24/12/2008 - 22:42

Giấc mơ hàng không mẫu hạm của Trung Quốc

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương.
Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo hôm 23-12 công bố việc đưa 3 tàu chiến tới Vịnh Aden chống cướp biển ngoài khơi Somalie, Trung tướng Huang Xueping, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đề cập khả năng nước này sẽ phát triển chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Ông cho biết Trung Quốc sẽ “nghiên cứu và xem xét nghiêm túc” việc này, vì đây là biểu tượng sức mạnh quốc gia, cũng như khả năng cạnh tranh của lực lượng hải quân Trung Quốc.

Những năm qua, Trung Quốc đầu tư mạnh cho hải quân. Từ năm 2000 tới nay, nước này đóng mới ít nhất 60 tàu chiến, nâng tổng số tàu chiến lên 860 chiếc, trong đó có khoảng 60 tàu ngầm. Gần đây, các quan chức quốc phòng Trung Quốc bắt đầu công khai nói đến việc bổ sung hàng không mẫu hạm. Tháng trước, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Anh), Thiếu tướng Qian Lihua, Giám đốc Phòng đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố nước này hoàn toàn có quyền sở hữu hàng không mẫu hạm. Trên thế giới hiện có khoảng 30 hàng không mẫu hạm đang hoạt động và Trung Quốc là nước duy nhất trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không có chiếc nào. Mỹ có tới 11 hàng không mẫu hạm, trong khi Anh, Pháp, Italia và Nga mỗi nước có một vài chiếc. Tuần báo Quốc phòng Jane’s (Anh) tháng rồi cũng cho biết quân đội Trung Quốc đang huấn luyện 50 sinh viên trở thành hoa tiêu lái hàng không mẫu hạm.

Tai Ming Cheung, chuyên gia về quân đội Trung Quốc của Viện nghiên cứu hợp tác và xung đột toàn cầu tại Đại học California (Mỹ), cho rằng những động thái trên nằm trong chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho ra đời một hàng không mẫu hạm trong tương lai không xa. Theo ông Cheung, Trung Quốc có thể sẽ nâng cấp chiếc hàng không mẫu hạm mua của Ukraina hiện đang neo đậu tại cảng Đại Liên, mua một số máy bay chiến đấu của Nga, huấn luyện hoa tiêu, cũng như chuẩn bị năng lực hậu cần hỗ trợ hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu tự đóng một hàng không mẫu hạm như mong muốn của một số quan chức cấp cao. Cũng có người cho rằng Trung Quốc sẽ tự chế tạo một số bộ phận của hàng không mẫu hạm và một số bộ phận sẽ mua từ nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đã chuẩn bị từ nhiều năm trước. Năm 1985, Trung Quốc mua chiếc hàng không mẫu hạm “về hưu” của Australia cho các chuyên gia kỹ thuật “mổ xẻ” nghiên cứu và huấn luyện hoa tiêu. Sau đó, Trung Quốc mua 3 chiếc của các nước thuộc Liên Xô cũ, 2 chiếc được chuyển thành thao trường nổi, còn chiếc thứ ba, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc mua trong tình trạng chưa hoàn chỉnh và không biết họ dự định sẽ dùng vào mục đích gì. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chỉ có thể triển khai hàng không mẫu hạm sớm nhất là vào năm 2015.

NGUYỄN MINH
(Theo NYTimes, AFP, THX)

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết