Chúng ta không ai không từng đối mặt với cuộc gọi không mong muốn, từ chiến dịch tiếp thị qua điện thoại, quảng cáo hoặc một số loại cuộc gọi lừa đảo. Để xác định một cuộc gọi đến là vô hại và trả lời sẽ không mất tiền là việc không hề đơn giản, tuy nhiên, có một số cách để chặn các cuộc gọi “không mời mà đến”.
Bạn có đang sống trong “thiên đường” của công nghệ?
Công nghệ phát triển đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống, nhưng nó cũng “tiếp tay” cho các công ty hay cá nhân thực hiện hàng ngàn cuộc gọi rất đơn giản để mời gọi khách hàng mà không tốn phí, thậm chí có nhiều cuộc gọi nhằm chiếm đoạt tiền của người nghe.
Kết quả là, số lượng các cuộc gọi “rác” (spam) từ robot ngày càng bùng nổ và khó kiểm soát. Nó cũng không hề khó khăn để giả mạo một số điện thoại có mã vùng giống với mã vùng nơi người nghe sinh sống. Đây là những điều rất nan giải vì nhiều người cứ nghĩ là một người quen hay doanh nghiệp địa phương đang gọi họ.
Một số hãng công nghệ đã cung cấp giải pháp để phát hiện hoặc lọc cuộc gọi “rác”, nhưng nhiều người không quan tâm. Một khảo sát không chính thức cho thấy, không có cách chặn nào cho kết quả hoàn hảo, nhưng có thể giúp giảm bớt số lượng cuộc gọi không mong muốn và cảnh báo các cuộc gọi “rác” tiềm ẩn.
Chặn cuộc gọi “rác” bằng Project Fi của Google
Đây là giải pháp đơn giản, dễ sử dụng. Khi đăng ký dịch vụ Project Fi của Google, điện thoại của bạn sẽ hiển thị màn hình màu đỏ với lời cảnh báo “suspected spam” nếu Google xác định cuộc gọi đến nghi ngờ là “rác”.
Người dùng có thể đánh dấu cuộc gọi cụ thể là “rác” để chặn hoặc cảnh báo nếu còn gọi sau đó. Nhưng vì các robot gọi “rác” thường thay đổi số điện thoại, nên tính năng này vẫn còn hạn chế. Điều đó có nghĩa là bạn phải mở điện thoại ra và xem cảnh báo nếu có một số “rác” mới được gọi đến. Đăng ký sử dụng dịch Project Fi tại https://fi.google.com.
Khóa cuộc gọi “rác” bằng ứng dụng
Ngoài Project Fi, bạn có thể xem xét cài đặt một trong các ứng dụng sau để khóa các cuộc gọi “rác”.
Should I Answer? (miễn phí, có sẵn trong Google Play):
Ứng dụng này phụ thuộc vào việc cung cấp nguồn thông tin từ người dùng để xác định số điện thoại nghi ngờ.
Khi có cuộc gọi đến từ một số không có trong danh bạ của bạn, một bảng xếp hạng sẽ hiển thị, cho thấy lịch sử tiêu cực (nếu có) trên số điện thoại đó.
Bạn có thể nghe, từ chối hoặc báo cáo số điện thoại nhận được là “rác”. Ứng dụng cũng cung cấp tùy chọn rất hữu ích để chặn tất cả cuộc gọi đến từ những số đã được xếp hạng tiêu cực hoặc các cuộc gọi ẩn danh.
Truecaller (miễn phí, có sẵn trong Google Play):
Truecaller hoạt động rất khác so với Should I Answer?, vì nó lấy danh bạ của bạn và tải lên máy chủ của công ty.
Vì danh bạ của bạn không có khả năng là người gọi spam, nên đây là cơ sở để lọc cuộc gọi “rác” hiệu quả. Nếu việc lưu danh bạ ở máy chủ của công ty không phải là mối bận tâm của bạn, Truecaller sẽ làm tốt việc xác định các cuộc gọi “rác” cho bạn.
Không có ứng dụng nào có thể loại bỏ tất cả cuộc gọi đến bằng robot, nhưng một ứng dụng như Should I Answer? hay Truecaller kết hợp với bộ lọc của nhà cung cấp dịch vụ, sẽ giúp giảm tần suất các cuộc gọi từ robot.
Ngoài ra, việc đăng ký số của bạn với “Federal Do Not Call Registry” (https://www.donotcall.gov) cũng sẽ giúp ngăn chặn các cuộc gọi từ một số nhà quảng cáo, do đó bạn cũng cần phải có một số nỗ lực nếu thấy phiền toái.
Hoàng Thy (Theo Computerworld)