13/09/2010 - 14:44

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 1816 Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA CÁI RĂNG

Góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở

Bác sĩ Nguyễn Minh Triết đang khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cái Răng.

Bệnh viện Đa khoa Cái Răng thành lập trên cơ sở nâng cấp phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Cái Răng. Do nhân lực thiếu, cơ sở vật chất chật hẹp lại xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, mặc dù được công nhận là bệnh viện hạng 3 nhưng vẫn chưa triển khai tất cả các khoa, phòng theo quy định của một bệnh viện hạng 3. Trong bối cảnh ấy, đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh) triển khai thực hiện từ đầu năm 2009 góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Sáng 9-9, tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Cái Răng rất đông bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh. Trong phòng khám, bác sĩ Nguyễn Minh Triết, được tăng cường từ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đến đây công tác đang tất bật với công việc chuyên môn. Bác sĩ Triết đang khám bệnh cho một bệnh nhân bị bệnh ung thư cổ tử cung đã điều trị được hơn 2 năm. Theo lời bệnh nhân, 8 tháng nay, bà thỉnh thoảng bị đi cầu ra máu, người mệt mỏi, chóng mặt. Sau khi xem các hồ sơ bệnh án, toa thuốc, xét nghiệm trước đây của bệnh nhân, bác sĩ Triết ôn tồn nói: “Trước đây, dì được xạ trị để điều trị ung thư. Vì thế đây có thể là tác dụng phụ của xạ trị. Hiện nay, cơ thể của dì bị thiếu máu rất nặng, lượng máu của cơ thể chỉ còn 50% so với người bình thường nên dì hay bị chóng mặt, mệt mỏi. Với những biểu hiện của bệnh, dì cần phải được nhanh chóng đến bệnh viện tuyến trên để điều trị ngay”. Tuy nhiên, bệnh nhân này liên tục năn nỉ bác sĩ Triết kê tạm thuốc uống rồi thứ hai mới nhập viện vì con cái đều đi làm. Sau một hồi bác sĩ Triết kiên trì thuyết phục, bệnh nhân đã đồng ý ngay đầu giờ chiều đi nhập viện điều trị.

Với mục tiêu chủ yếu là khám và phát hiện sớm bệnh ung thư thường gặp nên bệnh nhân của bác sĩ Triết hầu hết có các bệnh về bướu, khối u. Chỉ trong một buổi sáng, bác sĩ Triết đã khám bệnh cho khoảng hơn 10 bệnh nhân bị bướu cổ, nổi hạch, ung thư. Vừa khám, bác sĩ Triết vừa trao đổi, cung cấp thông tin với các bác sĩ khác tại bệnh viện. Có trường hợp, bác sĩ Triết có thể giải quyết cho toa thuốc, làm tiểu phẫu ngay tại bệnh viện, cũng có bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị. Tham gia khám bệnh trực tiếp, bác sĩ Triết còn hướng dẫn bác sĩ, nhân viên của khoa khám bệnh làm tiểu phẫu các bướu lành tính. Bác sĩ Triết cho biết: “Sắp tới, tôi tiếp tục hướng dẫn các bác sĩ tại bệnh viện kỹ thuật bấm sinh thiết mô tổn thương để gởi về tuyến trên làm giải phẫu bệnh và góp ý để thực hiện chặt chẽ qui trình chống nhiễm khuẩn tại phòng Tiểu phẫu”.

Để đề án 1816 được thực hiện có hiệu quả, thiết thực, Bệnh viện Đa khoa Cái Răng đã mời các cán bộ chủ chốt các khoa, phòng trực thuộc bệnh viện để khảo sát nhu cầu cần tuyến trên hỗ trợ các chuyên khoa và kỹ thuật. Sau đó, bệnh viện tổng hợp và mời các bệnh viện tuyến trên đến khảo sát tình hình nhân lực, trang thiết bị, đồng thời ký kết các hợp đồng chuyển giao chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, các bệnh viện tại TP Cần Thơ như Ung Bướu, Tai Mũi Họng, Mắt-Răng Hàm Mặt đã cử bác sĩ đến khảo sát và tiến hành ký hợp đồng. Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đã cử bác sĩ Nguyễn Minh Triết đến làm việc trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Cái Răng vào thứ năm hàng tuần. Bệnh viện cũng đã thông báo cho các trạm y tế và người dân biết hàng tuần bác sĩ Triết sẽ khám bệnh về bướu, khối u tại đây. Vì thế, lượng bệnh nhân đến khám khá đông. Điều này cũng góp phần giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ mà bệnh nhân cũng không phải đi xa như trước. Bác sĩ Hồ Anh Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Đa khoa Cái Răng, cho biết: “Việc thực hiện đề án 1816 là cơ hội để đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện được học hỏi những kỹ thuật, chuyên môn và tiếp cận với các trang thiết bị mới. Qua đó, nâng cao tay nghề để ngày càng phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Từ đó, tham mưu cho ban giám đốc bệnh viện mua thêm các trang thiết bị mới và định hướng nhu cầu đào tạo, phát triển chuyên môn cho những năm tiếp theo (dự kiến cuối quí II- 2011, bệnh viện sẽ di dời đến cơ sở mới)”.

Theo đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa Cái Răng sẽ nhờ tuyến trên hỗ trợ khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật mới nhưng đồng thời bệnh viện cũng có trách nhiệm chuyển giao những kỹ thuật cần thiết cho các Trạm y tế. Vừa qua, bệnh viện đã mời lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm y tế phường trên địa bàn quận đến để khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các phường. Đồng thời, bệnh viện cử bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm đến các Trạm y tế khảo sát và ký kết hợp đồng triển khai chuyên môn kỹ thuật. Bệnh viện mời cán bộ các trạm y tế đến để tập huấn và thực hành, sau đó, cử người đến kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật mới này ngay tại trạm. Nhờ cách làm này, cán bộ ở trạm y tế tiếp thu rất nhanh. Vừa qua, bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu như cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, băng bó và cố định các loại gãy xương thường gặp, 5 tai biến sản khoa thường gặp, kỹ thuật đo điện tim và hướng dẫn đọc các điện tim cơ bản, xét nghiệm máu và sinh hóa máu... để cán bộ y tế phường có thể sơ cứu những ca bệnh nặng qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Hồ Anh Thủy cho biết: “Năm 2009, có một ca sau khi tiêm ngừa viêm gan B ở Trạm y tế phường Tân Phú thì biểu hiện các triệu chứng nghi “sốc”. Khi nhận được điện thoại, tổ cấp cứu ngoại viện lập tức đến trạm y tế phường Tân Phú. Cũng may ca này “sốc” nhẹ nên sau khi sơ cứu, chuyển lên tuyến trên giữ được tính mạng em bé”. Trước đây, cũng có tình trạng khi bệnh nhân bị bệnh nặng, gia đình chờ lâu, sốt ruột rồi tự chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân trước những diễn biến bất ngờ trên đường chuyển viện. Bình quân mỗi tháng, bệnh viện phải cử tổ cấp cứu ngoại viện đi xuống các trạm y tế cấp cứu từ 3-4 ca. Sau khi kỹ thuật sơ cấp cứu được triển khai đến các Trạm Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2010, các trạm đã tự cấp cứu cho bệnh nhân ổn định và chuyển lên tuyến trên, không phải gọi cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Đa khoa Cái Răng. Sắp tới, với những kỹ thuật mới được chuyển giao, Trạm Y tế phường Hưng Phú sẽ khám và chữa thêm các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng lipid máu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Các bệnh viện tuyến trên cũng nằm trong tình trạng thiếu nhân lực nên việc cử người đến tăng cường cho bệnh viện quận cũng hạn chế. Các trang thiết bị, nhân lực và cơ sở hạ tầng của bệnh viện quận chưa đáp ứng nhu cầu của việc chuyển giao kỹ thuật. Bác sĩ Hồ Anh Thủy nói: “Nếu thực hiện đề án 1816 đúng với mục tiêu của đề án và kế hoạch hướng dẫn của Sở Y tế TP Cần Thơ thì sẽ đem hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, để đề án thành công, đòi hỏi người đi tăng cường có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao và thông cảm sâu sắc với những khó khăn của tuyến dưới, cùng nhau phối hợp giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện thì việc chuyển giao mới đạt hiệu quả cao”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết