TRÍ VĂN (Theo SCMP)
Nghiên cứu mới đây cho thấy, trái với những người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc từ 40 tuổi trở lên vốn thích tích lũy bất động sản và đi du lịch nước ngoài, những người có cùng thu nhập nhưng ở độ tuổi 20 và 30 của nước này tập trung đầu tư cho giáo dục, phát triển sự nghiệp tại quê nhà.

Thế hệ trẻ Trung Quốc có xu hướng “chuộng” dùng hàng nội. Ảnh: AFP
Stephen Yao, cư dân 46 tuổi của tỉnh Quảng Ðông, từng có hơn 20 chuyến đi nước ngoài mỗi năm để tìm mua bất động sản cho giới nhà giàu Trung Quốc ở các điểm du lịch nổi tiếng như Kyoto (Nhật Bản), Bangkok, Pattaya (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia). Song, đại dịch COVID-19 khiến công việc của Yao đình trệ. Chuyến đi nước ngoài gần đây nhất của ông diễn ra cách đây 2 năm, vào tháng 3-2020.
Không thể ra nước ngoài do các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Yao và các khách hàng cùng độ tuổi đã phải bỏ trống các bất động sản ở nước ngoài hoặc cho thuê với giá bèo. Dù không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm nới lỏng các hạn chế đi lại, Yao vẫn hy vọng sớm được quay về với cuộc sống đáng mơ ước của mình, được tự do đi du lịch, đầu tư và nghỉ hưu ở các quốc gia khác - khát vọng chung của tầng lớp trung lưu Trung Quốc được sinh ra vào những
năm 1970.
“Những người sinh ra trong những năm 1960 và 1970 vẫn háo hức trở lại cuộc sống lúc trước đại dịch, như đi du lịch và đầu tư ra nước ngoài một khi đại dịch kết thúc. Thế nhưng, ý tưởng này đang giảm dần trong suy nghĩ của thế hệ trẻ” - Yao cho biết. Theo ông, nhiều người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang nỗ lực làm giàu trên chính quê hương mình. Ðơn cử như trường hợp của Jay Li. Dù chỉ ở độ tuổi 20 nhưng Li vừa chi 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 470.000USD) để trang hoàng lại căn hộ rộng 90 mét vuông ở Quảng Châu. “Căn hộ cao cấp, thiết kế sang trọng, được trang bị bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và là nơi để lưu giữ những sản phẩm có giá trị có vẻ thú vị hơn việc mua một căn hộ rộng 30 mét vuông ở một nước Ðông Nam Á với giá 500.000-800.000 nhân dân tệ” - Li bày tỏ.
Suy nghĩ của Li phù hợp với chiến lược mới Trung Quốc mà theo đó, chuyển trọng tâm phát triển kinh tế sang thị trường nội địa và thu hút tiềm năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu nước này. Yao cho hay, thế hệ Millennials (những người từ 26-41 tuổi) và Gen Z (nhóm người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997-2012) ở đất nước tỉ dân đã kiếm được tiền nhờ các khoản đầu tư vào thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến.
Không những vậy, quan điểm đầu tư cũng đang dần thay đổi giữa các thế hệ giàu có của Trung Quốc. Dù vẫn thích du lịch nước ngoài nếu các biện pháp kiểm soát biên giới được dỡ bỏ, nhưng thế hệ những người trẻ tuổi lại không hứng thú với việc mua bất động sản hoặc sống ở nước ngoài. Họ thích tập trung vào tiêu dùng và đầu tư trong nước do cho rằng tài sản của họ sẽ an toàn và dễ kiểm soát hơn.
Trước đó, báo cáo về tầng lớp trung lưu mới năm 2021 của Wu Xiaobo Channel, một trong những công ty truyền thông tài chính độc lập hàng đầu Trung Quốc, cũng có nội dung tương tự. Theo báo cáo, tầng lớp trung lưu Trung Quốc từ 40 tuổi trở lên chủ yếu phân bố tài sản ra nước ngoài và quan tâm đến di cư, chăm sóc y tế, chương trình hưu trí và cách bảo toàn của cải. Trong khi đó, nhóm người giàu có trong độ tuổi 20-30 quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, phát triển nghề nghiệp và đầu tư tài sản ở trong nước.
Gen Z chiếm khoảng 260 triệu dân Trung Quốc năm 2020, với tổng mức chi tiêu khoảng 4.000 tỉ nhân dân tệ, chiếm 13% chi tiêu hộ gia đình trên toàn quốc. Họ không chỉ sẵn sàng “móc hầu bao” cho thị trường trong nước, mà còn yêu thích, ủng hộ nhiều thương hiệu địa phương hơn so với các thế hệ trước.