23/03/2021 - 12:32

Giá phân bón “leo thang” 

Nhu cầu tiêu thụ phân bón tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang tăng mạnh do nông dân bước vào vụ sản xuất lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, giá nhiều loại phân bón liên tục “leo thang” khiến nông dân không khỏi lo lắng về gánh nặng chi phí sản xuất sẽ tăng cao trong vụ hè thu, dẫn đến nguy cơ rủi ro, đe dọa đến hiệu quả sản xuất.

Giá tăng mạnh

Phân bón được bày bán tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Phân bón được bày bán tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Hiện giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP và NPK đã tăng tổng cộng từ 50.000-250.000 đồng/bao 50kg so với thời điểm cuối năm 2020 và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá phân bón tăng mạnh được cho do giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí vận chuyển, sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng. Ngoài ra, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón có phần gặp khó cũng tạo điều kiện cho giá nhích lên.

Gần đây, phân bón DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận ở vùng ĐBSCL như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... có giá bán lẻ lên đến 840.000-850.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng khoảng 240.000-250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020. Giá bán lẻ DAP Đình Vũ và nhiều loại DAP nhập khẩu từ Mỹ, Philippines… ở mức 595.000-750.000 đồng/bao. Còn giá nhiều loại Urê (còn gọi là phân đạm hay phân lạnh) sản xuất trong nước như Urê Phú Mỹ, Urê Cà Mau và nhiều loại Urê nhập khẩu từ các nước (Trung Quốc, Malaysia, Qatar) đang ở mức 450.000-510.000 đồng/bao, tăng so với trước đây từ 100.000-150.000 đồng/bao. Trong khi đó, phân bón NPK 20-20-15 Hiệp Thanh có giá 600.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay ở mức 650.000-660.000 đồng/bao. Các loại phân bón Kali có giá phổ biến từ 410.000-440.000 đồng/bao; phân lân giá 190.000-200.000 đồng/bao…

Ông Đỗ Văn Tùng, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết:  “Những tháng gần đây, giá nhiều loại  phân bón DAP và Urê đã tăng rất sốc. Đáng chú ý, giá tăng mạnh không chỉ ở các loại phân bón nhập khẩu mà nhiều loại phân bón sản xuất trong nước cũng tăng cao, nhất đối với phân Urê vốn được đánh giá có nguồn cung dồi dào do năng lực sản xuất trong nước được tăng cường và những năm gần đây nước ta đã có dư Urê để xuất khẩu, nhưng bây giờ giá lại tăng cả trăm ngàn đồng/bao. Đây là thiệt thòi rất lớn cho người nông dân”. Theo ông Tùng, trước tình hình giá phân bón tăng cao kỷ lục và có những diễn biến khó đoán, cửa hàng không dám mua hàng để dự trữ nhiều mà chọn giải pháp “lấy hàng tới đâu, bán tới đó” nhằm tránh rủi ro khi giá bất ngờ có biến động giảm mạnh trở lại. Cửa hàng cũng khuyên nông dân có nhu cầu bao nhiều thì mua vừa đủ theo nhu cầu, chứ không nên mua hàng dự trữ lúc giá cao như hiện nay để tránh tình trạng phân bón càng thêm “sốt giá” do nhu cầu ảo.

Chi phí sản xuất tăng cao

Vụ hè thu 2021, 12 công ruộng của ông Lê Công Khanh, ngụ ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai sạ giống OM 380. Lúa đã gieo sạ được 5 ngày tuổi và ông Khanh đã bỏ ra hơn 9 triệu đồng để mua tổng cộng 16 bao phân các loại gồm DAP, Urê và Kali nhằm chủ đồng nguồn phân bón cho sản xuất lúa vụ này.

Ông Khanh, cho biết: “Do sợ giá phân bón còn tăng nên tôi đã chủ động mua sớm. Trong các vụ lúa trước, tôi mua phân Urê Phú Mỹ chỉ ở mức từ 300.000-350.000 đồng/bao, nhưng vụ hè thu 2021 này phải mua Urê với giá lên đến 455.000 đồng/bao. Đó là mua tiền mặt, chứ nếu ai mua thiếu đến cuối vụ lúa mới thanh toán tiền thì giá mỗi bao phân còn cao hơn thêm vài chục ngàn đồng. Đáng chú ý, giá DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) đã tăng rất mạnh, từ ở mức 600.000-620.000 đồng/bao lên mức 850.000 đồng/bao. Do giá quá cao nên tôi đã chuyển sang mua loại DAP nhập khẩu từ Philippines, giá 750.000 đồng/bao. Ngoài phân bón, giá nhiều loại nguyên nhiên liệu và vật tư đầu vào khác như: lúa giống, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng nên tôi ước tính chi phí sẽ tăng ít nhất từ 400.000-500.000 đồng/công. Tôi rất mong các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cũng như các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng và ổn định giá cả ở mức hợp lý”.

Ông Lương Văn Tú, ngụ ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cũng cho biết: “Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng cao như hiện nay, trong khi vụ hè thu nông dân thường phải tăng lượng phân bón cho lúa vì đồng ruộng không được bồi bổ phù sa như vụ đông xuân, cũng như phải trừ hao lượng phân bón bị bốc hơi do trời nắng nóng. Vụ hè thu, nông dân cũng phải tốn thêm chí phí phòng trừ cỏ dại và bơm tưới nước cho lúa. Tôi rất lo chi phí sản xuất trong vụ này sẽ tăng cao, trong khi giá lúa đầu ra chưa biết thế nào, nếu giá lúa giảm mạnh thì nông dân có thể bị thua lỗ”.

Theo nông dân trồng lúa chi phí sản xuất vụ hè thu tăng cao nhưng năng suất lúa sẽ khó đạt như vụ đông xuân, do vậy để có thể đạt được lợi nhuận ở mức cao, nông dân rất kỳ vọng lúa tiếp tục bán được giá cao từ 6.000-6.500 đồng/kg trở lên như vụ đông xuân 2020-2021.

Đến nay, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng được 27.422ha lúa hè thu 2021, đạt gần 31% so với kế hoạch. Để đảm bảo và nâng cao được hiệu quả sản xuất trong điều kiện giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần tăng cường đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.  Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khuyến cáo: “Nông dân cần bón phân cân đối giữa đạm, kali và lân theo khuyến cáo, chú ý điều chỉnh giảm lượng phân đạm phù hợp từng khu vực đồng đất, tránh cây lúa quá tốt, quá xanh dễ phát sinh sâu bệnh, vừa tốn nhiều tiền phân bón, vừa phải tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Để giảm các chi phí sản xuất lúa, ngay từ sớm nông dân cũng cần chú ý thức hiện tốt các khâu làm đất để đồng ruộng bằng phẳng, thuận lợi quản lý nước tưới và giúp cây lúa hấp thu tốt phân bón, cũng như quan tâm chọn giống tốt đạt cấp xác nhận trở lên, gắn với thực hiện gieo sạ thưa, tiết kiệm giống…”. Theo bà Hiếu, bên cạnh hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục có kế hoạch kiểm tra tình hình thị trường phân bón để góp phần ổn định giá. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân tại các hợp tác xã và mô hình “cánh đồng lớn” tăng cường kết nối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón và nhà cung cấp vật tư có uy tín để có nguồn phân bón mua tại gốc với giá thấp và giảm được các chi phí trung gian.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết