Bệnh cháy bìa lá hay còn gọi là bệnh bạc lá lúa là một trong những loại bệnh do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây lúa, với khả năng làm giảm năng suất lúa từ 2-74%. Mới đây các nhà khoa học hàng đầu thế giới và trong nước đã tham dự Hội nghị khoa học Quốc tế về bệnh bạc lá lần thứ 6 tại TP Cần Thơ do Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức. Tại đây, các kết quả nghiên cứu, những định hướng hợp tác nhằm góp phần hạn chế thiệt hại do bệnh này gây ra trong sản xuất lúa gạo tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã được trình bày, thảo luận sôi nổi.
Thách thức từ bệnh cháy bìa lá
Trên thế giới, bệnh cháy bìa lá đã lan truyền ra nhiều vùng sản xuất lúa và có thể gây hại lên đến 74% năng suất. Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đối với Việt Nam, trong vụ mùa ở miền Bắc có nhiều các giống lúa bị thiệt hại nghiêm trọng bởi vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá và ảnh hưởng sang cả vụ xuân. Những năm gần đây, mật độ vi khuẩn này tăng lên rất cao ở các vùng sản xuất lúa cộng với tác động của biến đổi khí hậu khiến cho bệnh không dừng ở việc gây hại ở phía Bắc mà đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Nam Trung bộ. Đối với các bệnh do vi khuẩn gây ra, các biện pháp phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật là rất khó khăn và khi sử dụng kháng sinh để phòng trừ bệnh, hiệu quả chỉ đạt từ 50-60%. Mặt khác, bệnh cháy bìa lá xâm nhập rất nhanh và đồng loạt, không có ổ bệnh ban đầu nên rất khó cho nông dân phát hiện và chủ động phòng trừ.
Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây hại ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát, người sản xuất gặp không ít khó khăn và tốn kém trong việc quản lý đối tượng gây hại này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Phong Lan, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam trung bình có từ 50.000-60.000ha diện tích lúa bị bệnh cháy bìa lá trên mỗi vụ. Đây là vấn đề người làm công tác quản lý rất lo lắng trong điều kiện diện tích lúa chất lượng cao đang được mở rộng. Gần như các giống lúa chất lượng cao đều bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá và hiện chưa tìm ra giống lúa kháng hoàn toàn với bệnh này.
Chia sẻ về 4 thập kỷ nghiên cứu hợp tác để sản xuất lúa gạo bền vững, Tiến sĩ Casiana Vera Cruz, Viện Lúa Quốc tế IRRI, cho biết: Bắt đầu từ những năm 1960, đã có các nghiên cứu về gen kháng bệnh cháy bìa lá trên các quần thể lúa ở nhiều vùng canh tác ở các quốc gia khác nhau. Công tác nghiên cứu được hỗ trợ của các tổ chức, các chương trình quốc gia ở châu Á. Sau đó tiếp tục được thực hiện ở Mỹ và châu Âu từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 2000 thông qua sự hỗ trợ của Nhóm tư vấn nông nghiệp Quốc tế (CGIAR)… Từ sau năm 1990, chỉ thị phân tử cho bản đồ gen kháng bệnh cháy bìa lá được phát triển. Các chương trình lai tạo giống lúa mang gen kháng bệnh cháy bìa lá cũng được mở rộng ở các quốc gia và thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, tạo ra mạng lưới nghiên cứu ở châu Phi và châu Á. Kết quả nghiên cứu của giai đoạn này là tìm ra gen mới có tính kháng tốt hơn đối với bệnh cháy bìa lá và lập ra bản đồ di truyền cho gen kháng mới.
Trước thực tế diện tích trồng lúa chất lượng cao đang được định hướng phát triển mở rộng đáp ứng thị trường gạo cao cấp, việc xác định giải pháp quản lý hiệu quả dịch hại này là vấn đề rất cấp thiết. Trong đó, việc tranh thủ tiếp cận kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của thế giới là rất quan trọng.
Tạo giống lúa mang gen kháng bệnh
Thực tế sản xuất, hiện nay bệnh cháy bìa lá chưa có biện pháp nào có thể khống chế hoàn toàn. Các nhà khoa học khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp để quản lý dịch hại này. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong quản lý tổng hợp, việc sử dụng giống lúa kháng bệnh cháy bìa lá được ưu tiên lựa chọn với các giống lúa có sức đề kháng tốt, có sức chống chịu và phù hợp với điều kiện địa phương. Hai là áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý như sạ vừa phải, bón phân cân đối, quản lý đất và nước hợp lý như tạo điều kiện thoát nước tốt nhất là trong điều kiện mưa bão. Viện Lúa ĐBSCL đang có các chương trình lai tạo để tích hợp các gen kháng bệnh cháy bìa lá và đánh giá sự thay đổi độc tính của những chủng nòi vi khuẩn Xanthomonas oryzae ở vùng ĐBSCL để có những định hướng đưa nguồn gen kháng bệnh thích hợp với từng vùng sinh thái. Từ đó lai tạo ra những giống lúa vừa chất lượng cao vừa mang được gen kháng bệnh cháy bìa lá.
Viện Lúa ĐBSCL khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa trong đó có bệnh cháy bìa lá.
Một khó khăn đối với bệnh cháy bìa lá là vi khuẩn Xanthomonas oryzae rất nhanh tạo ra chủng nòi mới để đối phó với các tác động kháng lại nó của cây lúa. Khi tạo ra giống lúa kháng bệnh thì vi khuẩn này cũng tạo ra những chủng nòi mới để gây bệnh. Vì vậy nỗ lực của thế giới cũng như các nhà khoa học trong nước hiện nay là tích hợp được càng nhiều gen kháng vào một giống lúa càng tốt. Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, giải pháp hiệu quả nhất của nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam là tạo ra các giống lúa kháng bệnh. Mức độ thành công của việc tạo ra giống kháng là rất cao bởi lẽ thế giới đã rất thành công trong việc phát hiện ra các gen kháng bệnh cháy bìa lá trên lúa và đã phân lập ra hơn 40 loại gen như vậy. Đồng thời, tạo ra các giống lúa mang đơn gen tức là chỉ có gen kháng bệnh cháy bìa lá để có thể các nhà khoa học dễ dàng lai tạo, chuyển gen kháng bệnh này vào các giống lúa có năng suất chất lượng cao hoặc các giống lúa ưu tú đã lai tạo được.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến sản xuất lúa của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Và trong điều kiện mưa bão, diễn biến thất thường của thời tiết, bệnh cháy bìa lá rất dễ lây lan trên diện rộng. Giáo sư Jan E. Leach, Trường Đại học Colorado (Mỹ), chia sẻ: Các nghiên cứu cho thấy sự tăng nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra bệnh bạc lá. Tuy nhiên, cũng có những giống lúa mang gen kháng bệnh cháy bìa lá, nhưng tính kháng không bị tác động bởi nhiệt độ cao. Do đó, các nghiên cứu sắp tới có thể tập trung vào việc xác định nguồn gây bệnh, tìm hiểu cơ chế của gen kháng bệnh cháy bìa lá và tìm ra phương thức chọn giống lúa kháng bệnh trong bối cảnh ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN