Cần Thơ, (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ), cho biết: “Về lâu dài, TP Cần Thơ định hướng trở thành trung tâm cung ứng giống cây trồng vật nuôi và thủy sản cho vùng ĐBSCL. Vì vậy, ngành nông nghiệp thành phố phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng lúa giống đạt chất lượng tại TP Cần Thơ”. Mục tiêu của Đề án là nghiên cứu, chọn tạo bộ giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và giống lúa chống chịu hạn mặn, ngắn ngày, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi Đề án kết thúc, mỗi năm TP Cần Thơ sản xuất khoảng 200 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận, tiến tới cung ứng cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, Viện Lúa ĐBSCL hoạch định kế hoạch phát triển trong thời gian tới là tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được và đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Viện Lúa ĐBSCL đặt mục tiêu trở thành viện nghiên cứu lúa đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đủ năng lực giải quyết những vấn đề lớn đặt ra trong phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước. “Cùng với các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Viện tiếp tục ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của vùng”- Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết