21/05/2021 - 08:33

Giá thức ăn tăng cao, bộc lộ điểm yếu của ngành chăn nuôi 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tại vùng ĐBSCL đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp được chế biến từ các nguyên liệu nhập khẩu. Đã khiến người chăn nuôi đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Giá luôn ở mức cao trong nhiều năm

Nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản tại ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn.

Nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản tại ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn.

Từ tháng 11-2020 đến nay, giá nhiều loại thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản đã có 6-7 lần điều chỉnh tăng giá. Với mức tăng mỗi lần từ một vài trăm đồng/kg, đến nay nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã tăng tổng cộng từ 2.000-2.500 đồng/kg, tương đương 20-25%. Theo đó, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…, hiện giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo con từ lúc tập ăn đến đạt trọng lượng 15 kg/con ở mức 16.500-22.000 đồng/kg; thức ăn dành cho heo nái mang thai và heo thịt dao động từ 9.400-12.300 đồng/kg. Giá nhiều loại thức ăn viên dành cho gà thịt, vịt thịt, gà đẻ, vịt đẻ ở mức 9.900-12.500 đồng/kg. Giá nhiều loại thức ăn viên công nghiệp dành có cá ở mức 13.500-14.000 đồng/kg, còn một số loại thức ăn chuyên dụng dành cho tôm có giá lên đến 36.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Ông Lê Văn Phiêm, nông dân nuôi tôm càng xanh ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, giá thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm đã liên tục tăng, trong khi giá tôm càng xanh lại giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên người nuôi tôm không còn đạt lợi nhuận cao như các năm trước. Hiện giá thức ăn công nghiệp dành cho tôm càng xanh thịt đã ở mức 36.000 đồng/kg, tăng thêm 2.000 đồng/kg. Riêng giá thức ăn dành cho tôm con lên tới 43.000 đồng/kg”.

Còn chị Lê Thị Thu Thủy, nông dân nuôi heo xã Thới Tân, huyện Thới Lai, lo lắng: “Giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo tăng mạnh làm cho giá thành nuôi một con heo đạt 100kg tăng gần 1 triệu đồng so với trước, lên ở mức từ 6-6,5 triệu đồng/con. Nhưng giá heo hơi lại đang giảm hơn 20.000 đồng/kg so với trước, xuống còn ở mức 70.000-71.000 đồng/kg. Nếu giá thức ăn tiếp tục tăng và giá heo tiếp tục giảm, người nuôi cầm chắc lỗ...”.

Do chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm và thủy sản phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn nên người chăn nuôi rất lo lắng, trong khi giá cả đầu ra nhiều sản phẩm chăn nuôi lại ở mức thấp. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều hộ dân nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản nước ngọt, hay gà, vịt sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp đã bị thua lỗ nặng do bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Theo hộ dân nuôi cá tra, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu vẫn ở mức khá thấp, với chỉ từ 20.000-21.500 đồng/kg, người nuôi bị lỗ ít nhất 500-1.500 đồng/kg. Với việc giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh và có khả năng còn tăng do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tới đây người nuôi cá tra càng thêm gặp khó nếu giá cá tra nguyên liệu không tăng lên. Điều này gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cá tra phục vụ xuất khẩu trong tương lai do người dân “treo ao” hoặc giảm nuôi. Hầu hết người dân và doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu đều nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp viên nổi và nhiều người xem đây là một trong những “bí quyết” để có sản phẩm cá tra thịt trắng, đạt chuẩn xuất khẩu. Vì thế, việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn tự chế tại chỗ với giá rẻ là rất khó khả thi trong thời điểm hiện tại.

Cần giải pháp khắc phục

Ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL và cả nước nói chung. Sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản và nhiều sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, sữa và trứng của nước ta đã không ngừng tăng trong những năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm là mỗi năm chúng ta đang phải nhập một lượng nguyên liệu rất lớn, với giá trị lên đến hàng tỉ USD để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có nhiều loại nguyên nhiên liệu như: bắp, đậu nành, bột cá, mỡ động vật... chúng ta hoàn toàn có khả năng tự sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chúng ta rất khó kiểm soát giá cả các loại thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, quá trình nhập khẩu nguyên liệu và thực hiện sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi trải qua rất nhiều trung gian nên khi sản phẩm thức ăn chăn nuôi đến tay người tiêu dùng thường bị đội giá lên cao rất nhiều lần.

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giá các loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do giá các loại nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Để ổn định giá cả các loại thức ăn chăn nuôi, tới đây ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn. Trong những năm qua đã có tình trạng xuất khẩu gạo thu về khoảng hơn 3 tỉ USD trong một năm, nhưng lại nhập lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi có giá trị lên đến 3,8 tỉ USD. Do đó, cần mạnh dạn giảm các diện tích đất sản xuất lúa kém để chuyển sang trồng bắp, đậu nành và các loại cây nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa giúp tiết kiệm nước tưới và thích ứng biến đổi khí hậu. Nhà nước cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất các loại cây nguyên liệu phục vụ thức ăn chăn nuôi và kết nối nông dân với các doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo nông dân cần quan tâm tăng cường sản xuất các loại thức ăn tự chế để phục vụ chăn nuôi nhằm chủ động giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để bán sản phẩm được giá cao. Từng bước hạn chế việc phát triển chăn nuôi chạy theo năng suất, sản lượng và số lượng, với chi phí sản xuất quá cao mà đầu ra chưa đảm bảo, dẫn đến nhiều rủi ro và hệ lụy.

Theo PGS.TS Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Bộ môn Chăn nuôi - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, để giúp người chăn nuôi tự sản xuất thức ăn, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi và kỹ thuật phối trộn thức ăn, cũng như tiếp cận được các nguồn nguyên liệu với chất lượng đảm bảo và có giá cả phù hợp. Ngoài ra, cần quan tâm giải quyết vấn đề về chi phí đầu tư máy móc thiết bị ban đầu và tâm lý của người chăn nuôi ưa thích sự nhàn rỗi, chỉ cần lấy bao thức ăn đổ vào máng, giúp cho việc chăn nuôi trở nên nhàn hạ hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết