08/12/2017 - 15:14

Giảm cân 10-15kg có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường típ 2 

Theo nghiên cứu mới công bố bởi tạp chí y khoa uy tín The Lancet và Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, duy trì chế độ ăn uống cung cấp hàm lượng calorie thấp có thể đảo ngược tiến triển của bệnh tiểu đường típ 2. Phát hiện này hứa hẹn cứu giúp hàng trăm triệu người đang sống chung với căn bệnh mãn tính này.

Trong nghiên cứu có tên Thử nghiệm lâm sàng về thuyên giảm tiểu đường (DiRECT), các chuyên gia tại Đại học Newcastle (Anh) đã tiến hành theo dõi 298 tình nguyện viên từ 25-65 tuổi được chẩn đoán tiểu đường típ 2 trong 6 năm qua. Họ được hướng dẫn tham gia chương trình kiểm soát cân nặng, bắt đầu bằng một chế độ ăn ít calorie, sau đó từ từ thêm thức ăn vào thực đơn và tiếp tục chế độ duy trì cân nặng, bao gồm áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức - một hình thức tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ sự ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi (cụ thể ở đây là hành vi ăn uống). Kể từ khi bắt đầu, bệnh nhân phải ngừng uống tất cả các loại thuốc chống tiểu đường và hạ huyết áp.

Kết quả kiểm tra sức khỏe 1 năm sau đó cho thấy khoảng 20% số người tham gia DiRECT đã giảm được 15kg thể trọng. Trong đó, 46% đã giảm bệnh, trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng áp dụng những liệu pháp điều trị tiểu đường típ 2 tốt nhất hiện thời chỉ có 4%. Nhìn chung, việc tiêu thụ từ 825-850 calorie/ngày trong 3-5 tháng đã giúp gần 50% số bệnh nhân thuyên giảm bệnh. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân Isobel Murray (65 tuổi), người đã giảm hơn 25kg từ số cân nặng ban đầu là 95kg và hiện không cần đến thuốc trị tiểu đường nữa. “Tôi đã lấy lại cuộc sống của mình”, bà Murray phấn khởi nói. Trước khi tham gia DiRECT, huyết áp của bệnh nhân này quá cao và bác sĩ thường phải tăng liều thuốc điều trị mỗi khi bà đến khám sức khỏe.

 “Trước khi chúng tôi bắt đầu công trình này, các bác sĩ và giới chuyên gia đánh giá tiểu đường típ 2 là không thể chữa khỏi. Nhưng nếu chúng ta dũng cảm đương đầu với khó khăn và đưa bệnh nhân khỏi tình trạng nguy hiểm (thừa cân hoặc béo phì), thì bệnh tình của họ có thể thuyên giảm”- Giáo sư Roy Taylor, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Còn Giáo sư Mike Lean đến từ Đại học Glasgow (Scotland) thì nhận xét: “Thật là thú vị. Bây giờ chúng ta có bằng chứng rõ ràng rằng giảm cân từ 10-15kg là đủ để đảo ngược căn bệnh này”.

Bà Murrey không còn nghĩ mình là bệnh nhân tiểu đường nữa. Ảnh: BBC

Theo nhóm nghiên cứu, việc dung nạp quá nhiều calorie dẫn đến tình trạng gan tích mỡ và sản xuất ra lượng glucose (đường trong máu) quá nhiều. Lượng mỡ dư thừa sau đó chuyển đến tụy, gây ảnh hưởng tới các tế bào sản xuất insulin vốn có tác dụng làm giảm nồng độ glucose trong máu. Điều này đồng nghĩa những tác động từ việc dung nạp quá nhiều calorie gây ra tiểu đường. Do vậy, chế độ ăn kiêng giảm mỡ được cho là giúp tụy hồi phục chức năng và đẩy lùi bệnh.

Trên thực tế, kiểm soát lượng calorie tiêu thụ hoặc ăn kiêng là phương pháp ngày càng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó, chế độ ăn kiêng 5: 2 (hay “The Fast Diet”, do Tiến sĩ Michael Mosley thiết kế) nổi tiếng nhất trong các phương pháp ăn uống chống lại tiểu đường típ 2. Đây là chế độ ăn gián đoạn, sau 5 ngày ăn uống bình thường thì tiếp tục 2 ngày ăn kiêng chỉ với 800 calorie.

Cũng liên quan đến việc đối phó với bệnh tiểu đường, các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (Israel) mới đây phát hiện duy trì thói quen ăn sáng thích hợp cũng cải thiện nồng độ glucose và insulin, giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường típ 2.

Nhóm chuyên gia yêu cầu 36 bệnh nhân tiểu đường (phân nửa bị béo phì) áp dụng chế độ ăn uống khác nhau, ăn đủ bữa sáng và bữa trưa hoặc chỉ ăn mỗi bữa trưa. Sau khi xét nghiệm máu để đánh giá các gien có liên quan đến đồng hồ sinh học trong cơ thể và nồng độ glucose cùng insulin của những người tham gia, nhóm chuyên gia phát hiện việc bỏ bữa sáng khiến những gien có liên quan đến cơ chế giảm cân ít biểu hiện hơn dẫn đến tăng nồng độ glucose. Điều này khiến bệnh nhân dễ tăng cân bất kể họ ăn gì vào thời gian còn lại trong ngày. Trái lại, việc ăn sáng giúp kích hoạt các gien liên quan đến cơ chế giảm cân, cũng như cải thiện nồng độ glucose và insulin.

“Thời điểm ăn uống hợp lý - chẳng hạn như ăn sáng trước 9 giờ 30 - có thể cải thiện toàn bộ quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp giảm cân và làm chậm lại các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường típ 2 và những bệnh liên quan đến tuổi tác khác”- tác giả nghiên cứu Daniela Jakubowicz cho biết.

Được biết, số bệnh nhân tiểu đường típ 2 trên toàn cầu đã tăng từ 108 lên 422 triệu ca trong giai đoạn 1980-2014 và được dự báo là sẽ tăng vọt tới 642 triệu ca vào năm 2040. Theo BBC, cứ 11 người trưởng thành trên thế giới thì có 1 người bị tiểu đường, chủ yếu là tiểu đường típ 2.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail, BBC)

Chia sẻ bài viết