05/04/2016 - 08:31

Lập lại trật tự Bến tàu du lịch Cần Thơ

Giải bài toán hài hòa lợi ích

 Điều tra: MAI- KHÔI- DIỄM

Bài cuối: Kiên quyết lập lại trật tự

Việc quản lý Bến tàu Du lịch Cần Thơ (Bến tàu) được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ (Công ty). Công ty có trách nhiệm quản lý, thu phí bến, phân tài chuyến. Nhưng hiện công ty chỉ quản lý được khoảng 1/3 trong tổng số hơn 100 tàu du lịch đang hoạt động ở Bến Ninh Kiều. Mâu thuẫn lợi ích giữa chủ phương tiện và Công ty cứ dây dưa, kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên.

Với quyết tâm chấn chỉnh, tìm giải pháp đưa Bến tàu Du lịch vào hoạt động nề nếp, ngày 11-3-2016, ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm việc với Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, các sở, ngành hữu quan. Đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề?

Mâu thuẫn quyền lợi

Hiện khu vực bến Ninh Kiều có 4- 5 bến tàu lên xuống khách. Trong đó, Bến tàu khách Cần Thơ và Bến tàu du lịch Cần Thơ là bến công cộng. UBND TP Cần Thơ giao hai bến này cho Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ quản lý, làm đầu mối gom các tàu hoạt động tự do vào sắp xếp tài chuyến. Riêng các bến khác, nếu các tàu hoạt động tự do muốn liên kết hoặc sử dụng bến của đơn vị nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm cấp phép, thuế, đảm bảo an toàn và trật tự trên bến sông. Theo ông Vưu Chấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, việc sắp xếp tài chuyến, đảm bảo trật tự là chủ trương của thành phố. Công ty đang phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu hoạt động tự do vào đăng ký tài chuyến. Nếu liên kết với công ty, các chủ tàu sẽ có nguồn khách ổn định, đảm bảo quyền lợi nhiều mặt. Thêm vào đó, các chủ tàu còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng phục vụ khách.

Trong khi đó, ông Tuấn, số điện thoại 0944.704.xxx, chủ tàu hoạt động tự do cho rằng Công ty chỉ "ngồi một chỗ" để nhận khách rồi điều tài chuyến cho các chủ tàu chạy. Mỗi chuyến chạy tàu thành công, theo ông Tuấn, Công ty chia với chủ tàu gần phân nửa (tức là tỷ lệ gần 50:50- PV) trong khi phía Công ty chỉ tốn vài cú điện thoại. "Chủ tàu phải đầu tư tàu máy mấy trăm triệu, tốn nhân công, xăng dầu, hằng tháng phải đóng phí, mỗi chuyến xuất bến lại tốn phí, mà Công ty ăn chia kiểu đó coi phải "chơi ép tim" tụi tui không chớ?"- ông Tuấn bức xúc. Ông Tuấn còn cho biết, Công ty cũng có đội tàu du lịch riêng nên khi sắp xếp tài chuyến, Công ty đều ưu tiên cho "gà nhà" rồi mới đến tàu của cá nhân. Đem chuyện này hỏi một số chủ tàu, ai cũng có cùng câu trả lời: "Chờ mấy "ổng" phân tài chắc "húp cháo"!".

Trò chuyện với chúng tôi, chị Tư A.- một người phụ nữ tự giới thiệu đã có gần 11 năm làm nghề chạy tàu du lịch, hiện có đến 6 chiếc tàu đủ kích cỡ, cho biết, chị vẫn liên kết với Công ty nhưng không trông mong nhiều. Bởi theo chị, nếu gom hết tàu vô bến ngồi đợi xếp tài có khi mấy ngày không được chuyến nào. Trong khi khách "mối" bao lâu nay phải nhường hay đợi xếp chuyến mới được đi. Vì vậy, dù liên kết với Công ty, nhưng chị vẫn "tác chiến" riêng vì chị có nguồn khách quen và liên kết với các đơn vị du lịch, lữ hành ở TP Hồ Chí Minh.

 Nhiều du khách không mặc áo phao, ra trước mũi tàu đứng rất nguy hiểm. Ảnh: DK

Việc tập trung các chủ phương tiện đưa đón khách tham quan tại Bến Ninh Kiều vào đầu mối để quản lý, phân tài, xếp bến là quyết tâm của ngành chức năng Cần Thơ trong nhiều năm qua nhằm lập lại trật tự, mỹ quan ở Bến tàu nói riêng và Bến Ninh Kiều nói chung; đồng thời đảm bảo quyền lợi và an toàn cho du khách. Tuy nhiên, việc thực thi hết sức chật vật chính bởi những mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị quản lý và chủ phương tiện.

Trong cuộc họp ngày 24-3 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ với các chủ phương tiện vận chuyển đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, các chủ phương tiện cũng không đồng ý việc phải chịu sắp xếp tài chuyến từ Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ. Bà Đặng Thị Lụa, Công ty TNHH MTV Phước Lụa, cho biết: "Tôi có công ty riêng, đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, đóng thuế đầy đủ. Theo chủ trương của thành phố, tôi đồng ý đăng ký lên xuống bến bãi ở Bến tàu Du lịch Cần Thơ nhưng đưa vào xếp tài chuyến thì không đồng tình vì tôi đã có nguồn khách ổn định". Anh Nguyễn Văn Vũ, Công ty TNHH MTV Nguyễn Vũ, cũng khẳng định: "Đăng ký vào bến bãi thì tôi đồng ý và sẵn sàng cam kết không rước khách chui, sai bến bãi, nhưng buộc tôi vào tài chuyến thì tôi không đồng ý vì khách của tôi rất nhiều, tôi không thể nào bỏ hợp đồng, chạy theo tài chuyến".

Quản lý chặt, xử lý nghiêm

Tại cuộc họp ngày 11-3-2016, Chủ tịch UBND TP Võ Thành Thống khẳng định, vấn đề cần tập trung chính là phải đưa tất cả các phương tiện vào quản lý, sắp xếp tài chuyến. Không tăng giá vận chuyển khách, không thu phí bến bãi của các phương tiện đăng ký chạy tài chuyến ở Bến tàu Du lịch. Phương tiện nào không đăng kiểm, không đảm bảo kỹ thuật an toàn, mức giá không đúng quy định hay có dấu hiệu chèo khéo du khách sẽ bị xử lý nghiêm, không được hoạt động. Trước mắt, áp dụng quản lý đối với các tàu du lịch. Sau đó, sẽ siết chặt quản lý đối với các loại đò ngang, ghe máy đuôi tôm. Gần một tháng qua, đã có hàng loạt cuộc họp bàn giữa các ngành chức năng, giữa ngành chức năng với các doanh nghiệp du lịch- lữ hành, giữa ngành chức năng với các chủ phương tiện nhằm đi đến thống nhất cách thực hiện.

Xử phạt hành chính về du lịch

Nghị định 158/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013, quy định
1. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi: chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
2. Phạt tiền từ 2- 6 triệu đồng đối với hành vi: Không thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy với khách du lịch.
3. Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đồng đối với hành vi: Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch; sử dụng người lái phương tiện vận chuyển khách du lịch không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch.
4. Phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch theo quy định.
5. Phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng đối với hành vi: Thu tiền ngoài hợp đồng từ khách.

Trước thông tin về việc "ăn- chia tỷ lệ" với các chủ phương tiện, ông Vưu Chấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, khẳng định: "Công ty chỉ thu phí bến là 18 ngàn đồng/ chuyến/ chiếc và thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định". Đối với việc sắp xếp tài chuyến có thể ảnh hưởng đến nguồn khách riêng của các chủ tàu, theo Biên bản cuộc họp triển khai quy chế hoạt động Cảng thủy nội địa hành khách du lịch Ninh Kiều ngày 28-3-2016, ông Thi Xương Tín, Giám đốc Trung tâm Điều hành Du lịch (Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ), giải thích rõ: Các chủ phương tiện có hợp đồng riêng, chỉ cần chứng minh được nguồn khách và xuất trình hợp đồng đã ký kết với các đối tác đúng thời gian quy định theo quy chế là trước 19 giờ ngày hôm trước, thì công ty chấp nhận cho chủ phương tiện đưa rước khách tại bến. Các chủ phương tiện cam kết bán đúng giá niêm yết tại bến và tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Công ty hoàn toàn chấm dứt việc cho thuê tàu tham quan trên sông. Nguồn khách của công ty sẽ chuyển giao cho các chủ phương tiện khai thác.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, nhiều chủ phương tiện vẫn không đồng ý chủ trương sắp xếp tài chuyến tại bến theo tinh thần Thông báo số 158/TB-SGTVT ngày 25-3-2016 của Sở Giao hông Vận tải Cần Thơ; không đồng tình với nội dung của quy chế hoạt động tại bến tàu; yêu cầu xem lại giá tàu liên kết quá thấp so với mặt bằng chung hiện nay; yêu cầu không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) vì khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, cho biết: "Sở Giao thông Vận tải đã họp bàn với các sở, ngành hữu quan và thống nhất ngày 31-3 các chủ phương tiện phải hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động bến bãi. Các chủ phương tiện phải đăng ký các thông tin về chủ sở hữu, số hiệu tàu, mã lực… với Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ để đơn vị này lập danh sách các chủ phương tiện đồng ý đón rước khách tại Bến tàu Du lịch Cần Thơ. Danh sách này sẽ được chuyển về Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy để kiểm soát. Các phương tiện nào không có tên trong danh sách sẽ không được cấp phép rời bến. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt". Ngoài ra, Sở GTVT đang xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành hữu quan về quản lý hoạt động tại Bến tàu và hoạt động vận tải hành khách du lịch trên địa bàn TP Cần Thơ.

Về phía cảng vụ, ông Cao Tấn Quân, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, cho biết: "Đơn vị vừa ký qui chế phối hợp thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ. Theo đó, hai đơn vị sẽ có trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho phương tiện ra, vào tại các cảng bến thủy nội địa. Mỗi đơn vị phải làm hết trách nhiệm của mình, mục đích là đảm bảo an toàn cho du khách. Trên cơ sở quy chế phối hợp này, chúng tôi dễ nắm bắt thông tin phản hồi để kịp thời xử lý những vấn đề nóng, vướng mắc trong quá trình cấp phép cho các phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa".

Để giải quyết triệt để vấn đề, theo ông Trương Văn Ngon, Giám đốc Công ty Du lịch Mía đường Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND thành phố đưa quy định thống nhất: khi các chủ phương tiện đăng ký tàu du lịch, phải kèm điều kiện đưa rước khách ở bến nào. Nếu đưa rước khách không đúng với đăng ký ban đầu, sẽ bị phạt nghiêm. Đồng thời, cần có biện pháp chế tài đối với các bến tàu nếu để các chủ phương tiện của bến mình chèo kéo khách. Song song đó, các cấp các ngành chức năng phải có đội liên ngành kiểm tra, xử phạt thường xuyên, chứ không chỉ ra quân vào đợt cao điểm.

* * *

Tình trạng mất trật tự ở Bến tàu Du lịch Cần Thơ đã kéo dài hàng chục năm. Thêm vào đó, hoạt động trái phép đưa khách du lịch tham quan của các phương tiện đò ngang, ghe máy đuôi tôm, càng làm cho tình hình thêm phức tạp, làm mất hình ảnh đẹp của du lịch Cần Thơ, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo quyết liệt; các sở, ngành chức năng cũng đưa ra những giải pháp khả thi, cơ bản hài hòa lợi ích của các bên. Hy vọng rằng tất cả sẽ được thực hiện một cách kiên quyết, nghiêm khắc để Cần Thơ ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách.

Ngày 29-3-2016, Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ và Công an phường Tân An thống nhất xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an ninh tại Cảng thủy nội địa hành khách Du lịch Ninh Kiều. Theo đó, hai đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền pháp luật; ngăn chặn và xử lý các chủ phương tiện, thuyền trưởng và thuyền viên trong trường hợp làm giá cao, cự cãi, xô xát, đánh nhau trong phạm vi tại bến; phối hợp khi có yêu cầu đột xuất; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình trật tự, an ninh, những vướng mắc, khó khăn tại bến nằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan. Số điện thoại của Công an phường Tân An: 0913.816.429; số điện thoại của Trung tâm Điều hành Du lịch (Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ): 07103.811605; email: canthotrans@canthotourist.vn.

Chia sẻ bài viết