07/02/2023 - 16:57

Giật mình với số tiền mua sắm cầu thủ của EPL 

BÌNH DƯƠNG

Các CLB tại giải Ngoại hạng Anh (EPL) đã chi tổng cộng 815 triệu Bảng trên thị trường chuyển nhượng mùa đông vừa kết thúc. Ðây là mùa mua sắm cầu thủ “khủng khiếp” trong mắt giới chuyên gia châu Âu.

Tiền đạo Kamaldeen Sulemana vừa trở thành cầu thủ đắt giá nhất của Southampton với phí chuyển nhượng 22 triệu Bảng. Ảnh: ghanasoccernet

Mức độ khủng khiếp đó được thể hiện qua thống kê chỉ một mình “đại gia” Chelsea đã chi tới 280 triệu Bảng, nhiều hơn 4 giải đấu lớn còn lại của châu Âu cộng lại (220 triệu Bảng). Cụ thể, các đội Ligue 1 đầu tư cho tân binh là 110 triệu Bảng, Bundesliga 60 triệu Bảng, La Liga và Serie A cùng chi 25 triệu Bảng.

Chứng kiến cách “đốt tiền” của EPL, Javier Tebas, Chủ tịch giải La Liga ở Tây Ban Nha, đã lên tiếng phàn nàn. “Chúng tôi đã đọc thông tin về sức mạnh của EPL nhưng đó chỉ là một cuộc đua dựa trên những đồng tiền của các triệu phú sở hữu các CLB. Thu nhập bình thường của các CLB Anh không đủ để họ mua sắm như thế. Hầu hết các đội EPL đều có tình trạng nhập nhằng tài chính”, ông Tebas viết trên trang Twitter hôm 1-2.

Ðể tăng tính thuyết phục, ông Tebas còn đăng video Giám đốc La Liga, Javier Gomez, phân tích việc các CLB Anh làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng. “Ở La Liga, chúng tôi muốn các CLB chi tiêu những gì họ có thể tự trả, nói cách khác là dựa vào thu nhập của chính mình. Các cổ đông được phép hỗ trợ trong những giới hạn nhất định. Còn ở Anh, về cơ bản các CLB được bơm doping. Họ được bơm tiền không phải do mình tạo ra để mua sắm. Ðiều này khiến khả năng tồn tại của CLB gặp rủi ro trong trường hợp cổ đông rời đi”, ông Gomez lập luận. Gomez chỉ trích hành động chi tiền kỷ lục của EPL là “gian lận”, qua đó ông yêu cầu Liên đoàn Bóng đá châu Âu thực hiện quy định tài chính mới để cổ đông của một CLB chỉ được đầu tư một khoản tiền nhất định và nếu vượt quá sẽ bị trừng phạt.

Ðáp lại, truyền thông Anh cho rằng EPL cũng có những quy định riêng rất nghiêm ngặt chứ không “mềm” như lời của Ramon Alarcon, Giám đốc điều hành CLB Tây Ban Nha Real Betis. Theo tờ The Athletic, những CLB Anh có nhiều tiền bởi các thỏa thuận bản quyền phát sóng của họ vượt trội so với các đội La Liga, bên cạnh những khoản lợi nhuận. Theo bảng xếp hạng doanh thu từ bóng đá mùa 2021-2022 (Deloitte Football Money League), Anh có tới 6 đội nằm trong tốp 10 và hơn 15 đội trong tốp 26. Ở bảng xếp hạng mà Manchester City đứng đầu, West Ham đạt doanh thu cao hơn AC Milan (Serie A), trong khi Brighton, Wolves và Crystal Palace đều qua mặt Sevilla (La Liga), Napoli (Serie A).

Khôn khéo trên bàn đàm phán mua sắm cầu thủ từng giúp Real Betis 3 lần lọt vào tốp 6 La Liga trong 5 mùa giải qua. Tuy nhiên, hoạt động này đang ngày càng khó khăn. Giám đốc điều hành Alarcon cho rằng nếu hai đội EPL và La Liga cùng theo đuổi một cầu thủ, thì đội EPL có thể đề nghị trả mức phí gấp đôi để có cầu thủ đó. Ngay cả đội xếp thứ 15 hoặc 16 EPL vẫn có sức mạnh tài chính lớn hơn đội đứng thứ 4 hoặc 5 ở La Liga.

Nhận định của Alarcon được củng cố bởi thông tin 4/5 đội đang đứng cuối bảng EPL đã đầu tư tới 175 triệu Bảng cho các tân binh ở phiên chợ vừa rồi. Trong số đó, CLB Bournemouth đã chiêu mộ Illia Zabarnyi, một trong những hậu vệ hay nhất ở châu Âu, với giá 20 triệu Bảng, mức phí nằm ngoài tầm với của phần lớn các đội La Liga.

Chia sẻ bài viết