13/02/2020 - 10:31

Giải pháp phát triển kinh tế trước sự tác động dịch bệnh Covid-19 

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên mới COVID-19 ngày 11-2) gây ra đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế của nhiều địa phương, trong đó có TP Cần Thơ. Đó là, lượng khách du lịch giảm mạnh, nông sản không tiêu thụ được khi đến vụ thu hoạch... Đây là những vấn đề đặt ra tại cuộc họp báo cáo về tác động do dịch COVID-19 đối với kinh tế TP Cần Thơ, diễn ra ngày 12-2.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết, khách Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% khách quốc tế đến Cần Thơ, thành phố cũng chưa phát hiện dịch bệnh nhưng dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến ngành du lịch của địa phương. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp lữ hành, trong tháng 1-2020 có khoảng 50% khách hủy tour, tháng 2 khoảng 90% tour đến Cần Thơ đều bị hủy. Theo thống kê từ các cơ sở lưu trú, doanh thu từ ngày bùng phát dịch bệnh COVID-19 giảm từ 30-50%; các khu điểm du lịch: Mỹ Khánh, Cồn Sơn, Vàm Xáng, Lung Cột Cầu... lượng khách chỉ bằng 20%, so với cùng kỳ 2019. Để kích cầu du lịch, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, khu vui chơi giải trí thực hiện giảm giá kích cầu du lịch.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trao đổi với các sở, ngành về thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế trước sự ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Vận tải đường bộ và đường thủy cũng giảm sâu cả số chuyến và số lượt hành khách. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện có rất ít khách đi lại, đơn vị rơi vào tình trạng thu không đủ chi... Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải mong thành phố có chính sách hỗ trợ, đồng thời làm việc với ngành ngân hàng để có chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn định trở lại sau dịch. Đồng thời, đẩy mạnh kích cầu du lịch nhằm thu hút khách đến Cần Thơ.

Cục Thuế TP Cần Thơ cho biết, mặc dù chưa có khai báo thuế tháng 1 (do thời điểm khai thuế cuối tháng 2) nhưng thông qua các báo cáo sơ bộ từ các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn đều cho biết, tình hình kinh doanh giảm mạnh, dự kiến giảm khoảng 70% thuế trong tháng 1 và 2. Cục Thuế làm việc với 2 nhà máy sản xuất bia Sài Gòn trên địa bàn thành phố nhận thấy doanh số của 2 đơn vị sụt giảm. Dự kiến năm 2020 nguồn thu thuế từ 2 đơn vị này khoảng 900 tỉ đồng, nhưng hiện nay 2 đơn vị này cho biết dự kiến chỉ đạt 50%.

Theo Ban Quản lý Các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, trong các khu công nghiệp tại Cần Thơ có 7 doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan với 24 lao động, trong số có 2 lao động không về quê ăn Tết, 7 trường hợp về quê đã nhập cảnh lại Việt Nam, đang tự thực hiện cách ly. Còn 15 trường hợp còn lại vẫn chưa nhập cảnh lại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên hiện nay vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, sản xuất công nghiệp của thành phố chưa chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, các mặt hàng gạo, thủy sản xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của doanh nghiệp nhập khẩu từ Cần Thơ, chủ yếu là nguyên liệu dược, nông dược, thuốc thú y, phân bón, hóa chất và nguyên liệu may dự kiến đủ sản xuất hết quý I-2020. Tuy nhiên, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của các mặt hàng nông, thủy sản, trước tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân. Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho thấy, do ùn ứ tại cửa khẩu, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc: mít, thanh long, xoài, dưa hấu gặp nhiều khó khăn về giá và tiêu thụ. Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản (cá tra) cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thương lái thu mua hạn chế. Giải pháp trong thời gian tới, bên cạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới đa dạng hóa kênh xuất khẩu...

Qua đánh giá tác động ảnh hưởng các ngành kinh tế do ảnh hưởng dịch COVID-19 từ sở, ngành cho thấy, nền kinh tế Cần Thơ đã bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành du lịch. Từ ngành du lịch sụt giảm, kéo theo ảnh hưởng nhiều ngành kinh tế: dịch vụ, vận tải... Mặc dù Cần Thơ chưa bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài cũng sẽ gây khó khăn do nguồn nguyên liệu sản xuất dự trữ, tiêu thụ nông sản sụt giảm...

Trước tình hình này, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, lưu ý, các đơn vị không nên chủ quan phải chủ động, đánh giá những tác động có thể xảy ra nếu tình hình dịch bệnh kéo dài để tránh trường hợp bị động. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đánh giá toàn diện, tổng thể đối với tác động dịch bệnh đối với kinh tế thành phố, trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến của các sở, ngành để tham mưu cho thành ủy, ủy ban có phương án ứng phó kịp thời. Viện Kinh tế Xã hội phải có nghiên cứu sát với thực tế, đặt ra tình huống trong tương lai nếu dịch bệnh kéo dài. Đối với các ngành công thương, du lịch, nông nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch chuyên ngành nhằm tránh bị động. Trong đó, ngành du lịch cần có phương án kích cầu du lịch sao cho sát thực tế để đạt hiệu quả cao. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại cần nghiên cứu tìm thị trường mới cho hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản. Cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm soát nhằm tránh trường hợp trục lợi tăng giá bán các mặt hàng y tế hỗ trợ phòng chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch chủ động chống dịch do hiện nay một số địa phương đang xảy ra dịch cúm
gia cầm...

Bài, ảnh: NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết