27/08/2022 - 15:17

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khu vực công cho ĐBSCL 

(CT)- Ngày 27-8, tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” và chính thức ra mắt Chương trình “UEH Mekong 2030”. Đại diện lãnh đạo UBND, sở, ngành... ở các tỉnh, thành ĐBSCL đến dự.  

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: B.NG

ĐBSCL được kỳ vọng trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khu vực công vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển của vùng. Theo GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH, giai đoạn 2015-2020, tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở ĐBSCL chỉ chiếm trên 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%; khu vực quản lý nhà nước, có 7,4% tổng số cán bộ công chức, viên chức ĐBSCL đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó 13,3% cán bộ đã qua đào tạo về trình độ quản lý Nhà nước. Toàn vùng có 17 trường đại học, 26 trường cao đẳng và 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chủ yếu đào tạo về kỹ thuật, kinh doanh, quản trị, nông nghiệp, du lịch, môi trường… nhưng phần lớn phục vụ cho khu vực tư. Điều này cho thấy, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công vẫn còn hạn chế. Do đó, UEH mong muốn phối hợp các địa phương cùng thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực công của ĐBSCL.

Đại diện các thành viên Ban chỉ đạo "UEH Mekong 2030" ra mắt tại buổi tọa đàm. Ảnh: B.NG

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo UBND, Viện, trường đại học ở các tỉnh, thành ĐBSCL thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công, như: Đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực mà các địa phương đang cần trong thời gian tới; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động; cần quan tâm tạo môi trường làm việc hiệu quả và có khả năng thăng tiến để "giữ chân" cán bộ giỏi,…  

Trong khuôn khổ tọa đàm, UEH đã chính thức ra mắt chương trình “UEH Mekong 2030” - chương trình đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 13 tỉnh ĐBSCL nhằm cung cấp nguồn đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp có chất lượng cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. "UEH Mekong 2030" sẽ triển khai 5 chương trình đào tạo, gồm: đào tạo thạc sĩ chính sách công; đào tạo thạc sĩ quản lý công; đào tạo thạc sĩ quản lý đô thị thông minh và sáng tạo; đào tạo thạc sĩ kinh tế và quản lý môi trường; chương trình công nghệ và đổi mới sáng tạo (dành cho hệ đại học và các chương trình ngắn hạn).

Để thực hiện hiệu quả chương trình, UEH và các tỉnh, thành ĐBSCL thống nhất thành lập Ban chỉ đạo "UEH Mekong 2030" với 14 thành viên là lãnh đạo một số tỉnh trong vùng ĐBSCL. GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch hội đồng trường UEH làm Trưởng ban và GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Hiệu trưởng UEH làm Phó trưởng ban chỉ đạo "UEH Mekong 2030".

* Cùng ngày, UEH tổ chức khai giảng lớp Thạc sĩ Điều hành cao cấp Chính sách công khu vực ĐBSCL. Lớp có 44 học viên, trong đó có 22 học viên đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và tương đương trở lên tại các cơ quan quản lý nhà nước đến từ 9 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL.

B.Ngọc

Chia sẻ bài viết