13/06/2012 - 21:49

Dự án sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch

Góp phần nâng cao nhận thức phòng chống cúm gia cầm

Thăm hộ chăn nuôi gia cầm thương phẩm ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai cho thấy đa số đều có làm chuồng và rào lưới nhốt đàn gia cầm nuôi. 

Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm (CGC) và Đại dịch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ trong 3 năm (từ tháng 10-2009 đến tháng 9-2012). Thời gian qua, dự án đã góp phần nâng cao năng lực, ý thức phòng chống dịch CGC cho ngành chức năng và người dân địa phương. Riêng ở năm thứ 3, hoạt động của dự án là tổ chức các sự kiện cộng đồng tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống CGC cho người dân...

Thời gian thực hiện năm thứ 3 của dự án từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2012. Qua hơn 8 tháng hoạt động, Ban Điều phối Dự án Sáng kiến CGC và Đại dịch TP Cần Thơ đã phối hợp với các nhà thầu, các cơ quan, ban ngành ở địa phương thực hiện các hoạt động của dự án và đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm thứ 3 tập trung vào các hoạt động truyền thông, thú y, y tế... Về hoạt động y tế, mô hình giám sát dịch dựa vào cộng đồng của y tế và thú y được duy trì thực hiện tại 24 phường, xã thuộc 4 quận, huyện dự án gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Thốt Nốt. Tuy nhiên, đối với hợp phần y tế trong năm thứ 3 không nhiều hoạt động như trong 2 năm đầu tiên của dự án. Trong hoạt động thú y, nhà thầu phụ AFAP đã hỗ trợ tập huấn cho mạng lưới thú y cơ sở; tổ chức được 9 lớp tập huấn cho hàng trăm nông dân về an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đầu tư nâng cấp lò giết mổ gia cầm tập trung Ngọc Xuân... Trong hoạt động truyền thông, nhà thầu phụ Cefacom đã triển khai hoạt động Thảo luận nhóm nhỏ và sự kiện cộng đồng tại 12 xã, phường, thị trấn của 4 quận, huyện dự án nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức phòng chống CGC.

Theo bà Phạm Quế Anh, Phó Giám đốc Cefacom, hoạt động truyền thông thay đổi hành vi năm thứ 3 giống như năm 2 là tổ chức thảo luận nhóm nhỏ và các sự kiện cộng đồng. Nhưng sự khác biệt giữa năm 2 và năm 3 là năm nay truyền thông thay đổi 3 hành vi mới gồm: làm hàng rào phân chia khu vực chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và không giết mổ gia cầm bệnh, chết bất thường. Ở năm 2 truyền thông thay đổi 3 hành vi: rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm; chỉ mua bán gia cầm khỏe mạnh; báo cáo ngay cán bộ thú y và chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm bệnh hoặc chết bất thường và báo cáo ngay cho cán bộ y tế và chính quyền địa phương khi thấy người có dấu hiệu ho, sốt bất thường... Để triển khai hoạt động Thảo luận nhóm nhỏ và sự kiện cộng đồng ở năm thứ 3, trong tháng 4-2012 dự án đã tổ chức các lớp tập huấn truyền thông viên kỹ năng truyền thông và sử dụng cẩm nang thảo luận nhóm nhỏ; kỹ năng dẫn dắt, điều hành và tổ chức sự kiện cộng đồng.

Từ ngày 10-5 đến 10-6-2012, 16 truyền thông viên dự lớp tập huấn trên đã về địa phương tổ chức tổng cộng 120 cuộc thảo luận nhóm nhỏ cho 40 nhóm đối tượng là những hộ chăn nuôi gia cầm qui mô vừa và nhỏ (từ 50 con trở lên đến 2.000 con) thuộc 4 xã - phường (Thạnh Quới, Thới Hưng, Trường Xuân và Thuận Hưng), mỗi nhóm có khoảng 12 hộ chăn nuôi gia cầm tham gia. Các truyền thông viên tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi 3 hành vi mới trong chăn nuôi gia cầm. Và cuối tháng 5-2012, dự án đã tổ chức Lớp tập huấn về quan sát thay đổi tại hộ chăn nuôi gia cầm cho 16 cộng tác viên ở 4 xã - phường trên (không phải là các truyền thông viên). Sau lớp tập huấn này, từ ngày 5 đến 15-6-2012, các cộng tác viên đã đến thăm hộ chăn nuôi gia cầm thương phẩm – những hộ đã được tuyên truyền thay đổi 3 hành vi mới, để giám sát và hỗ trợ hộ chăn nuôi thực hiện có hiệu quả 3 hành vi mới...

Tham dự các lớp tập huấn và được các truyền thông viên hướng dẫn, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm thương phẩm ở các khu vực trên đã ý thức hơn trong phòng chống CGC, chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia cầm, bảo vệ sức khỏe gia đình. Ông Nguyễn Văn Trung, ở ấp Thới Thanh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình đang nuôi khoảng 300 con gà thương phẩm. Để bảo vệ đàn gà, hàng tuần ông đều phun thuốc tiêu độc chuồng trại tiêu diệt mầm bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Ngoài ra, từ trước đến nay, ông chỉ bao lưới nhốt đàn gà nuôi chứ không thả lan dẫn đến đàn gà dễ xảy ra bệnh”. Qua tuyên truyền, ông cũng ý thức được khi có gà, vịt chết phải báo cho cán bộ thú y địa phương để được hỗ trợ và tuyệt đối không giết mổ và ăn gia cầm bệnh chết...

Ngoài ra, từ ngày 26-5 đến 15-6, tại 8 xã, phường, thị trấn (gồm Tân Hưng, Đông Hiệp, Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh, Thới Thuận, Thới Thạnh, Trường Thành và thị trấn Cờ Đỏ) đã diễn ra 8 sự kiện cộng đồng với 2.500 lượt người dân tham dự. Đây chính là Chương trình văn nghệ “Gia cầm khỏe-lợi nhà-ích dân” nhằm tuyên truyền thay đổi 3 hành vi mới cũng như áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Ông Huỳnh Văn Tính (ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) tham dự sự kiện cộng đồng, cho biết: “Theo dõi chương trình văn nghệ này về tôi phải cẩn thận hơn trong chăn nuôi gia cầm, thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, khi có gia cầm chết tôi sẽ báo thú y hoặc bỏ vô bọc ni lông đem đi chôn”.

Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi năm thứ 3 nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống CGC, ngăn chặn tái phát bệnh CGC và xảy ra bệnh cúm A (H5N1) trên người. Trong những tháng còn lại của năm 3 (từ nay đến tháng 9-2012), dự án sẽ hoàn thành việc nâng cấp lò giết mổ gia cầm tập trung Ngọc Xuân, tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện dự án tại TP Cần Thơ… Hy vọng rằng, những kết quả thiết thực từ dự án mang lại sẽ tạo động lực thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết