15/07/2015 - 20:51

Giảm nguy cơ thiệt hại do thiên tai

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp. Các loại hình thiên tai xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn gây ra những thiệt hại khôn lường. Những cơn mưa, lốc xoáy, giông, sạt lở đất, ngập úng... làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như lao động sản xuất của nhân dân. Để chủ động ứng phó với các tình huống bất lợi của thời tiết, nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, TP Cần Thơ đã chủ động triển khai các kế hoạch phòng chống thiên tai.

* Thiệt hại đáng kể

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thời tiết năm 2015 sẽ có những diễn biến phức tạp, cần đề phòng giông lốc, gió giật mạnh, dự báo có nhiều cơn bão mạnh và đặc biệt là siêu bão. Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp nên những cơn mưa to hay lốc xoáy, triều cường dâng cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa. Ông Bùi Quang Minh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: Trên địa bàn TP Cần Thơ hằng năm đều xảy ra các loại thiên tai, chủ yếu là ngập lụt, sạt lở bờ sông, lốc xoáy, sét đánh… Trong các loại thiên tai kể trên, những năm gần đây thiệt hại do ngập lụt và sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố là đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh mạng và tài sản của người dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 8 đợt lốc xoáy làm sập hoàn toàn 4 căn nhà và tốc mái 35 căn làm 3 người bị thương; 14 điểm sạt lở làm hư hại hoàn toàn 10 căn nhà với tổng thiệt hại khoảng 2,6 tỉ đồng.

 Ép cừ tràm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Sạt lở bờ sông đã trở thành vấn nạn mà người dân, chính quyền địa phương, các ngành chức năng TP Cần Thơ luôn lo lắng, tìm biện pháp khắc phục. Hiện TP Cần Thơ đang vào mùa mưa, lũ, triều cường ở các sông, rạch dâng cao, có khả năng gây vỡ đê bao, sạt lở đường giao thông, bờ sông... Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, như: Cái Răng, Phong Điền, Bình Thủy, Ô Môn… Nhiều căn nhà sụp đổ hoàn toàn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Thiên tai không những gây thiệt hại về kinh tế, tổn thương về tinh thần mà còn gây nên vô vàn khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt cũng như lao động, sản xuất. Tình trạng ngập lụt tại Cần Thơ những năm qua tăng lên cả về độ ngập, thời gian ngập và mức độ thiệt hại do ngập úng. Hằng năm vào mùa mưa kết hợp triều cường, nhiều khu vực ở nội ô thành phố như chìm trong biển nước. Thực trạng này đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động kinh tế - xã hội đặt biệt là giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị của thành phố. Theo phản ánh của hộ kinh doanh ở một số tuyến đường thường xuyên bị ngập nghẹt tại quận Ninh Kiều, những cơn mưa kéo dài dẫn đến tình trạng ngập nước việc mua bán gặp rất nhiều khó khăn chưa kể đến hàng hóa bị thiệt hại do ngập trong nước.

Tại các huyện ngoại thành, vào mùa mưa bão, nông dân nơm nớp lo sợ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố trong 5 năm gần đây từ 2010-2014, diện tích rau màu bị ngập là 692ha và diện tích cây ăn quả bị ngập là 10.525ha. Huyện Phong Điền với diện tích vườn cây ăn trái lớn, trong đó vẫn còn một số nơi chưa có hệ thống đê bao khép kín đối diện với nguy cơ ngập lụt, gây thiệt hại đến đời sống kinh tế nông hộ. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn huyện thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Hiện cơ sở hạ tầng xã hội vẫn còn bất cập trước thiên tai, chưa đảm bảo ổn định khi có thiên tai tác động dễ bị hư hỏng gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân. Cụ thể, trên địa bàn huyện còn khoảng 1.500ha vườn cây ăn trái chưa có hệ thống đê bao đảm bảo, có nguy cơ bị ngập khi có lũ lớn xảy ra. Hệ thống đê bao Ô Môn – Xà No khi hoàn thành sẽ giúp hệ thống giao thông và thủy lợi trên địa bàn 2 xã Nhơn Ái và Tân Thới, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, khu vực bên ngoài hệ thống đê bao sẽ bị ngập sâu trong các đợt triều cường khi vận hành các cống. Do vậy, để đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân trong cần UBND thành phố xem xét hỗ trợ nâng cấp tuyến lộ Vòng Cung và hoàn chỉnh hệ thống đê bao…

* Sẵn sàng ứng phó

Để ứng phó với các tình huống bất lợi của thời tiết, nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều phương án dài hơi ứng phó. Nhiều công trình kè sông được thực hiện, như: bờ kè Xóm Chài; bờ kè sông Cần Thơ; bờ kè sông Ô Môn, Thốt Nốt... góp phần hạn chế tình trạng nhà xây dựng dọc theo sông, ngăn chặn tình trạng sạt lở, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. UBND thành phố xây dựng nhiều dự án, tìm giải pháp chống ngập úng. Đảm bảo sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp tiến hành vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Quang Minh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động đối phó với thiên tai và khắc phục kịp thời, hiệu quả khi có thiên tai xảy ra; đặc biệt là việc thực hiện di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng có nguy sạt lở cao. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN bám sát chỉ đạo của các cấp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và TKCN hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố. Vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) huy động sức mạnh của các ngành, các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Phục vụ công tác PCTT-TKCN, hằng năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đều có hợp đồng với Đài Khí tượng thủy văn thành phố đo đạc, thu thập, cung cấp số liệu khí tượng thủy văn trong mùa mưa. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đang phối hợp với các sở ban, ngành và quận, huyện tổ chức xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh (bão cấp 12) sát với tình hình thực tế trên địa bàn thành phố.

Trước mùa mưa bão, các địa phương quan tâm, chú trọng công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Huyện thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, các bản tin dự báo thời tiết. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cho cộng đồng dân cư để người dân nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, chống ứng phó kịp thời và có hiệu quả. Tiếp tục gia cố hệ thống đê bao, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chủ động bảo vệ sản xuất cho nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 trong mùa mưa bão.

Trong buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền về công tác phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai và các giải pháp phòng, chống thiên tai cho người dân. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" kịp thời ứng biến khi xảy ra sự cố. Đồng thời, tiến hành điều tra, thống kê toàn bộ hệ thống nhà cửa xây dựng cặp bờ sông. Trên cơ sở đó phân tích và báo động, di dời kịp thời cho người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Tùy vào tình hình thực tế địa phương có những biện pháp công trình hoặc phi công trình ngăn chặn sạt lở bờ sông. Chi cục Thủy lợi thành phố tham khảo các đơn vị, cơ quan chọn Phong Điền làm điểm thực hiện giải pháp phi công trình bằng cách chọn cây xanh và cách trồng tăng bồi đắp, giảm xói lở…

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

* Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia:
Sẵn sàng ứng phó và tăng cường tuyên truyền thông tin về thiên tai

 

Cảnh báo, dự báo sạt lở là vấn đề nan giải, thành phố xây dựng dự án mạng quan trắc kết hợp mạng máy tính đưa ra cảnh báo sớm những điểm có nguy cơ sạt lở. Theo một số nghiên cứu cho thấy, các đô thị, thành phố càng lớn xảy ra giông càng mạnh. Điều này không thể dự báo mà chỉ có thể cảnh báo vì diễn ra quá nhanh. Do đó, thành phố cần chuẩn bị hình thức đối phó và tuyên truyền thông tin một cách nhanh nhất. Đây là công việc cần làm trong tương lai.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tích cực hỗ trợ cơ sở vật chất để tiến đến tự động hóa trong công tác đo đạc, thu thập, số liệu khí tượng, thủy văn trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ thiệt hại…

*Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ:
Chuẩn bị mọi mặt cho công tác dự báo khí tượng, thủy văn

 

Đầu quý II/2015, Đài KTTV TP Cần Thơ đã kiểm tra độ an toàn các thiết bị; thực hiện chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy tính, thiết bị thông tin liên lạc để đảm bảo việc thu thập số liệu, cảnh báo, dự báo thiên tai; kiểm tra thiết bị đo tại các trạm tự động. Đến nay, hệ thống trạm tự động hoạt động ổn định, số liệu được cập nhật thường xuyên.

Đài KTTV TP Cần Thơ tiến hành bổ sung, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và phương án dự báo. Rà soát và tự đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy trình, quy định về dự báo khí tượng thủy văn. Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống và phục vụ phòng chống thiên tai năm 2015. Đài KTTV TP Cần Thơ cũng thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố kịp thời báo cáo và thông tin tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai:
Xây dựng kế hoạch cụ thể ứng phó thiên tai

 

Hằng năm, địa phương chủ động, xây dựng triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng" nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những diễn biến thất thường của thời tiết.

Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN xã phân công cụ thể từng cán bộ chỉ đạo từng ấp; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả. Thực hiện chế độ trực 24/24 giờ và kiểm tra, thống kê số phương tiện cứu hộ để phục vụ trong mùa mưa bão. Các ấp rà soát, xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng. Xã phân công cán bộ nông nghiệp, thủy lợi chỉ đạo sản xuất phù hợp theo thời vụ, nâng cấp bờ đê, các tuyến đường bị ngập hằng năm… hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ, bão. Song song đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tích cực chủ động trong phòng, chống thiên tai.

*Ông Nguyễn Văn Tài ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt:
Đừng để mưa đến là lo!

 

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, vào mùa mưa kéo dài kèm theo giông, gió mạnh; các cơn bão xảy ra nhiều hơn. Mưa lớn, kéo dài không chỉ làm nhiều trà lúa đổ ngã, tiến độ thu hoạch cũng bị ảnh hưởng do mưa; chất lượng lúa giảm, chi phí thu hoạch cũng sẽ gia tăng… Ngoài ra, nông dân phải chuẩn bị sẵn các máy bơm để bơm rút nước tránh thiệt hại do ngập nước đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao.

Để giảm thiệt hại trong sản xuất, nông dân theo sát tình hình thời tiết để chủ động phòng, tránh. Hy vọng, thời gian tới, dự báo thời tiết ngày càng chính xác, kịp thời và ngành nông nghiệp hỗ trợ để nông dân phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão.

T.T

Chia sẻ bài viết