03/03/2024 - 07:04

Gỡ khó cho nền kinh tế, tăng khả năng hấp thụ vốn 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Đầu năm 2024, NHNN đã triển khai kế hoạch phân bổ chỉ tiêu sớm cho các tổ chức tín dụng (TCTD), với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Nhưng, tháng đầu năm, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023 và sang tháng 2-2024, có cải thiện so tháng 1, nhưng vẫn yếu, do khả năng phục hồi của nền kinh tế chậm. Vì vậy, cần tiếp tục gỡ khó cho nền kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) để tăng khả năng hấp thụ vốn.

Lãi suất giảm, ngân hàng đang thừa tiền

Theo NHNN, tháng 1-2024, lãi suất cho vay bình quân của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,3-5,2%/năm đối với ngắn hạn; 6,6-7,4%/năm đối với trung và dài hạn. Còn theo khảo sát của một số tổ chức tài chính, mặt bằng lãi suất cho vay tháng 2-2024 của nhiều NHTM đã giảm từ 0,1-0,5%/tùy kỳ hạn/tùy ngân hàng và giảm nhiều nhất ở khối NHTM có vốn nhà nước. Mặt bằng lãi suất hiện tại đã giảm xuống sâu hơn mức giai đoạn COVID-19 và cũng thấp hơn nhiều năm gần đây. Đây là điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi cho vay thời gian tới.

Các TCTD đang tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh minh họa.

Một khảo sát gần đây của Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) cũng ghi nhận, các TCTD dự báo nhu cầu tín dụng chỉ cải thiện chậm trong 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời các TCTD cũng thu hẹp bớt kỳ vọng về mức độ “tăng” nhu cầu tín dụng của 11/13 lĩnh vực kinh tế, chỉ mở rộng nhẹ kỳ vọng đối với 2/13 lĩnh vực (đầu tư công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao)... Tỷ lệ TCTD nhận định đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức cao (từ 75% trở lên) của nhóm 15 NHTM trọng yếu là 100% (kỳ điều tra cuối năm 2023, tỷ lệ này là 93,3%). Cho thấy, ngân hàng đang thừa tiền, lãi suất cho vay đã giảm sâu, nhờ sự kéo giảm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân của các TCTD. Tuy nhiên, mức tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 không đạt như kỳ vọng của các TCTD, nhiều TCTD tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm, do nhu cầu vốn không cao. Một phần khác do năng lực tài chính của DN đã sụt giảm nghiêm trọng trong 3 năm gần đây, nên không đáp ứng điều kiện cho vay của các ngân hàng.

Lý giải một số nguyên nhân tăng trưởng tín dụng âm, một số ý kiến cho rằng, thị trường thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu tốt lên trong 2 tháng đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu của DN cũng tăng nhẹ, nhưng mức tăng không đủ để DN có thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Mà đa số DN dùng hàng tồn kho năm 2023 để đáp ứng đơn hàng mới, một số sản xuất mới những tỷ trọng nhỏ, nên nhu cầu tín dụng không tăng cao như kỳ vọng. Các TCTD cũng lo ngại rủi ro gia tăng, nên vẫn thắt chặt nhẹ các điều khoản, điều kiện tổng thể cho vay đối với khách hàng DN (chủ yếu yêu cầu tài sản đảm bảo, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng...; đặc biệt là đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản) để quản trị rủi ro tốt hơn. Mặc dù các TCTD vẫn giữ ổn định các điều khoản, điều kiện tín dụng đối với khách hàng cá nhân, nhưng cũng không thể thúc đẩy nhanh dòng vốn ra thị trường, bởi nhu cầu cá nhân vẫn thấp, hạn mức cho vay là yếu tố ràng buộc.

Ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh

Năm 2024, kinh tế toàn cầu được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của các quốc gia phát triển vẫn chưa chắc chắn, sự suy giảm tổng cầu thế giới vẫn đe dọa các nền kinh tế, nhất là các quốc gia đang phát triển, nghèo. Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ cũng được dự báo tiếp tục khó khăn, phức tạp. Theo lãnh đạo NHNN, trong bối cảnh này, ngay từ đầu năm NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 01/NQ-CP; đồng thời phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm cho các TCTD, chỉ đạo hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, tăng gỡ khó cho khách hàng nhằm tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và DN.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng về đẩy mạnh tín dụng năm 2024, lãnh đạo NHNN cũng nhận định khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, làm cho khả năng hấp thụ vốn tín dụng yếu. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các TCTD cần tập trung hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo chỉ đạo của Chính phủ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã được thông báo để các TCTD chủ động kế hoạch, cung ứng nguồn vốn tín dụng ra thị trường. Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị các NHTM tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ và NHNN. Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế; đồng thời kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN; tiếp tục giảm chi phí, đơn giản thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng chậm so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 2-2024 đạt khoảng 154.000 tỉ đồng, giảm 1,56% so với cuối năm 2023. Trong tháng 2, lãi suất cho vay ổn định và giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất huy động ổn định. Xu hướng tín dụng sẽ tăng trở lại trong tháng 3, do các TCTD đang tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Các TCTD cũng đang tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; lũy kế đến cuối tháng 1-2024 là 1.536,5 tỉ đồng với 458 lượt khách hàng được cơ cấu; dư nợ (gốc và/hoặc lãi suất) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.348,7 tỉ đồng cho 347 khách hàng vay. Đa phần các DN hiện nay đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định. NHNN Chi nhánh thành phố cũng thường xuyên tham dự các cuộc họp, hội nghị do các sở, ngành của thành phố tổ chức nhằm nắm bắt và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết