28/06/2015 - 09:41

Giữ nét đẹp Đờn ca tài tử Nam bộ(*)

Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày mai (29-6), lễ truy điệu Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tài hoa của Việt Nam, sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Đất nước tiễn biệt một hiền tài góp công lớn trong bảo tồn và quảng bá âm nhạc dân tộc nói chung, đờn ca tài tử (ĐCTT) nói riêng.

Để tưởng nhớ Giáo sư, Báo Cần Thơ xin lược trích giới thiệu bài tham luận ông của tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ diễn ra ở Bạc Liêu vào tháng 4-2014. Đây cũng là Hội thảo cuối cùng do Giáo sư chủ trì.

…Người Nam bộ là những người "tứ chiếng" năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, giản dị, cởi mở, hào hiệp, hiếu khách, có một nền dân ca dồi dào, với nhiều câu ca dao trữ tình, câu hò điệu lý duyên dáng, bài vè dí dỏm, một nền nhạc lễ bắt nguồn từ nhạc cung đình miền Trung, giản dị hóa, dân gian hóa, rất độc đáo với "phe Văn, phe Võ", với tiếng trống "đánh sáng, đánh tối", "tiếng âm, tiếng dương"… đã tạo nên một không gian văn hóa Nam bộ đặc thù, phát triển không ngừng đến ngày nay.

Trong những người theo phong trào Cần Vương vào Nam truyền bá nhạc Hụế cho người học nhạc miền Nam, các nghệ nhân còn nhắc lại tên ông Nguyễn Tòng Bá chuyên dạy đờn Nguyệt (Kìm) và đờn Tranh; ông Nguyễn Liên Phong dạy đờn Độc huyền (Bầu); ông Trần Quang Thọ dạy đờn Tỳ bà. Ông Nguyễn Quang Đại là người tỉnh Quảng Nam, con thứ ba trong gia đình nên người dân Nam bộ thường gọi là ông Ba Đại hay Ba Đợi, ông đến vùng Chợ Đào – Long An mở lớp dạy đờn ca. Từ đó, lối đờn ca trang nghiêm của nhạc thính phòng và cung đình Huế đã được nhiều người trong Nam học hỏi và đã trở nên gần gũi với dân chúng hơn. Cùng một lúc với nền ca nhạc từ Huế đi vào, người nhạc sĩ miền Nam còn tiếp cận với nhạc lễ theo phe Văn (gồm 4 cây đờn Cò lên dây khác nhau), hình thành nên bộ môn nghệ thuật ĐCTT ngày nay.

Giáo sư Trần Văn Khê (thứ hai từ phải sang) chủ trì Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ tại Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI

Phần đông, khi nhắc đến ĐCTT thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc mà mang tính giải trí dân gian. Thực ra, "tài tử" có nghĩa là người có tài. Người ĐCTT không dùng tài nghệ của mình làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau lại tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn chơi, ai biết đờn ca cũng có thể tham gia được, có thể đờn ca suốt đêm không chán. Nhưng khi không thích đờn thì dầu có ai đem "tiền muôn bạc vạn" đến bảo đờn rồi thưởng thì các nghệ nhân tài tử cũng nhứt định không đờn.

Rao đờn miền Nam rất phóng túng. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đến một mức nghệ thuật tương đối cao, thầy cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt cho mình. Người đờn khi bắt đầu rao, một mặt dẫn thính giả đi lần vào điệu, vào hơi để nghe bản đờn, vừa là lúc thử xem có phím đờn nào chênh lệch hay không. Giống như người kỵ mã trước khi cỡi ngựa cần phải biết chứng con ngựa mình đang cỡi. Trong ĐCTT, có một nguyên tắc thẩm mỹ "học chân phương – đờn hoa lá".

Nếu như những loại hình âm nhạc khác người ta gọi là trình diễn, biểu diễn thì ĐCTT được gọi là "chơi ĐCTT". Điều này thể hiện tính ngẫu hứng, tâm tấu, đồng điệu giữa người đờn ca và người nghe.

* * *

Hiện nay, do chịu ảnh hưởng của sự du nhập nhạc phương Tây, các phương tiện thông tin hiện đại và một số nhận thức sai lạc về ĐCTT nên thể loại này đang dần mất tính chính thống. Nhiều nơi thay đổi không gian thính phòng của ĐCTT để diễn viên hòa nhạc, hòa ca trong không gian sân khấu – nơi mà người nghe và người diễn bị tách biệt. Nhiều chương trình nặng phần trình diễn, chú trọng nhiều đến phần ca hơn là phần hòa đờn. Thậm chí người đờn còn học thuộc lòng các bài bản ký âm theo phương Tây một cách chi tiết, do đó làm mất đi tính ứng tác, tính ngẫu hứng đặc trưng của nghệ thuật ĐCTT truyền thống. Hiện, dù số câu lạc bộ ĐCTT tăng lên nhưng khi trình diễn thì quá nặng việc đờn đúng hơi, đúng nhịp, không có tinh thần "chơi" ĐCTT như xưa. Một số tiết mục ĐCTT trên các Đài PT-TH đã bị "sân khấu hóa".

Tôi cùng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của những người chơi ĐCTT. Trong xã hội ngày nay trước hết cũng phải lo cơm ăn áo mặc rồi mới tới việc phụng sự nghệ thuật. Sau khi được UNESCO nhìn nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, ĐCTT không thể phát triển theo chiều hướng hiện nay. Các nghệ nhân thâm niên cần được đãi ngộ để đem hết hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ. Người nghệ nhân tận tụy với âm nhạc truyền thống ở Nhật được huy hiệu "Quốc gia chi bảo", ở Ấn Độ được vinh danh "Padma Shri" và hưởng lộc đến cuối đời. Nước ta cũng có danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" nhưng mấy khi nghệ nhân dân gian được phong những danh hiệu đó? Các nghệ nhân nên được tôn vinh như một Di sản quý.

Công việc giữ gìn, phát triển và phổ biến ĐCTT không phải chỉ riêng những người chuyên môn, mà mọi người, nhứt là chánh quyền nên chung tay, tạo mọi điều kiện thuận lợi và dân chúng cũng nên hưởng ứng bằng cách tham dự những buổi sinh hoạt đó.

(*): Tựa bài viết do Báo Cần Thơ đặt.

Chia sẻ bài viết