27/03/2023 - 07:57

Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 917

Gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 

Tỉnh lộ 917 (đường tỉnh 917) là một trong những tuyến giao thông chính trên địa bàn TP Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu giao thông, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, đời sống vật chất phát triển, phương tiện giao thông đi lại ngày càng nhiều trong khi tỉnh lộ này đã quá tải, xuống cấp, hạn chế mức độ an toàn giao thông... Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 917 là giải pháp  khắc phục tình trạng trên.

Ðường tỉnh 917 trên địa bàn quận Bình Thủy nhỏ hẹp, đông đúc phương tiện giao thông đi lại.

Tập trung giải phóng mặt bằng

Ðường tỉnh 917, đoạn từ quốc lộ 91 đến 91B (quận Bình Thuỷ), tấp nập phương tiện giao thông đi lại. Ông Nguyễn Văn Quốc, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cho biết: “Nhiều năm nay, đường Nguyễn Chí Thanh (đường tỉnh 917) đã trở nên chật hẹp. Chính quyền địa phương thông báo đường tỉnh 917 được nâng cấp, mở rộng sang quận Ô Môn, huyện Phong Ðiền nên người dân rất vui mừng, phấn khởi…”.

Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 917  được Quyết định đầu tư số 3611/QÐ-UBND ngày 1-12-2021 của UBND TP Cần Thơ, với chiều dài hơn 11km, được thiết kế là đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, đi qua địa bàn  quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Ðiền. Cụ thể, điểm đầu của dự án giao với quốc lộ 91 (thuộc quận Ô Môn) và điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ (thuộc huyện Phong Ðiền). Dự án có tổng mức đầu tư 996,2 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Năm 2022, dự án được bố trí vốn thực hiện 200 tỉ đồng và đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn; năm 2023 dự án có kế hoạch bố trí vốn 70 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân 50,779 tỉ đồng, đạt 72,5%. Trong đó có tổng số 582 hộ dân có nhà, đất, vật kiến trúc bị ảnh hưởng, với giá trị bồi thường trên 501,599/341,351 tỉ đồng (tăng 160,248 tỉ đồng, do chi phí bồi thường tăng theo thời giá hiện tại).

Người dân bị ảnh hưởng dự án có nhu cầu và đủ điều kiện xét cấp tái định cư khoảng 110 nền. Trong đó, quận Ô Môn 20 nền, quận Bình Thủy 40 nền và huyện Phong Ðiền 50 nền. Ðến nay, các địa phương đã kiểm kê tài sản 386/582 trường hợp, trong đó quận Ô Môn 117/117 trường hợp, quận Bình Thủy 129/135 trường hợp và huyện Phong Ðiền 140/330 trường hợp. Công tác phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại được 166/582 trường hợp với giá trị 102/497,6 tỉ đồng, trong đó quận Ô Môn có 41/117 trường hợp với giá trị 18,856/138 tỉ đồng, quận Bình Thủy là 57/135 trường hợp với giá trị 41,840/140 tỉ đồng, huyện Phong Ðiền 68/330 trường hợp với giá trị 41,312/138 tỉ đồng.

Các địa phương đã chi trả được 85/162 trường hợp với giá trị 50,893/102 tỉ đồng, trong đó quận Ô Môn là 35/41 trường hợp với giá trị 15,234/18,856 tỉ, quận Bình Thủy là 35/57 trường hợp với giá trị 26/41,84 tỉ đồng, huyện Phong Ðiền 15/68 trường hợp với giá trị 9,659/41,312 tỉ đồng. Các hộ dân nhận bồi thường thiệt hại đã bàn giao mặt bằng với tổng chiều dài khoảng 1,785km, đạt 12,35%. Mặc dù, mặt bằng thi công, giải phóng chưa liên tục nhưng các nhà thầu tổ chức dọn dẹp, đào khuôn đường tại một số vị trí để thi công, sản xuất các cọc… Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu tháng 4-2023.

Gỡ khó

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 917), đường tỉnh 917 khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tại các địa phương trên. Bên cạnh đó, tuyến đường kết nối tạo thành trục giao thông liên hoàn với các đường tỉnh 918, 920, 923, 926, quốc lộ 91 và quốc lộ 91B. Từ đó, nâng cao khả năng vận tải của mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là kết nối khu vực cảng - khu công nghiệp Trà Nóc với các địa bàn lân cận. Tuy nhiên, hiện nay dự án còn gặp nhiều khó khăn cần được giải quyết.

Trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Hội đồng bồi thường của quận Bình Thủy, Sở Giao thông vận tải (đơn vị Chủ đầu tư công trình tuyến Trà Nóc - Thới An Ðông - Lộ Bức giai đoạn 2 có vị trí trùng với dự án đường tỉnh 917) cần thông tin về giá trị bồi thường thiệt hại có liên quan đến 39/41 hồ sơ (đã nhận tiền đất, hoa màu, nhà, vật kiến trúc) cho đơn vị bồi thường, giải phóng mặt bằng đường tỉnh 917 (cụ thể huyện Phong Ðiền), vì có một số hộ dân phản hồi có nhận tiền đất nhưng không được nhận bồi thường nhà, có hộ nhận phần đất lúa chưa nhận phần đất có cây trồng; hỗ trợ cung cấp hồ sơ nhận bồi thường, pháp lý có liên quan đến 39/41 hồ sơ nêu trên cho Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Phong Ðiền và chủ đầu tư dự án đường tỉnh 917 để tránh trường hợp chi trả cho hộ dân bị trùng lấp 2 lần.

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng so với tổng mức đầu tư được duyệt. Nguyên nhân do chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; dự toán chi phí xây dựng tăng theo thời giá. Do đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ có tờ trình đề xuất Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án đề nghị điều chỉnh tăng 253,704 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 151,204 tỉ đồng; chi phí xây lắp tăng 120,79 tỉ đồng; chi phi tư vấn, quản lý dự án và khác tăng 9,356 tỉ đồng; chi phí dự phòng giảm 27,646 tỉ đồng.

Ông Phan Minh Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Ban đề nghị UBND quận Ô Môn, Bình Thủy và huyện Phong Ðiền hỗ trợ chỉ đạo Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện và các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án tổ chức thi công. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố sớm có ý kiến về việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án để UBND thành phố xem xét và sớm phê duyệt...”.

Tại buổi kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đường tỉnh 917, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Các địa phương có tuyến đường tỉnh 917 đi qua cần quyết liệt hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhất là tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ được lợi ích của tuyến đường khi nâng cao, mở rộng hoàn hoàn để sớm bàn giao mặt bằng; đồng thời vận động người dân ảnh hưởng tái định cư phân tán nếu có điều kiện. Chủ đầu tư dự án cần linh hoạt, đáp ứng vốn kịp thời cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng giải phóng liên tục, nhằm thuận lợi cho việc thi công. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố tham mưu, đề xuất tìm nguồn vốn để bổ sung cho dự án khi đã điều chỉnh đúng quy định…”.

Chia sẻ bài viết