28/09/2021 - 20:57

Giải pháp mở lại hoạt động dịch vụ, siêu thị, chợ truyền thống 

TP Cần Thơ chuẩn bị từng bước trở lại nhịp sống bình thường mới. Cùng với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh, siêu thị, chợ truyền thống và dịch vụ giao nhận hàng (shipping) cũng được tính toán để dần trở lại hoạt động. Các giải pháp đặt ra với mục đích tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị sớm trở lại hoạt động, trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Các mô hình chợ tạm, “chợ ra phố” phát huy hiệu quả trong việc cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Hoạt động tại chợ tạm xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. 

Cần hỗ trợ

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, thành phố có 9/9 siêu thị, 137/175 cửa hàng tiện lợi được phép hoạt động trong giai đoạn giãn cách với 2.044 người lao động. Trong đó, 954 người đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 (46,7%), 751 người đã tiêm 2 mũi (36,7%). Ðể hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, sau một thời gian quy định siêu thị chỉ được phép bán hàng bên ngoài siêu thị và bán online, ngày 20-9, Sở Công Thương đã ban hành Công văn số 2735/SCT-QLTM về việc tổ chức triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới (Công văn 2735/SCT-QLTM). Cho phép khách hàng được vào siêu thị không quá 15 người/lượt, cửa hàng tiện lợi không quá 7 người/lượt. Do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch các siêu thị gặp khó khăn trong hoạt động như: nhân viên nghỉ việc nhiều, doanh nghiệp phát sinh chi phí xét nghiệm COVID-19, doanh thu giảm, các đơn vị không thể hỗ trợ nhiều trong các hoạt động thu mua nông sản cho địa phương do khó khăn về đầu ra…

TP Cần Thơ có 105 chợ đã tạm ngưng hoạt động từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 12-7-2021). Ðể tạo thuận lợi cho người dân mua sắm thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, các địa phương thực hiện các mô hình “đưa ra chợ ra phố”, chợ tạm và bán phía ngoài chợ… Theo báo cáo sơ bộ của Phòng Kinh tế quận, huyện, tổng số ban quản lý, tiểu thương, người lao động trực thuộc chợ có 6.145 người. Trong đó, 1.224 người đã tiêm mũi 1, 14 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (chiếm 20,02%). Ðến nay còn 79,8% tổ chức cá nhân, quản lý chợ, người bán hàng, người lao động tại chợ chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong khi, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn số 4728/BCT-TTTN ngày 5-8-2021 về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, để chợ đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch người lao động và tiểu thương phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Theo thống kê của Sở Công Thương, có khoảng 1.858 nhân viên đang hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe 2 bánh (shipper) trên địa bàn thành phố. Ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động của shipper có nguy cơ lây nhiễm cao; các đơn vị kinh doanh phải trả chi phí lớn cho việc xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên; trong khi hàng hóa không vận chuyển được liên quận, huyện nên doanh thu giảm… Hỗ trợ cho loại hình hoạt động này, Sở Y tế đã tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 900 shipper.

Phục hồi từng bước

Ðể dần phục hồi lại hoạt động các loại hình này khi thành phố chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường mới. Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết, quận đang từng bước xây dựng các phương án khôi phục lại sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố số điện thoại, email để tiếp nhận thông tin, cán bộ của các phòng, ban chuyên môn trực tiếp hướng dẫn cũng như giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp chưa đồng tình trong quá trình thực hiện thủ tục phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ðối với hoạt động shipper, Sở Công Thương đưa ra đề xuất các shipper đã tiêm ngừa được 2 mũi vaccine được phép hoạt động liên quận, huyện và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Ðồng thời, Sở Y tế, các Trung tâm y tế quận, huyện hỗ trợ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các shipper và có xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính trên danh sách shipper của các đơn vị.

Ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc Siêu thị GO! Cần Thơ, kiến nghị, nên mở rộng vùng và tăng thời gian giao hàng cho các shipper, đây cũng là cách để tăng cường tiêu thụ hàng hóa cho các điểm bán. Thời gian đi làm của các nhân viên siêu thị cũng cần có quy định riêng. Thành phố chấp thuận cho các siêu thị tham gia bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp, khu dân cư để người dân được tiếp cận hàng hóa đa dạng hơn, giá tốt hơn mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội. Ðồng thời, tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” để cung ứng hàng hóa, các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu. Siêu thị cam kết, nhân viên giao hàng sẽ là nhân viên “xanh”, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và được xét nghiệm y tế theo định kỳ.

Ông Lê Nguyễn Thiên Ân, Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi, cho rằng, việc áp dụng theo hình thức khách hàng được vào siêu thị không quá 15 người/lượt, cửa hàng tiện lợi không quá 7 người/lượt chưa hợp lý, do đó mong muốn chính quyền xem xét việc áp dụng số lượt khách vào mua sắm của siêu thị theo diện tích kinh doanh thực tế của từng đơn vị. Ðể sẵn sàng kinh doanh trong hoàn cảnh mới, Trung tâm cũng chuẩn bị nhiều phương án, tuy nhiên rất cần chính quyền có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ đội ngũ nhân viên như thế nào, cách xử lý nếu nhân viên, khách hàng là F0 sao cho thống nhất...

Về lộ trình mở lại chợ, ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty CP Thương mại tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho rằng, lộ trình mở lại chợ từ ngày 1-10-2021 là hợp lý. Chợ truyền thống luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, liên quan đến thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng cần phải thận trọng, trước mắt mở bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm (thịt, cá, rau, quả, củ), chiếm khoảng 30%/trên tổng lượng lô, sạp tại chợ. Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 tháng, sau quá trình này nhìn nhận những tồn tại cũng như phát huy những cách làm hay để có biện pháp tiếp theo phù hợp hơn. Ngoài hỗ trợ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, tại mỗi chợ cần có kế hoạch và phương án phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chủ động và nhanh chóng xử lý trường hợp người nhiễm COVID-19, hạn chế lây lan rộng và ảnh hưởng hoạt động kinh doanh tại chợ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, để không bị động khi thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới, các quận, huyện cần sớm có phương án hoạt động cụ thể cho từng loại hình chợ (hạng 1, 2, chợ xã, phường quản lý…), đảm bảo theo đúng quy trình hoạt động phù hợp vừa kinh doanh, vừa phòng, chống dịch. Các siêu thị cần tuân thủ theo đúng quy định số lượng khách vào mua hàng để đảm bảo tốt phòng, chống dịch. Giao các sở, ngành, địa phương xem xét điểm nào phù hợp hay chưa phù hợp, tham mưu lãnh đạo thành phố để chỉ đạo, hướng dẫn sát với thực tế trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Sở Công Thương là đầu mối cùng với Sở Y tế xem xét ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên siêu thị, tiểu thương, người lao động tại các chợ, các shipper, tài xế… Tuy nhiên, trong điều kiện vaccine khan hiếm, các đơn vị cần xem xét ưu tiên trước cho đối tượng đang tham gia hoạt động kinh doanh...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết