15/02/2009 - 21:05

Gỡ khó cho ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản ĐBSCL

Việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá, tôm ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Ngày 12-2-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương vùng ĐBSCL cùng ngồi lại tìm giải pháp để ĐBSCL khai thác tốt lợi thế phát triển thủy sản.

* Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá, tôm đều gặp khó!

Bà Trần Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, nhận định: Ngoài những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì tình trạng phát triển “nóng” diện tích nuôi cá tra trong năm 2008 cũng góp phần làm cho nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL lên đến 6.160 ha, tổng sản lượng cá đạt hơn 1,1 triệu tấn đã vượt quá nhu cầu chế biến và tiêu thụ. Nhiều hộ nuôi cá tra phải bán cá dưới giá thành khoảng 2.000 đồng/kg. Do đó, ở ĐBSCL hiện còn khoảng 35% ao hầm đang bị bỏ không vì người nuôi cá không còn khả năng tái đầu tư; các nhà máy chế biến thủy sản đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Tương tự, tình hình nuôi trồng và chế biến tôm sú, tôm thẻ chân trắng để xuất khẩu ở ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Do thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau đang hoạt động khoảng 30-40% công suất. Hàng ngàn công nhân ở địa phương này đang thiếu việc làm và chỉ được nhận trợ cấp với mức 300.000 đồng/người/tháng.

Thu hoạch cá tra ở xã Thới Thuận, Thốt Nốt. Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Ngoài những nguyên nhân trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm: Thời gian qua, người nuôi thủy sản ở ĐBSCL và cả nước phải mua thức ăn chăn nuôi thủy sản (chiếm khoảng 70% giá thành) với giá cao hơn từ 20% - 30% so với những người nuôi thủy sản ở Thái Lan, Trung Quốc. Do đó, lợi nhuận của người nuôi thủy sản đạt thấp. Mặt khác, trong quy trình sản xuất thủy sản chưa có sự gắn kết giữa các khâu nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hầu như tất cả các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đều đặt tại vùng nguyên liệu nhưng giữa nhà máy và người nuôi vẫn chưa gắn kết. Còn ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thì cho rằng kim ngạch xuất khẩu của cá tra của vùng ĐBSCL trong năm 2008 đạt gần 1,5 tỉ USD, nhưng mặt hàng này vẫn chưa được công nhận là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia, nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Năm 2008, khu vực ĐBSCL xuất khẩu hơn 640.829 tấn sản phẩm cá tra, cá ba sa sang 128 nước, kim ngạch đạt hơn 1,4 tỉ USD. So với năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL tăng 48,4% và có thêm 22 thị trường mới. Tương tự, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm của vùng ĐBSCL trong năm 2008 tăng 18,8% và 7,7% so năm 2007.

* Tháo gỡ cách nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Tình hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt để chấn chỉnh lại hoạt động của lĩnh vực này. Trong đó, những người nuôi cá không nên tái đầu tư nuôi cá khi chưa được các nhà máy chế biến thủy sản ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Riêng các “đại gia” nuôi cá (chiếm đến khoảng 80% tổng sản lượng cá tra của vùng) có đủ điều kiện buộc các nhà máy chế biến thủy sản đến đàm phán ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của mình. Bộ NN&PTNT nên nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thủy sản để tạo môi trường cạnh tranh nhằm giảm giá bán thức ăn chăn nuôi thủy sản với các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản trong nước.

Bên cạnh việc đề xuất các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sớm ngồi lại với nhau để bàn chuyện hợp tác phát triển sản xuất cá tra, tránh khủng hoảng nguyên liệu cá tra, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề nghị: “Các doanh nghiệp chế biến thủy sản nên áp dụng mô hình hợp đồng thuê nông dân gia công nuôi cá tra cho doanh nghiệp. Thực hiện giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, nông dân yên tâm sản xuất để đạt sản lượng cao nhất, chất lượng tốt nhất”. Còn ông Huỳnh Thế Năng kiến nghị, Bộ NN&PTNT nên sớm đề nghị Chính phủ xem xét công nhận các sản phẩm cá tra là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia. Có như thế, Chính phủ sẽ trực tiếp tổ chức xúc tiến thương mại và điều hành xuất khẩu cá tra như điều hành xuất khẩu gạo hiện nay. Khi ấy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ được ngăn chặn, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ được nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế.

Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, đề nghị: “Tôi mong muốn Chính phủ xem xét khoanh và giãn nợ cho các hộ nuôi cá tra bị thua lỗ trong năm 2008 để bà con có điều kiện tái sản xuất. Mặt khác, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu sản xuất giống thủy sản”.

Trước những đề xuất và mong muốn của các địa phương vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu: Các địa phương vùng ĐBSCL cần triển khai thực hiện ngay các chính sách mới của Trung ương về tài chính, xuất khẩu, thuế... để khai thác lợi thế phát triển thủy sản của vùng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng mức đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất các loại giống thủy sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kịp thời phổ biến các thông tin về thị trường. Trước mắt, Bộ sẽ sớm phối hợp với tỉnh Kiên Giang xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống nước lợ tại huyện đảo Phú Quốc để cung cấp con giống tốt cho vùng ĐBSCL.

NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết