03/03/2011 - 20:48

Giám đốc nông dân

Ông Trần Văn Chất (bìa trái) Giám đốc doanh nghiệp Văn Chất.

Từ một nông dân nghèo khó ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nhờ mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, ông Trần Văn Chất chẳng những giúp gia đình thoát nghèo mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi khác. Ở doanh nghiệp mang chính tên ông: Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Văn Chất. Vừa rồi, ông được vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Trà Vinh dự hội nghị biểu dương chủ trang trại và doanh nghiệp nông thôn tại Hà Nội.

Ở xã Hưng Mỹ quê ông, không nhiều người được học hành đến nơi đến chốn, kinh tế chỉ trông vào mấy công lúa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Gia đình ông hai Chất cũng không thoát được cái vòng lẩn quẩn chạy gạo từng bữa. Năm 1996, không chịu nỗi cảnh sống quá bấp bênh, ông quyết tâm làm một “cuộc cách mạng” đưa hai đứa con lên Vĩnh Long học nghề dệt sợi. Đây cũng là mốc đánh dấu sự đổi đời của gia đình ông. Được một năm thì ông triệu tập hai con về, ông bảo học như vậy là “hết sách” rồi, phải thực hành mới giỏi được. Thế là ông mở xưởng, nói xưởng cho oai chứ lúc đó mới có đúng một khung dệt, 6 tháng sau tăng thêm được 4 khung, sản phẩm chủ yếu là chiếu lác.

Ông cười nhớ lại: “Dân trong làng thấy tôi làm chiếu lác cũng khoái lắm, chưa biết hàng tốt hay xấu nhưng làm ra đến đâu họ mua hết đến đó để ủng hộ”. Được một thời gian, thấy sản phẩm làm ra bắt đầu “có tiếng”, tôi quyết định dấn thêm bước nữa - đi tìm đối tác xuất khẩu. Phải làm vậy mới được, vì khi con cá nhỏ nuôi ở ao nhỏ là được, nhưng muốn nó lớn lên phải thả vào ao lớn cho đủ chỗ để nó vẫy vùng. Vậy là Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Văn Chất ra đời”.

Nghĩ mình giờ là doanh nghiệp rồi, phải lo được cuộc sống cho người lao động, phải tự đi tìm đối tác làm ăn, không thể ngồi chờ khách hàng tự đến. Thế là ông tìm đến gõ cửa hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để chào hàng, doanh nghiệp bảo làm gì, đưa cho mẫu mã là ông đem về làm. Ông kể, do thiếu kinh nghiệm, có lần đến Hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Vĩnh Long, sau khi nghe ông “quảng cáo” về doanh nghiệp mình , ông chủ nhiệm hợp tác xã hỏi: “Vậy hàng ông của ông đâu?”, ông bối rối mãi mới nói: “Đây, tôi có hai bàn tay và cái gật đầu nè!”. Không ngờ câu trả lời đó làm ông chủ nhiệm hợp tác xã khoái ông luôn. Thế là đơn đặt hàng 800 tấm thảm lục bình trải nền được ký kết ngay... Có được hợp đồng rồi, ông lại quay sang tính toán, từ chi phí nguyên liệu phải mua tận Đồng Tháp, An Giang... rồi chi phí nhân công, công vận chuyển thật chi li và rồi hợp đồng cũng được bàn giao cho đối tác đúng hẹn. Từ uy tín có được, đến nay ông đã nhận hàng gia công thường xuyên cho 4 công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh. Từ cơ sở ban đầu với 4 khung dệt, nay doanh nghiệp của ông đã phát triển lên 80 khung và 4 cơ sở nữa ở huyện Cầu Ngang, Càng Long và Châu Thành với 150 lao động làm thường xuyên lương tháng bình quân từ 800.000 - 900.000 đồng/người và 170 lao động làm thời vụ lương khoảng 600.000 đồng/người/tháng.

Tôi hỏi vui: “Vậy bây giờ ông còn đi chào hàng bằng hai bàn tay trắng nữa không?”. Ông trả lời “lúc đầu họ thấy mình mới ra nghề làm ăn mới chấm cho câu trả lời vậy thôi, chứ bây giờ mà làm vậy thì ăn “điểm không” cái chắc...”. Thật vậy, việc làm ăn ngày càng phát triển, ông càng quan tâm hơn đến “chiến lược kinh doanh”, đặc biệt là đầu tư cho sản phẩm mới. Chỉ trong năm rồi ông đã tự thiết kế ra 9 mẫu hàng mới, từ thảm bính lục bình, tấm trải lục bình, tấm trải đay, thảm cói thẳng đến giỏ xách, giỏ đựng đồ... mẫu nào cũng được bạn hàng chấp nhận. Theo kê khai doanh thu trong 3 năm gần đây, năm nào doanh nghiệp của ông cũng có doanh thu trên 1 tỉ đồng, riêng năm 2009, doanh thu lên đến 1,6 tỉ đồng. Ông nói: “Doanh thu trên 1 tỉ đồng so với doanh nghiệp nhỏ như của tôi thì phấn khởi lắm, tuy là một tấm thảm lục bình sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, công lao động, vận chuyển, thuế... chỉ lời được 2.500 đồng, nhưng nhờ hợp đồng số lượng nhiều nên vẫn có lời nhiều. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm cơ sở sản xuất và tuyển thêm nhiều lao động ở địa phương”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TÂN

Chia sẻ bài viết