14/11/2018 - 21:42

Giải pháp giảm dần rác thải nhựa - túi nilon hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững

(CT)- Ngày 14-11-2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức Hội thảo “Giải pháp giảm dần rác thải nhựa - túi nilon hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP Cần Thơ”.

Theo nhiều đại biểu, ngày nay, sử dụng túi nilon, hộp xốp, ly nhựa, ống hút… đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Bởi các sản phẩm này có nhiều ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp. Tuy nhiên, trong đó có nhiều sản phẩm sử dụng một lần rồi thải ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe con người. Các nhà khoa học cho rằng túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng; đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon, sản phẩm nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra các quy định về quản lý chất thải nhựa, nhập khẩu và quản lý phế liệu nhựa; các giải pháp giảm dần rác thải nhựa - túi nilon hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, như: tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm dần rác thải nhựa - túi nilon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường (túi bao bì giấy tự hủy), thu gom - tái chế rác thải nhựa khó phân hủy; sử dụng vật liệu đóng gói, gói quà sản phẩm bằng giấy... Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon, giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa thời gian tới.

H.VĂN

Chia sẻ bài viết