03/05/2021 - 23:18

Giúp sản phẩm OCOP vươn cao, bay xa... 

Từ khi Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) đến nay các tỉnh, thành ÐBSCL đã triển khai thực hiện khá hiệu quả khi có hàng trăm sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Tuy nhiên thực tế cho thấy các sản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, khả năng xúc tiến thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng. Do đó việc tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững đang được các ngành, các cấp, doanh nghiệp quan tâm.

Tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ sẽ giúp các sản phẩm OCOP phát triển bền vững trong tương lai.

Tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ sẽ giúp các sản phẩm OCOP phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Thương mại - Đầu tư tỉnh An Giang:

Cần phát huy vai trò kết nối của các cơ quan xúc tiến thương mại

- Sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP, tỉnh An Giang đã tích cực nghiên cứu triển khai, đến nay đã có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Thời gian qua tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể cải tiến mẫu mã, chất lượng các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá. Ðây là động lực để các chủ thể đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn cũng như tạo sự lan tỏa để chương trình ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tuy nhiên sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, bao bì, nhãn mác chưa đa dạng, khả năng xúc tiến thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp còn yếu, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững. Thực tế cho thấy sản phẩm OCOP được sinh ra từ làng, bởi những người nông dân, nông dân thì dựa vào doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện thuê mướn hay tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại hoặc tìm kiếm chuỗi siêu thị để tiêu thụ sản phẩm. Lúc này vai trò kết nối của các cơ quan xúc tiến thương mại rất quan trọng. Cần tổ chức hội nghị mời doanh nghiệp và siêu thị đến để nghe những yêu cầu để đưa sản phẩm vào siêu thị. Hoặc trước mắt họ cho không gian để trưng bày, dùng thử sẽ giúp đưa sản phẩm tiệm cận hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Bởi vì hôm nay họ là một nông dân, mai là doanh nghiệp thì phương pháp quảng bá sản phẩm, quản trị nguồn vốn, nguồn nhân lực không phải một sớm một chiều làm được. Do đó, các trung tâm xúc tiến thương mại phải là nơi phối hợp với các ngành giúp doanh nghiệp tiếp cận được phương pháp đào tạo để quản lý nhân sự, quản trị và quản lý tài chính, kế toán mới giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Bà Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Thảo An Khang (An Giang):

Truyền thông để người tiêu dùng biết OCOP là gì?

- Thực tế cho thấy một doanh nghiệp “muốn bán được sản phẩm phải bán được cái tên” và tôi phải mất gần 2-3 năm để nói về sản phẩm liên quan đến cây xạ đen của công ty. Việc xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, bao bì thì từng doanh nghiệp sẽ có chiến lược ngắn hạn, dài hạn từ đó có những chính sách đầu tư khác nhau. Ðiều các doanh nghiệp nhỏ mong muốn là truyền thông thật sâu về giá trị. Như sản phẩm OCOP hiện nay thực ra người tiêu dùng chưa hiểu OCOP là gì thì những sản phẩm dán mác OCOP chưa thể chạm được trái tim người tiêu dùng. Ví dụ như sản phẩm trà xạ đen Thảo An Khang. Trong khi cây xạ đen nổi tiếng tại Hòa Bình sao lại là sản phẩm đặc trưng của An Giang bởi câu chuyện của nó là được trồng trên đỉnh núi Cấm - một ngọn núi thiêng của An Giang, nó tạo ra sinh kế cho cư dân vùng núi. Do đó, phải truyền thông về OCOP và khi sản phẩm được công nhận OCOP thì những câu chuyện về sản phẩm đó như thế nào? Và để tạo nên câu chuyện sản phẩm thì doanh nghiệp không có nhiều điều kiện để làm nên cần được hỗ trợ nhiều hơn.

Khi xây dựng thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp cái khó nhất là để người tiêu dùng hiểu doanh nghiệp là ai, sản xuất cái gì và mang đến điều gì cho người tiêu dùng. Câu chuyện OCOP cũng vậy, trước mắt người tiêu dùng cần hiểu OCOP là cái gì, mang đến lợi ích gì, tại sao tôi phải mua sản phẩm OCOP. Và theo tôi cách lan tỏa sản phẩm OCOP hay nhất, nhanh nhất là thông qua du lịch. Khách đến địa phương đó mua cái gì, mua ở đâu từ đó các câu chuyện về sản phẩm OCOP sẽ lan tỏa, sự cộng hưởng sức hấp dẫn và lan tỏa từ những câu chuyện sẽ trở thành thương hiệu của các sản phẩm OCOP.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Hà Nội:

Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương thành lập trung tâm giao dịch sản phẩm tại thủ đô

- Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP không nên chạy theo số lượng mà phải đi vào chất lượng. Thực tế cho thấy khi làm đặc sản vùng miền chạy đua số lượng không có tác dụng tạo sức hút cho địa phương. Bởi bản chất của sản phẩm OCOP phải là sản phẩm hết sức độc đáo, tiêu biểu và chỉ có ở vùng đấy, khi nói đến thì vùng đấy thì hiểu ngay là có sản phẩm đó. Ðó là sản phẩm do chính con người và bề dày lịch sử truyền lại từ nhiều đời và có sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm mới để xuất khẩu, cho khách tham quan mà không nơi nào cạnh tranh được. Ðặc biệt khi xây dựng sản phẩm OCOP cần chú ý các sản phẩm truyền thống, đặc biệt những sản phẩm nổi tiếng đang có nguy cơ mai một.

Khi đã tạo ra sản phẩm OCOP chúng ta không chỉ tập trung bán chúng mà phải có hoạt động quảng bá. Việc tổ chức quảng bá sản phẩm OCOP phải gắn với quảng bá văn hóa, du lịch đặc biệt là ẩm thực; phải có hiệu ứng truyền thông độc đáo việc tiêu thụ sản phẩm mới hiệu quả. Bên cạnh quảng bá cần tổ chức các sự kiện ví dụ như tuần hàng đặc sản, tuần hàng sản phẩm OCOP và Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các địa phương tổ chức sự kiện hàng OCOP, thành lập trung tâm giao dịch sản phẩm các địa phương tại thủ đô. Ngoài ra, sản phẩm OCOP phần lớn do bà con nông dân làm ra do đó bao bì mẫu mã còn hạn chế, cần phải có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để tạo nên những bao bì, mẫu mã độc đáo, sáng tạo.

Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang):

Tận dụng mọi cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP

- Doanh nghiệp làm ra sản phẩm rất cực, nếu muốn nó tồn tại và phát triển bền vững còn cực hơn gấp nhiều lần, trong khi đó dường như chúng ta chưa tận dụng hết cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Người ta thường nói “bán tên đi trước bán hàng theo sau”, chúng ta làm ngon, đẹp mà không cho người ta biết thì cũng không hiệu quả. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp chưa gắn kết với các chương trình mà Nhà nước tổ chức cho nhằm tiếp cận thị trường, đây là thiếu sót rất lớn. Một số doanh nghiệp nghĩ rằng khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP thì cộng đồng xã hội sẽ đến với mình hơn là mình đến với người ta. Nhưng thực tế, người tiêu dùng chỉ đến với một sản phẩm, một thương hiệu trừ khi giá trị của nó mang tính chất toàn cầu và có giá trị thương hiệu, bề dày lịch sử cùng sự nổi tiếng.

Ðược công nhận sản phẩm OCOP là cả vấn đề khó, do đó để tồn tại và phát triển bền vững là do chủ thể của sản phẩm có tận dụng tốt các cơ hội để quảng bá sản phẩm hay không. Các doanh nghiệp đạt sản phẩm OCOP cần phải thay đổi tư duy để dễ dàng cộng hưởng với các siêu thị cũng như tiếp cận thị trường. Sắp tới tôi sẽ hợp tác để tổ chức phiên chợ OCOP cuối tuần tại các điểm chợ có tính chất đô thị, bởi những vùng chợ có tính chất đô thị thì giúp sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị. Trong tháng 5 này tôi sẽ gặp đại diện 4 tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Ðồng Tháp) trong cụm liên kết hợp tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và trao đổi cách làm để phiên chợ này luân phiên tổ chức xoay vòng.

Ông Huỳnh Kim Khuê, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp:

Thay đổi tư duy trong sản xuất và tiếp cận thị trường

- Với mong muốn sản phẩm đặc sản nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng vươn xa, thời gian qua tỉnh Ðồng Tháp đã tổ chức rất nhiều hội thảo để tìm giải pháp tối ưu làm sao đưa các sản phẩm OCOP và các sản phẩm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vươn ra thị trường khu vực. Ðặc biệt tỉnh Ðồng Tháp đã phối hợp với các ngành liên quan thành lập trung tâm đặc sản du lịch ở Hà Nội, thành lập trung tâm giới thiệu ẩm thực cũng như các sản phẩm đặc sản của Ðồng Tháp tại Phú Quốc. Nhờ vào công tác truyền thông và tham gia các kỳ hội chợ để giới thiệu sản phẩm nhất là đặc sản vùng miền, qua đó tiếp cận rất nhiều đối tác. Hiện Ðồng Tháp có trên 160 sản phẩm OCOP, nhưng không phải có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là tốt. Bởi nhiều sản phẩm thì thêm nhiều nỗi lo vì đã được công nhận sản phẩm OCOP rồi thì vấn đề để sản phẩm trụ vững và phát triển nâng hạng, từ 3 sao phải lên 4-5 sao, là nấc thang để doanh nghiệp phấn đấu. Muốn làm như thế bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong sản xuất và tiếp cận thị trường. Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng những chính sách mềm trong điều kiện có thể để tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường bên ngoài. Còn bản thân doanh nghiệp phải chủ động, Nhà nước không thể làm thay. Từ nay đến năm 2025, mục tiêu của Ðồng Tháp là đổi mới và sáng tạo. Trong đó, đổi mới từ bản thân doanh nghiệp trong quản trị nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã bao bì, điều quan trọng là phải xây dựng được chuỗi ngành hàng và chú ý công nghiệp chế biến, bởi hàng chế biến phục vụ xuất khẩu tốt hơn hàng tươi.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết