30/09/2013 - 20:58

Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Vài năm trở lại đây, số trẻ bị hội chứng tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ… ngày càng tăng. Việc tìm trường học cho con đang là vấn đề nan giải đối với các bậc phụ huynh rơi vào trường hợp này. Với mong muốn giúp trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ,… có thể hòa nhập cộng đồng, Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao (quận Cái Răng) đã mở lớp học dành cho những trẻ em này. Việc làm này mang tính xã hội và tính nhân văn cao, thể hiện sự quan tâm để "tất cả trẻ em đều được đến trường".


Không gian học tập ở các lớp chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ được trang trí đầy màu sắc, để có thể thu hút sự tập trung của trẻ. Trong lớp học chuyên biệt này, 1 giáo viên chỉ phụ trách từ 1-3 trẻ. Không giống như việc dạy trẻ bình thường, dạy trẻ tự kỷ mỗi trẻ có kế hoạch giáo dục riêng biệt, tùy theo từng biểu hiện nặng nhẹ mà có sự can thiệp khác nhau. Thầy Bùi Văn Vuông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngôi Sao, cho biết: "Hiện nhà trường đang can thiệp cho 30 cháu không may mắc hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ... Đa phần các em ở độ tuổi từ 20 tháng đến 14 tuổi.

Giờ chơi của trẻ trong phòng tâm vận động tại Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao. 

Việc chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ cần có kỹ năng và phương pháp khoa học, giáo viên của những lớp đặc biệt này không những vững vàng về chuyên môn mà còn phải có lòng yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm cao trước trẻ, kiên trì, nhẫn nại trong giáo dục trẻ. Để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho công tác giáo dục chăm sóc trẻ tự kỷ, thời gian qua Ban giám hiệu trường đã liên kết với Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí TP Hồ Chí Minh để được chuyển giao công nghệ, tập huấn cho đội ngũ giáo viên của trường.

Trước khi tiếp nhận trẻ, phụ huynh cung cấp đầy đủ cho nhà trường thông tin về trẻ: những chẩn đoán của bác sĩ, những hành vi, thói quen… để nhà trường có cơ sở tiếp tục nghiên cứu thực tế những biểu hiện của trẻ bằng các công cụ trắc nghiệm tâm lý. Cụ thể , trong những tuần đầu, cô giáo làm quen, quan sát trẻ để tìm hiểu thói quen, sở thích, mặt tích cực và những khó khăn của trẻ (các cô ghi nhật ký trong ngày cho từng trẻ). Nhà trường tiến hành lượng giá test Pep 3, để xác định 2 thông số: tuổi trí tuệ và chỉ số IQ của trẻ qua 7 vùng phát triển của não. Bắt chước, nhận thức giác quan, vận động tinh, vận động thô, phối hợp mắt tay, kỹ năng tư duy, ngôn ngữ,... để sau khi lượng giá sẽ có kế hoạch và phương pháp giáo dục phù hợp cho từng trẻ… Mỗi ngày, các cô sẽ trao đổi cụ thể với phụ huynh tình hình của trẻ khi ở trường và những bài tập cần tập thêm cho trẻ khi về nhà. Ngoài ra, trường sẽ thông qua sổ liên lạc để đánh giá các mức độ phát triển của trẻ hằng tháng.

Giáo dục trẻ tự kỷ là một lĩnh vực khó, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải được đào tạo chuyên sâu và nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt phải linh hoạt trong biện pháp giáo dục. Chỉ một thay đổi nhỏ trong hành vi nhận thức của trẻ cũng là kỳ công lớn của đội ngũ giáo viên. Em Đ.N.T. (6 tuổi), tuổi não khoảng 2 tuổi đang theo học lớp Thỏ Ngọc. Ở lớp, N.T. hay chạy lăng xăng, nhai, cắn xé bất cứ đồ vật gì. Giáo viên hướng dẫn N.T. chơi trong phòng tâm vận động vừa trị liệu vừa giáo dục qua trò chơi. Để giúp các em sớm hòa nhập môi trường học tập, giáo viên phải quan tâm, yêu thương, sáng tạo nhiều cơ hội để chỉnh sửa hành vi, ngôn ngữ cho trẻ. Cô San Tiểu Mi, giáo viên lớp Thỏ Ngọc, cho biết: Các bé bị hội chứng tự kỷ thường không nghe lời, chưa tự phục vụ mình, không giao tiếp bằng mắt nên chúng tôi khá vất vả. Có những em ở nhà do được cha mẹ cưng chiều, khi vào lớp, nếu không được làm theo ý mình liền la hét quậy phá, giáo viên không vững vàng về tâm lý dễ chán nản, bỏ cuộc.

Trẻ tự kỷ từ 1-3 tuổi được can thiệp sớm bằng giáo dục… có cơ hội hòa nhập với cộng đồng và có thể học tập bình thường. Như trường hợp em H.A.N. (học sinh trường Tiểu học Ngôi Sao), kém may mắn bị hội chứng tự kỷ. Đến lớp học, em hay chui vào kẹt, ngồi chơi một mình, hoặc chạy lăng xăng, nói không rõ lời. Nhờ cô giáo của trường phát hiện kịp thời, sau 2 năm được can thiệp bằng các phương pháp giáo dục chuyên biệt, giờ đây, N. đang học lớp 1, sinh hoạt, vui chơi bình thường như bạn bè trang lứa. Anh H.T., phụ huynh của N., cho biết: "Khi được biết N. mắc phải hội chứng tự kỷ, gia đình tôi rất lo lắng. Rất may, thầy cô trong trường giúp con tôi hòa nhập cộng đồng. Về nhà N. rất ngoan ngoãn, lễ phép".

Tự kỷ hay được gọi là rối loạn tự kỷ, là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi. Người mắc chứng tự kỷ không giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác; do vậy, sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều hạn chế. Tự kỷ có nhiều đặc điểm, đa dạng từ mức nhẹ đến nặng. Những trẻ mắc chứng tự kỷ thường khó khăn trong giao tiếp với người khác; có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại; ít hứng thú và ít hoạt động; khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh...

Vấn đề hòa nhập cộng đồng là quy trình quan trọng trong việc giáo dục chăm sóc trẻ tự kỷ. Sau khi được giáo dục chuyên biệt, các bé được hòa nhập với cộng đồng và việc thay đổi đột ngột "môi trường" lớp học sẽ gây khó khăn cho trẻ. Chính vì vậy, Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao sẽ có lớp bậc tiểu học, giúp trẻ không bỡ ngỡ trước môi trường lạ. Thầy Bùi Văn Vuông, cho biết thêm: "Khả năng tiến bộ của trẻ phụ thuộc sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, việc dạy dỗ trẻ trên lớp và ở gia đình phải thống nhất. Trường sẽ tổ chức tập huấn cho phụ huynh về kỹ năng cơ bản giáo dục, chăm sóc và vui chơi với trẻ tự kỷ ở nhà. Thiết nghĩ thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền để các bậc phụ huynh xóa dần mặc cảm, rút ngắn khoảng cách học sinh bình thường và học sinh tự kỷ, khi giáo dục hòa nhập cộng đồng. Các nghiên cứu đã chứng minh là can thiệp giáo dục sớm dẫn đến những kết quả tốt cho trẻ và gia đình. Can thiệp sớm bao gồm việc dạy trẻ nhận biết, những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dần dần cải thiện những kỹ năng giao tiếp của trẻ. Gia đình cần đưa trẻ đến trường chuyên biệt can thiệp sớm để được lượng giá nếu thấy trẻ có những biểu hiện: tăng động giảm chú ý, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, khả năng giáo tiếp kém, không chỉ được đồ vật trẻ muốn lấy…

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết