25/09/2008 - 08:17

Giải pháp nào hạn chế đình công tự phát ?

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ đình công, đa số đều mang tính tự phát, không do tổ chức công đoàn lãnh đạo và không tuân thủ theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Hậu quả là không chỉ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tình hình an ninh trật tự chung của xã hội. Làm gì để hạn chế tình trạng đình công tự phát đang là vấn đề cần được các ngành chức năng của thành phố quan tâm.

ĐÌNH CÔNG GIA TĂNG

Ngày 2-9-2008, khoảng 300 công nhân lao động (CNLĐ) thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (tọa lạc Khu công nghiệp Trà Nóc 1) tiến hành đình công. Nguyên nhân của cuộc đình công này là do công ty điều động công nhân làm việc ngày nghỉ lễ mà không thông báo trước; cách tính tiền lương làm thêm không rõ ràng; tình trạng tăng ca, làm thêm giờ diễn ra thường xuyên... Tiếp đó, từ ngày 4 đến ngày 6-9-2008, tại Công ty TNHH Ấn Độ Dương (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) cũng đã xảy ra đình công, với hơn 800 CNLĐ tham gia. Nguyên nhân là do phía công ty không công khai trong việc thực hiện chế độ lương, định mức lao động, đơn giá tiền lương/đơn vị sản phẩm... Ngoài ra, NLĐ còn bất bình trước việc họ làm việc đã lâu nhưng công ty không ký kết hợp đồng lao động, không được tham gia tổ chức công đoàn, không được hưởng chế độ làm thêm giờ, tăng ca theo qui định. Trước đó không lâu, ở Công ty TNHH Thái Bình Dương, NLĐ cũng tiến hành đình công đòi quyền lợi. (Công ty TNHH Ấn Độ Dương và Công ty TNHH Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn Nam Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản với nhu cầu tuyển dụng hơn 9.000 công nhân - PV). Trong tháng 8-2008, cơ quan chức năng đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ở công ty này. Qua đó, Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm ở công ty như không ký hợp đồng lao động, không thực hiện đầy đủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho NLĐ.

Nhìn chung phần lớn các vụ đình công trên địa bàn thành phố trong thời gian qua thường xảy ra ở các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tập trung đông công nhân. Điều đáng ghi nhận là sau khi xảy ra đình công, các cơ quan chức năng luôn có mặt kịp thời để giải quyết và các DN cũng cam kết thực hiện các yêu cầu của NLĐ.

NGUYÊN NHÂN ĐÌNH CÔNG

Ông Ngô Thuận Thiên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thốt Nốt, cho biết: Các vụ đình công thời gian qua trên địa bàn huyện chủ yếu xuất phát từ việc DN không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật lao động như: Không ký hợp đồng lao động với công nhân, không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, môi trường làm việc không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động... Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH Thái Bình Dương, sử dụng hơn 6.400 CNLĐ, nhưng chỉ ký hợp đồng lao động và mua bảo hiểm xã hội cho khoảng 1.300 CNLĐ. Ngoài ra, công ty thực hiện đăng ký sử dụng lao động và thang bảng lương với cơ quan chức năng, cũng như tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ cũng rất chậm. Từ đó, những quyền lợi hợp pháp của NLĐ không được đảm bảo, gây bức xúc, dẫn đến đình công đòi quyền lợi. Cũng theo ông Ngô Thuận Thiên, vai trò của công đoàn cơ sở hết sức mờ nhạt, phần do DN chưa tạo điều kiện thuận lợi, phần DN cố tình ép hoạt động của tổ chức công đoàn. Hầu hết người hoạt động trong tổ chức công đoàn tại các DN vẫn ăn lương của chủ DN, dẫn đến một số hạn chế nhất định, trong đó rõ nét nhất là phần lớn chưa mạnh dạn đấu tranh giải quyết các kiến nghị từ NLĐ đến người sử dụng lao động.

Nói về nguyên nhân đình công, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp Cần Thơ, cho biết thêm: “Các DN chưa chú trọng phát triển mối quan hệ với NLĐ; chưa thường xuyên trao đổi, đối thoại trực tiếp với NLĐ về các vấn đề như thang lương, giá thành sản phẩm, tiền tăng ca... thậm chí là những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để NLĐ hiểu, thông cảm. Trên thực tế, DN có qui định các khoản phụ cấp, trợ cấp, song để được hưởng các khoản này, NLĐ phải đảm bảo các quy định ngặt nghèo của DN (ngày giờ công, năng suất lao động), nếu NLĐ vi phạm sẽ bị cắt các khoản phụ cấp, trợ cấp. Vì vậy, tình trạng NLĐ bị chèn ép cộng với thu nhập không đủ chi tiêu trong cuộc sống đã dẫn đến tranh chấp lao động xảy ra”.

Đông đảo công nhân của Công ty TNHH Ấn Độ Dương bức xúc yêu cầu công ty phải thực hiện đầy đủ
quyền lợi cho công nhân theo qui định của pháp luật, vào ngày 6-9-2008. Ảnh: NG.B  

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng: Ngoài nguyên nhân thu nhập thấp dẫn đến NLĐ đình công thì còn có nguyên nhân từ việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong tuyển dụng lao động của một số DN, tạo cho NLĐ có tâm lý: “Làm ở đây không được thì nghỉ, đi nơi khác”. Mặt khác, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ còn có khoảng cách lớn, NLĐ muốn khiếu nại vấn đề gì đó chỉ được bộ phận cấp dưới tiếp nhận, giải quyết qua loa, không hiệu quả, làm cho NLĐ bức xúc. Ngoài ra, phần lớn NLĐ là lao động nông thôn mới vào nghề, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng như tập huấn về pháp luật lao động nên nhận thức hạn chế, dẫn đến khi quyền lợi bị xâm hại là tính đến việc ngừng việc, nghỉ việc để bày tỏ bức xúc của mình.

Một vấn đề quan trọng khác mà theo đại diện của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài là chủ DN thì ở nước ngoài còn Ban giám đốc chỉ là những người làm thuê. Để thực hiện một số chính sách liên quan đến NLĐ họ phải chờ lãnh đạo ở nước ngoài chấp thuận. Vì thế, việc giải quyết khiếu nại của NLĐ không kịp thời, dẫn đến NLĐ mất lòng tin.

Theo nhận xét của cơ quan chức năng, các vụ đình công diễn ra thời gian qua trên địa bàn TP Cần Thơ đều mang tính tự phát, không do tổ chức công đoàn lãnh đạo và cũng không tuân thủ theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Nói về vấn đề này, Giám đốc của một DN cho biết: “Theo qui định của pháp luật lao động, trước khi đình công phải thực hiện trung gian hòa giải, đàm phán và cuối cùng mới đình công. Đình công phải được Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Nhưng, hầu hết các cuộc đình công đều mang tính tự phát, không tuân thủ theo trình tự luật định. Khi đình công trái pháp luật xảy ra, ít nhiều đã gây thiệt hại cho DN. Tuy nhiên, cơ quan có trách nhiệm chưa xử lý hành vi đình công trái pháp luật của NLĐ cũng như buộc họ thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho DN”.

THỰC THI PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG: HẠN CHẾ ĐÌNH CÔNG

Để hạn chế tình trạng đình công tự phát xảy ra, theo ông Trần Hồng Mẫn, Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật lao động để nâng cao nhận thức cho NLĐ, người sử dụng lao động; tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn về kỹ năng lãnh đạo, giải quyết tranh chấp lao động... Khảo sát, thành lập Công đoàn trong các DN đủ điều kiện; tuyên truyền và vận động phát triển công đoàn viên mới. Thành lập Hội đồng tham gia giải quyết đình công trong hệ thống công đoàn, nắm bắt kịp thời các thông tin từ cơ sở để có thể ngăn chặn các vụ đình công tự phát”. Ông Trần Hồng Mẫn cho biết thêm: Tới đây thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo liên ngành giải quyết đình công ở cấp thành phố, cấp quận, huyện nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả vấn đề đình công. Thành lập Hội đồng Trọng tài lao động cấp thành phố giải quyết tranh chấp lao động.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ: Sở sẽ phối hợp với các ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ở các DN và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, trong đó có việc công khai tên những DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng theo bà Sương, đình công không có lợi cho cả DN và NLĐ. Do đó, DN cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động, đặc biệt là DN phải thường xuyên đối thoại với NLĐ nhằm giải quyết kịp thời những thắc mắc của công nhân, từ đó góp phần hạn chế các vụ đình công.

NHÓM PV XH – PL

Chia sẻ bài viết