22/06/2008 - 21:18

Gỡ khó nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hiện nay, bên cạnh kênh vay vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp (DN) còn có thể tiếp cận vốn qua các kênh cho thuê tài chính và thị trường chứng khoán. Nhưng đối với các DN vừa và nhỏ thì việc tiếp cận vốn từ các kênh này vẫn còn nhiều hạn chế. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, vừa qua Hội thảo “Giới thiệu các công cụ tiếp cận nguồn vốn” cho các DN vừa và nhỏ do Chương trình Hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam đã được tổ chức tại TP Cần Thơ.

* KHÓ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN VAY TỪ NGÂN HÀNG

Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
Ảnh: ANH KHOA 

Nhiều chủ DN vừa và nhỏ cho rằng, ngay cả khi DN đã có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp) nhưng hiện muốn vay vốn của ngân hàng còn khó, nói chi không có tài sản thế chấp. Dù các ngân hàng vẫn đang có các chương trình cho vay tín chấp, song để vay vốn từ các chương trình này, DN phải có “một phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh khả thi và hiệu quả” được phía ngân hàng xác nhận. Tuy nói thì dễ, nhưng để làm một dự án có thể thuyết phục được ngân hàng là rất khó. Ông Quách Văn Đấu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chân Trời Mới (Phần Lan – FRP) ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho rằng: “DN nhỏ thường không có tài sản lớn thế chấp nên tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó khăn. Như công ty của tôi, vốn điều lệ chỉ có 5 tỉ đồng, trụ sở thì thuê, còn tài sản của công ty chỉ khoảng 3 tỉ đồng, nhưng đây cũng chỉ là tài sản lưu động nên không thể đem thế chấp ngân hàng. Vừa qua, tôi có hợp đồng với khách hàng nên cần thêm nguồn vốn, nhưng cũng không thể vay từ ngân hàng”.

Còn bà Ngô Thị Lệ Hồng - Kế toán Công ty Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Long Hải (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: “Thời gian qua, do việc vay vốn của ngân hàng rất khó nên các hoạt động của công ty chúng tôi đều dựa vào nguồn vốn tự có. Hiện nay, công ty đang tính thực hiện một dự án lớn cần phải vay thêm vốn của ngân hàng, nhưng chưa thực hiện được”.

Tuy nhiên, hiện nay các DN vừa và nhỏ không phải hoàn toàn không thể vay vốn tín chấp từ các ngân hàng. Theo Ngân hàng Á Châu (ACB), hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là đối tượng được ưu tiên cho vay vốn, vì đây là đối tượng nhạy bén trong việc đổi mới để thích ứng với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Bên cạnh việc cho vay có tài sản bảo đảm, hiện ACB cũng có nhiều chương trình cho vay tín chấp dành cho DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, để vay được vốn tín chấp theo các chương trình này, chẳng hạn như chương trình tài trợ xuất nhập khẩu của ACB, DN cần có các điều kiện như: DN hoạt động có lãi trong 1-2 năm liền kề; hoạt động trong các ngành nghề xuất khẩu hàng được ACB ưu tiên như: thủy sản, may mặc, lương thực...

* DN CÓ THỂ SỬ DỤNG NHIỀU KÊNH TÀI CHÍNH KHÁC

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm sự phát triển “nóng” của các ngân hàng. Chính sách này đã có nhiều tác động tích cực lên nền kinh tế, nhưng nó cũng làm cho nhiều ngân hàng gặp khó trong việc huy động vốn dẫn đến việc hạn chế cho vay vốn, trong đó có đối tượng DN. Tình hình khó khăn về vốn đối với nhiều DN sẽ còn tiếp tục kéo dài đến năm 2009. Tại Hội thảo “Giới thiệu các công cụ tiếp cận nguồn vốn” cho các DN vừa và nhỏ tại TP Cần Thơ - do Chương trình Hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam vừa tổ chức, đã gợi ý đến nhiều kênh tiếp cận vốn khác bên cạnh kênh vốn vay từ ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý nhất là các kênh tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán và cho thuê tài chính.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, tiếp cận vốn thông qua thị trường chứng khoán chính là bán cổ phiếu và trái phiếu công ty ra công chúng. Cổ phiếu chính là một công cụ huy động vốn một cách nhanh chóng của DN. Ngoài ra, cổ phiếu còn nhiều ưu điểm khác như: mệnh giá thấp nên dễ thu hút nhà đầu tư, thủ tục đơn giản, là nguồn vốn dài hạn tương đối ổn định... Tuy nhiên, cổ phiếu cũng có nhược điểm như: chỉ có công ty đại chúng (tức công ty cổ phần) mới được phép phát hành cổ phiếu, phát hành cổ phiếu DN phải chia sẻ lợi nhuận với cổ đông theo tỷ lệ góp vốn, chi phí sử dụng vốn cao... Còn đối với trái phiếu cũng là công cụ hữu hiệu để DN huy động vốn trung hạn hoặc cho các dự án. Nhưng trái phiếu cũng có nhược điểm như: giao dịch trái phiếu trên thị trường chứng khoán hiện tại chưa sôi động, chi phí phát hành cao, áp lực trả lãi và nợ gốc, phát hành trái phiếu quá mức sẽ giảm khả năng thanh toán của DN, nên kế hoạch sử dụng vốn phải rất khả thi.

Mặc dù bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng là một trong những công cụ tiếp cận nguồn vốn trong tình hình hiện nay, nhưng đối với nhiều DN nhỏ cũng khó sử dụng công cụ này. Bởi lẽ, điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng thì DN phải có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên, trong khi đã là DN nhỏ nên thường có vốn điều lệ thấp hơn mức này.

Mặt khác, trong tình hình khó khăn về vốn hiện nay, các DN vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua các công ty cho thuê tài chính. Ở nước ta, dịch vụ cho thuê tài chính ra đời được khoảng 10 năm nay. Đến nay, cả nước có 13 công ty cho thuê tài chính hoạt động, trong đó có 5 công ty có vốn nước ngoài.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II-Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho biết: “Các công ty cho thuê tài chính là tổ chức phi tín dụng, hoạt động gần giống như ngân hàng. Các công ty thực hiện cho thuê tài chính dưới hình thức không cần thế chấp ngân hàng. Thế nhưng, thời gian qua còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa tiếp cận dịch vụ này. Nhưng kể từ sau khi các ngân hàng thắt chặt cho vay tín dụng đã có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm đến chúng tôi hơn”. Theo ông Trần Văn Trung, trước đây, Công ty Cho thuê tài chính II cho khách hàng thuê tài chính mua sắm tài sản thì khách hàng chỉ cần tham gia 20% vốn trên giá trị tài sản, còn lại công ty đáp ứng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay với việc huy động vốn lãi suất cao nên khách hàng ngoài tham gia 20% vốn trên giá trị tài sản còn phải ký quỹ thêm khoảng 10%, quỹ này không được xem là trả nợ trước và được khấu trừ vào kỳ nợ cuối cùng. Hiện nay, Công ty Cho thuê tài chính II cũng chỉ ưu tiên cho các khách hàng thuê tài chính mua các thiết bị thông dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: phương tiện vận tải (ô tô, tàu), máy ủi, máy móc văn phòng, thiết bị ngành... Ngoại trừ các thiết bị có khấu hao lớn và phức tạp, hoặc có giá trị vài chục tỉ đồng.

KHÁNH TRUNG – ANH KHOA

Chia sẻ bài viết