Truyện ngắn: NHẬT HỒNG
"Giai nhân nan tái đắc.
Trót yêu hoa nên dan díu với tình"
Thạch bước qua khoảng sân có chút nắng xuyên qua cành lá và thấp thoáng mấy bức tượng đá với đường nét khắc họa rất tinh xảo. Hai mươi lăm tuổi, mười tám năm trong nghề đá, Thạch hiểu đá như hiểu rõ mình. Bảy tuổi, ba giao giấy nhám cho Thạch chà lên, cọ sát cùng đá. Chỉ một ngón tay của tượng Phật Quan Âm mà Thạch chà đến ba ngày vẫn không đạt yêu cầu. Ba chỉ cho Thạch cách cầm tờ giấy nhám, cách cọ sát vào đá như thế này
thế này
Khởi đầu công việc của Thạch là như vậy. Cuộc sống đã dạy cho Thạch cái đầu có hai ngăn: một ngăn tiếp thu bài toán, con chữ ở trường; một ngăn ở phân xưởng của ba. Ba luôn đắm mình trong phân xưởng đá, mọi sự giao tiếp bên ngoài xã hội giao cho mẹ. Ba nói: "Đá cũng có linh hồn, gần gũi với người, biết vui buồn". Ba chết khi tuổi tròn sáu mươi, kết luận của bệnh viện nói phổi của ba toàn là đá, sống được như vầy là cơ thể có sức đề kháng hơn người. Má khóc, nói với Thạch: "Con là con trai lớn, phải gồng gánh sự nghiệp của ba để nuôi các em". Thạch không biết nói gì hơn, nước mắt cứ lem xuống gò má. Vận dụng khoa học và công nghệ, phân xưởng tạc tượng của Thạch ngày càng phát triển. Sớm được truyền đạt nghề từ ba, Thạch có tay nghề và cái am hiểu sâu rộng về đá nên tên tuổi ngày càng lan rộng trong giới. Một hôm, người trong nghề bảo nhau:
- Có đại gia đang cần tuyển một ít tượng đá giai nhân để trưng bày trong nhà.
Giá cả được đưa ra rất cao và Thạch là một trong những tác giả được nhắm tới để đặt hàng. Tiền cọc ứng trước. Thạch nhận rồi mà trong đầu cứ miên man hai chữ "giai nhân". Thơ Cao Bá Quát có câu: Giai nhân nan tái đắc. Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Người đẹp khó gặp gỡ. Mà đâu là cái đẹp chuẩn để thổi vào đá tạo nên hồn?
Những người cùng được đặt hàng như Thạch, có người chọn tạc tượng Tây Thi, có người lấy cảm hứng từ các hoa hậu hiện đại. Còn Thạch, gần hai tháng trôi qua mà vẫn mơ hồ, chưa định hình được thế nào là "giai nhân".
***
Buồn, một hôm Thạch thay mẹ đi chợ. Lần vô xóm cá, bất chợt ai đó vỗ vai Thạch:
- Anh đi đâu đây?
Thạch quay lại, hóa ra là Liên, cô bé gần nhà, buôn bán cá trong chợ.
- Anh đi mua cá.
- Mẹ anh thích ăn cá gì? Hay để em chọn cho anh.
Liên liến thoắng chọn cá cân, làm sạch cho Thạch đem về. Thạch xách cá về, mà lòng vẫn ở lại với cô bé hàng xóm. Liên có hai em nhỏ, ba chạy xe ôm bị tai nạn. Má đảm đương chuyện buôn bán, nào ngờ mới đây lại bị tai biến. Liên mới mười bảy tuổi phải nghỉ học chạy chợ nuôi cả gia đình. Trời chưa hửng sáng, Liên đã bươn bả ra chợ. Thạch đi thể dục, chào:
- Em đi sớm vậy?
Ấn tượng với Thạch là Liên có đôi mắt đen lay láy, nụ cười ấm áp mang nét duyên kín đáo, ăn nói từ tốn lễ độ dù bon chen giữa chợ đời. Dân xóm chợ đùa: "Nếu xóm cá có chọn hoa hậu thì con Liên chắc ăn!".
Buổi sáng đi thể dục để được ngắm Liên cười trở thành thói quen của Thạch. Anh gọi đó là "nụ cười buổi sáng". Có hôm Liên bận việc nhà, đi trễ hơn thường nhật, Thạch cứ phải vòng đi vòng lại nhiều lần trên con đường quen thuộc đến khi gặp được Liên mới thôi. "Nụ cười buổi sáng", Thạch mang vào phân xưởng làm cảm hứng để thổi hồn vào đá.
Đã ba tháng trôi qua, Thạch vẫn chưa định hình được mẫu giai nhân. Một buổi sáng, Thạch lại nhận được tin Liên sắp lấy chồng. Anh ngẩn ngơ cả buổi, như người mất hồn. Thạch đã dự tính sẽ chọn lúc thích hợp ngỏ lời với Liên. Anh đã sắp đặt sẵn mọi thứ trong đầu, chỉ chờ cơ hội
Lời chưa kịp nói, mọi việc đã lỡ làng.
Suốt mấy buổi sáng, Thạch nằm bẹp, không còn tâm trí đâu để đi thể dục. Nụ cười của Liên cứ mỗi lúc mỗi thêm huyễn hoặc Thạch. Chìm ngập trong nỗi ưu tư, một ý nghĩ chợt lóe lên trong Thạch: nụ cười của Liên- giai nhân. Và Thạch bật dậy
Thạch đóng cửa nhốt mình trong xưởng đá. Anh gần như không ngơi nghỉ, không phân biệt ngày- đêm. Từ khối đá thô, những đường nét sinh động lần lượt hiện ra dưới đôi tay của Thạch. Liên như bước vào trong đá với nụ cười hồn nhiên, ánh mắt thăm thẳm, khiến ai đến xem tượng cũng thảng thốt: " Liên, cô bạn hàng cá đây mà!". Tượng đá toát lên nét đẹp trang nhã, quyến rũ với nụ cười ấm áp, thân hình thon gọn, đường nét tinh xảo. Người ta còn nhận ra giai nhân với chiếc nón lá cũ, và chiếc áo bà ba cô vẫn mặc ra chợ hằng ngày. Thạch đã thổi vào phiến đá hồn người để ai chiêm ngưỡng cũng phải mềm lòng.
***
Đúng ngày qui định, Thạch là người sau cùng mang tác phẩm đến. Mỗi tác phẩm một vẻ đẹp riêng, hội tụ đường nét của "giai nhân" từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Ai cũng tự tin với tác phẩm của mình. Chỉ có Thạch, lòng vẫn mơ hồ. Với niềm kiêu hãnh của một nghệ nhân, anh muốn tác phẩm của mình vượt trội lên trên tất cả; nhưng anh cũng luyến tiếc, nếu phải xa rời "nụ cười buổi sáng" dù chỉ là trên đá
Cuối cùng, chính Thạch là người được vị đại gia đặt hàng mời vào phòng.
- Sao anh lại chọn cô gái ở chợ cá để tạc tượng giai nhân? người đàn ông hỏi, giọng đầy thâm trầm.
Thạch xúc động:
- Mỗi người đều có một giai nhân riêng của mình. Với tôi, nét hồn hậu, tần tảo của em chính là hình ảnh cần được giữ mãi cho đời...
Thạch còn nói nhiều, nhiều nữa, như trải hết mọi tâm tình trong lòng, như người đang ngồi trước mặt anh là Liên
Người đàn ông im lặng lắng nghe, dường như ông cũng đang sống lại một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết với một mẫu "giai nhân" của riêng mình.
Như một giấc mơ, vị đại gia gợi ý trả cho Thạch cái giá hậu hĩ. Với khoản tiền đó, Thạch hoàn toàn có thể yên tâm đảm bảo cuộc sống của cả gia đình để chuyên tâm vào công việc sáng tạo trong suốt quãng đời của mình. Thế nhưng, anh đã từ chối, xin trả lại khoản tiền cọc đã nhận để được giữ lại bức tượng của mình. Không ngờ, vị đại gia từ tốn bảo:
- Anh cứ giữ lại tượng mà không cần hoàn lại cho tôi tiền cọc. Thật sự tôi đã có được giai nhân của mình
Giọng người đàn ông như nghẹn lại. Người ta kể rằng khi chiếc xe sang trọng đưa ông rời đi, ông vẫn ngoái đầu nhìn lại xóm cá như tìm kiếm lần cuối giai nhân bằng xương bằng thịt của mình.