20/07/2020 - 11:20

Góc nhỏ mưu sinh 

Dọc theo 2 con đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Đức Cảnh (quận Ninh Kiều), cạnh các nhà lồng chợ chuyên mua bán bách hóa và may mặc, giày dép, vải vóc của Trung tâm Thương mại Cái Khế có khá nhiều anh, chị, cô chú làm nghề sửa chữa quần áo, giày dép. Chỉ với chiếc bàn máy may hay tủ đồ nghề nhỏ gọn là đã đủ để những người thợ miệt mài mưu sinh, làm hài lòng khách hàng đến với trung tâm mua sắm quy mô nhất nhì của thành phố.

Cô Hồng đang sửa quần áo cho khách, kế bên là những người thợ may, sửa giày, dép. 

Cơn mưa lớn càng làm cho khung cảnh chợ chiều như mau tối hơn. Thế nhưng, những người thợ vẫn miệt mài làm việc. Cô Nguyễn Ngọc Hồng là thợ sửa quần áo ở đường Hồ Tùng Mậu, ngay phía trước nhà lồng 2 Trung tâm Thương mại Cái Khế cho biết: “Vì có nhiều khách thường hay hẹn lấy đồ vào cuối giờ chiều nên chúng tôi phải ngồi đợi. Mình về sớm quá, khách không lấy được đồ là mất mối như chơi”.

Nhà cô Hồng ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn. Mỗi ngày làm việc của cô thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, thuê xe ôm đi tới Trung tâm Thương mại Cái Khế cho kịp khách đi chợ sớm và ra về khi trời đã chạng vạng. Dù xa xôi, đi lại mất thời gian và chi phí nhưng cô vẫn bám nghề, bám chỗ vì quen nghề, mến khách và hơn hết là nghề này đã giúp trang trải cuộc sống gia đình cô suốt hơn chục năm qua. Chỗ ngồi sửa quần áo ở đây là do người chị thứ sáu của cô chuyển lại. Cô Hồng chia sẻ: “Chị tôi động viên tôi làm. Chị nói nghề này tuy tiền công ít nhưng bền và có thể sống được. Nhờ có nghề may từ trước nên tôi có thể sửa hầu hết các kiểu quần áo với nhiều chất liệu vải khác nhau. Hồi mới ra làm, mỗi ngày, tôi kiếm được chừng 30.000 đồng. Ðến giờ thì khách mối cũng có hơn chục người là chủ các tiệm quần áo may sẵn. Ðặc biệt, có mấy vị khách ở tận huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cũng hay tới gửi đồ cho tôi sửa. Trung bình mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 200.000-300.000 đồng, đắt nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán, tiền công có khi cao hơn”. Dù đã chiều muộn nhưng cô Hồng vẫn liên tục đón khách đến gửi hoặc lấy đồ sửa. Không chỉ nhận sửa quần áo, cô Hồng còn nhận đóng nút, sửa ba lô, giỏ xách, va li, ví cầm tay…

Phía trong nhà giữ xe ở nhà lồng chợ số 1 có khoảng 7 người thợ chuyên sửa quần áo các loại. Cô Dương Ngọc Hà, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy làm ở đây được 5 năm nay. Ngoài quần áo, cô còn nhận may mùng, drap, gối,… Cô cho biết: “Trước đây, cô là thợ may mùng, drap, gối tại nhà nhưng thu nhập bấp bênh. Ðược người thân giới thiệu, cô thuê chỗ đặt bàn máy may nhận sửa đồ ở trung tâm thương mại này. Cô nói, mỗi chi tiết sửa chỉ có tiền công 10.000-20.000 đồng tùy vị trí sửa khó, dễ hay ít, nhiều. Tuy vậy, trung bình mỗi ngày cô cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng. Cô Hà kể, quanh trung tâm có khoảng 14 thợ làm nghề sửa chữa quần áo, chia nhau lượng khách để cùng có thu nhập. Tuy nhiên, mỗi người thợ đều phát huy tay nghề, sửa đẹp, đúng giá và đúng hẹn với khách là chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách nữa tìm tới.

Trong số những người thợ sửa, may giày dép, có lẽ chú Ðinh Công Tâm là lớn tuổi nhất. Chú nhẩm tính: “Với nghề may, đóng giày dép tôi đã làm có chừng 30 năm, nhưng ngồi ở đây làm chỉ khoảng 16 năm. Tôi có thể sửa giày, dép, bao tay cầu thủ các loại và đóng dép mới. Mỗi ngày làm chừng chục đôi là vừa tạm đủ sống”. Trong lúc chờ khách đến lấy đồ đã sửa, chú Tâm tranh thủ may thêm đôi giày còn dở dang. Chú kể, thời điểm sau năm 1975, chú sống nhờ nghề đóng dép nên có khá nhiều kinh nghiệm. Theo thời gian, giày dép bán sẵn chiếm ưu thế nên chú phải chuyển sang nhận may, sửa giày dép. Tuy vậy, với chú, mỗi đôi giày, dép qua tay chú sửa được khách hài lòng là niềm vui để chú tiếp tục gắn bó với nghề. Trong những vị khách mối, chú Tâm đặc biệt ấn tượng với vị khách là sĩ quan quân đội ở tận Hà Nội. Ðều đặn mỗi năm vị khách này gửi nhờ chú Tâm sửa 2 đôi giày. Chú Tâm cho biết: “Người này là thương binh, bước chân không đều. Khi nhận sửa đôi giày đầu tiên cho ông ấy vào mấy năm về trước, tôi phải quan sát cẩn thận để sửa sao cho hợp lý, để giúp ông ấy đi thật thăng bằng và thoải mái”.

Nghề nào cũng có chuyện buồn vui. Với cô Hồng, kinh nghiệm là không nhận đi mua vải may nối hay lót cho khách để phòng chất liệu vải không hợp ý khách, khách lại bắt tháo ra sửa lại hoặc không chịu trả tiền công. Cô Hà thì cẩn thận ghi chú lại ý của khách khi cần thiết, để tránh phải tranh cãi với những vị khách khó tính nhưng lại hay quên. Chưa kể, trung bình mỗi năm, các cô bỏ ra khoảng 2 bao quần áo khách gửi sửa nhưng không đến lấy. Còn chú Tâm cũng có khi uổng phí thời gian và công sức bỏ ra để sửa những đôi giày, dép khách gửi sửa nhưng bỏ quên, không đến lấy.

Theo cô Hồng, đa số những người thợ sửa quần áo, giày dép ở đây đều là lao động nghèo, có người chỉ sửa thuê cho người khác chứ chưa có chỗ để làm riêng, có người gắn bó với nghề từ khi còn tuổi thanh thiếu niên. Dù cuộc sống còn khó khăn những người thợ đều dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ chân thành. Ðặc biệt, những góc nhỏ mưu sinh này duy trì nhiều năm, trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều vị khách từ nhiều địa phương khác nhau. Khách không chỉ đến thuê sửa đồ mà còn sẵn sàng chia sẻ những bữa cơm miễn phí trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vừa qua, giúp người thợ kịp sửa lại mái che để mùa mưa bớt vất vả...

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
mưu sinh