26/06/2010 - 21:44

Truyện ngắn NHẬT HỒNG

Gặp nhau trên đỉnh cầu

Chú Hai Kim ngồi bật dậy như chiếc lò xo, đôi tròng mắt đùng đục nhìn về hướng bờ sông. Nước sông đang độ cường triều dâng cao ở vùng hạ lưu sông Hậu đỏ ngầu cuồn cuộn chảy xiết. Thường khi, vừa mới hửng sáng chú Hai bảo người nhà mở toang cánh cửa, nằm trên ghế bố, mắt nhìn về phía sông từ sáng cho đến tối. Ngày nắng như ngày mưa, không ai hiểu nổi chú nhìn về hướng đó để làm gì, chờ đợi ai? Đến bữa ăn cơm con cháu mời gọi năm lần bảy lượt chú không ừ hử. Mời gọi nhiều lần chú giận: “Tao muốn chết đi cho rồi, sống như vầy kéo dài thêm sự buồn bã, đày ải con cháu cho cực nhọc”.

Đứa cháu nội thường vuốt ve:

- Nội gắng vui, mỗi lần đi học về thấy nội nằm ở đây là con mừng lắm! Nhà của mấy đứa bạn con kiếm một ông nội không có. Nó cho con có phước lắm mới còn có nội. Mà nội ơi! Bác sĩ dặn nội tập đi tới, đi lui trong nhà, nằm hoài teo cơ bắp, giò cẳng liệt luôn, muốn đi cũng không được. Hay là con dìu ông nội ra sân ngắm mấy cây mai chiếu thủy nghen...

- Hông!

Chú Hai trả lời cụt ngủn. Thằng bé cụt hứng.

Bữa nay thì khác hơn, chú Hai bồn chồn trong bụng mắt cứ dán ra cửa chờ thằng cháu nội đi học về. Vừa quăng cặp sách cái phịch trên bàn, thằng bé nghe nội gọi:

- Tâm. Ra đây nội biểu.

Chú Hai chậm chạp dang hai cánh tay khẳng khiu ra như muốn đứng dậy. Thằng bé sà vào lòng nội kéo quàng cánh tay lên cổ. Vừa đứng lên, chú Hai ra dấu hướng ra bờ sông. Thằng cháu khó nhọc dìu chú từng bước một. Cái chân bên trái kéo lê trên mặt đất, mỗi lần nhớm gót cánh tay trái cũng khều khào theo nhịp bước. Đi được mươi bước, chú Hai dừng lại nghỉ lấy sức, đi tiếp. Đến bờ sông, chú ngắm nghía một lúc lâu rồi quay về nhà. Chú còn dặn:

- Ngày mai dẫn nội đi tiếp nghen Tâm. Tâm thấy nội hình như vui hẳn ra và hình như ông gom hết tàn lực dành cho mỗi bước đi. Con đường từ nhà ra bờ sông, từ bờ sông về nhà, mỗi bước đi dường như có sự hấp dẫn lạ đối với chú Hai.

***

Không bao lâu chú Hai tự đi một mình, nhưng cần phải có cây gậy trên tay nương từng bước khập khễnh. Bóng chiều ở bến sông khác hơn ở bãi biển, lại càng không giống ở đồng ruộng. Nắng cứ nhạt dần cho đến sẩm tối. Gió từ mặt sông thổi thốc lên mang theo hơi nước làm cho người ta dễ chịu hơn. Trên trời, từng cụm mây hình thù kỳ quái luôn biến dạng, nhanh chóng thay đổi sắc màu. Bờ sông bên này, bên kia không lạ gì với chú Hai, chú đã gắn bó xuôi ngược trên sông ngót nửa thế kỷ qua.

Người ta kể rằng: Từ xa xưa lắm, viên Thống Đốc Nam Kỳ Bonard từng bước xuống chiếc phà sắt qua Cần Thơ dự lễ nhậm chức Chánh Tham Biện (Tỉnh Trưởng) của tên quan thuộc cấp. Thời ấy, chiếc phà treo hai đầu hai cái đèn măng xông để qua sông ban đêm, người tài công lực lưỡng trì kéo vô lăng muốn hụt hơi mới qua được bên sông. Lần lượt bến phà đóng thêm ba bốn chiếc trọng tải hai mươi tấn và sau đó lên tới ba mươi lăm tấn. Mỗi bận qua phà sông phải mất bốn mươi, năm mươi phút. Mỗi chiếc phà bố trí hai ca, mỗi ca sáu người: Hai tài công, hai thợ máy, hai thủy thủ. Nếu như phà chở người thì ngốn ngót năm chục, chở xe lớn được hai chiếc, đầu một chiếc, lái một chiếc như hãng xe: Đại Đồng, Đức Hiệp... Xe con chở được bốn chiếc. Đến thời Mỹ có thêm bốn chiếc phà, mỗi chiếc trọng tải một trăm tấn ghé được hai đầu rất tiện lợi. Và dần lên phà Cần Thơ có thêm hai chục chiếc, mỗi chiếc trọng tải hai trăm tấn, tài công chỉ điều khiển bằng bấm nút, đèn đuốc sáng trưng qua lại suốt đêm. Chú Hai Kim có bằng tài công hạng nhì làm việc ở trên phà này từ thời Pháp, qua Mỹ. Đến giải phóng vài năm sau chú Hai mới nghỉ hưu. Ở bến sông này, chú Hai đã có nhiều kỷ niệm buồn vui.

Điệp khúc quen thuộc mà chú nghe hoài qua bao nhiêu năm: “Xuống xe qua phà bà con ơi!” của các chú lơ xe, tiếng và đàn hát dạo của người đi xin đưa cái lon về phía trước... “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại...” bao giờ cũng khiến chú Hai cũng nghe nao nao trong lòng. Ngoài cái nắng bụi khô khan và những cơn mưa chầm chỉnh suốt cả ngày, tại hai đầu bến còn có bưởi năm roi , cam sành ngọt lịm, mận hồng đào ửng đỏ và các hoa trái khác ngon ngót chào mời. Thơm làm sao những con chim ốc cao, chàng nghịch rô-ti tròn lẳn, tròn lơ cái ức. Xe đã lăn bánh mà khách còn thèm thuồng ngoái đầu nhìn lại.

***

Một buổi sáng, sương mù dày đặc bến sông, phà vừa cập bến hành khách bươn bả chen lấn nhau lên phà. Người lên hết, còn lại người đàn bà tay cầm giỏ xách đệm, choàng tấm khăn rằn kẽ ô vuông đen trắng chỉ lộ đôi mắt sáng, da mặt xanh xao, môi tái mét, ngồi co ro cuối băng ghế.

Chú Hai đến gần hỏi:

- Sao cô không lên phà?

- Hơi chóng mặt.

- Có sao không? Tôi kêu giùm xe lôi chở cô lên nghen!

- Cám ơn anh, một chút sẽ khỏi. Chú Hai cho tay vào túi quần móc ra chai dầu nhị thiên đường đưa cho người phụ nữ:

- Cô lấy thoa vào tai, mũi sẽ khỏi...

Người đàn bà cầm lấy chai dầu mở nắp, thấm dần vào ngón tay trỏ bôi lên màng tang, lên mũi. Cô ta đậy nắp lại đưa trả chai dầu...

- Cám ơn anh!

Chú Hai nói:

- Cô bỏ túi dùng trên đường đi.

Người đàn bà cám ơn, xoay lưng bước lên phà. Chú Hai nhìn theo người phụ nữ. Cô ta còn rất trẻ, mặc chiếc áo bà ba màu xám, quần vải thô đen, có vẻ người ở quê, mà chừng như cô ta có bầu.

Chú hai lầm bầm trong miệng:

- Đàn bà bụng mang dạ chửa lại đi đứng một mình thật khổ!

Không khí ồn ào ở bến phà nhanh chóng xóa tan bóng dáng người đàn bà yếu đuối. Nắng ngả dài, khách lên xuống phà thưa dần. Người phụ nữ xuống phà đứng ở lan can. Bất thần hai người đàn ông mang kính đen kèm hai bên. Người đàn bà cố vùng vẫy, chai dầu trong túi văng ra rơi cạch xuống nền phà. Cô ta bị lôi xệch lên bờ, khi đến tấm vĩ sắt ở mũi phà, cô ta còn ngoái lại nhìn chú Hai, nhưng ánh mắt dịu dàng thật bình tĩnh...

Có người buột miệng:

- Lại bắt bớ nữa rồi!

Không còn ai lạ gì những cảnh bắt bớ ở bến xe, bến tàu từ đầu năm đến nay. Sau Tổng tiến công vào Thành phố Cần Thơ Xuân sáu tám làm cho chánh quyền Sài Gòn hoang mang sợ hãi, tai mắt cảnh sát chìm nổi đều khắp nơi. Chú Hai đến nhặt chai dầu nằm trên sàn phà. Chú Hai thấy bồn chồn trong bụng bởi ánh mắt của người phụ nữ. Ánh mắt ấy cứ xoay xoáy vào tim gan, một tình cảm thân quen không định hình được cứ chấp chới trước mắt. Vài hôm sau, chú Hai và vài người khác đến quán nhậu như thường khi. Chú Hai đã nắm thông tin: Người đàn bà bị bắt trên phà tên Trần Thị Sắc, thường gọi là Tư Sắc quê ở chợ Lách qua Cần Thơ vô xóm cầu Rạch Ngỗng. Bị theo dõi từ đó, khi xuống phà mới bị bắt.

Chú Hai không thể đành lòng làm ngơ thấy người bị nạn mà không cứu giúp. Không mấy khó khăn gì: chỉ tiệc bò nướng ngói và một thùng bia con cọp là... yên ổn. Hôm sau chú Hai đến thăm cô Tư Sắc, dặn nhỏ:

- Đừng khai báo nói năng gì lung tung, nhận tôi là anh Hai, anh bà con. Tôi sẽ có cách giúp cô ra khỏi đây.

Hôm đón Tư Sắc ra trại giam, cô hỏi chú Hai:

- Lạ quơ, lạ hoắc sao anh giúp tôi!

- Có gì lạ lắm đâu, giúp được một người bằng mười cội phúc. Chú Hai cười xuề xòa.

Vừa ngồi trên xe lôi, Tư Sắc ôm bụng kêu đau, mặt mày nhăn nhó:

- Không xong rồi anh Hai ơi! Tôi chắc sắp...

Chú Hai quýnh lên bảo xe lôi quay đầu xuống nhà thương gấp. Vừa khám xong, cô y tá cho biết: Có dấu hiệu sắp sanh, chú Hai nghĩ bụng: Đã làm ơn thì làm ơn cho trót. Chú Hai vội vã nói với Tư Sắc:

- Cô cứ yên tâm lo bề sinh nở. Mọi việc bên ngoài có tôi lo. Quay lại nhắn gởi với cô y tá, rồi chú Hai tức tốc về nhà. Thím Hai đang ngồi ở nhà. Chú khều vợ ra nói nhỏ. Thím Hai tất bật khăn gói xuống nuôi cô Tư. Tư Sắc sanh non tháng nhưng rất may mẹ tròn con vuông, thằng bé trai trông thật dễ thương.

Vợ chồng chú Hai Kim đưa cô Tư về nhà nuôi. Chú vui vui trong bụng như vợ mình vừa sinh được con trai. Mãn ca chú về ghé qua chợ Cái Khế mua một ít thịt nạc ngon, vài con cá lóc lớn, tiêu hành... đọt rau lang mang về:

- Này, cô Tư nên ăn nhiều để có sữa cho thằng bé, cứng cát rồi sẽ về xứ.

Ít hôm sau, chú Hai Kim vừa đi làm về, thấy Tư Sắc ngồi cho con bú mà nước mắt lăn dài trên hai gò má.

- Cô Tư có chuyện gì mà buồn dữ vậy? Hay là ở nhà vợ tôi nói năng không phải nên cô tủi thân chăng?

- Anh chị đối với em hơn ruột thịt. Em không giấu gì anh chị, cha của thằng bé này vừa hy sinh ở cầu Rạch Ngỗng trong tết Mậu Thân. Em đi qua đây để biết sự việc, không ngờ bị bắt. May mà có anh, nếu không giờ này thân em và thằng bé không biết ra sao. Chú Hai Kim nghe đau thăn thắt trong lòng:

- Chú ấy đã hy sinh rồi cô buồn cho mấy cũng không thể sống lại được. Trong tình cảnh này cô phải mạnh khỏe có sức lực để nuôi nấng đứa bé. Thằng nhỏ là nguồn hạnh phúc duy nhất của đời cô và cũng là giọt máu còn lại của chú ấy!

Tư Sắc ấp úng:

- Em định nhờ anh đặt cho nó cái tên.

Chú Hai nhanh miệng:

- Cha nó họ gì? Họ Nguyễn. Vậy là: Nguyễn Trọng Nghĩa, cô có đồng ý không?

- Đồng ý.

Ngày đưa cô Tư về Chợ Lách, thím Hai Kim ẵm thằng Nghĩa đi trước, chú Hai lót tót theo sau. Khi thím Hai trao đứa bé cho mẹ nó, thím đưa luôn gói quần áo:

- Đây là số quần áo con nít còn mới tinh, tôi đã soạn đưa cô đem về cho thằng Nghĩa xài. Có dịp nào qua đây, cô nhớ dắt nó theo thăm vợ chồng chị nhé! “Coi cái mặt dễ ghét kìa...cho mợ cưng cái coi!”. Thím Hai hít thật sâu lên trán đứa bé, làm nó ngo ngoe uốn mình trợn mắt. Chú Hai nhét vào túi thằng bé một cuộn tiền:

- Đây là quà của cậu cho con, về ngoan nhé Nghĩa!

Tư Sắc nhìn vợ chồng Hai Kim ứa nước mắt.

- Ân tình của anh chị đối với em quá sâu nặng, biết làm gì để đáp lại cho vừa.

Chú Hai ngắt lời:

- Đừng nghĩ vớ vẩn, về khỏe nghen cô Tư.

Xe đã lăn bánh khuất dạng mà vợ chồng chú Hai Kim còn đứng tần ngần ở bến xe. Hai cái bóng lắt lay theo cơn gió cuốn bụi bên đường.

Phà vẫn lầm lũi xuôi ngược qua sông, chú Hai vẫn sáng chiều trên cabin nhưng hay đưa mắt tìm tìm kiếm kiếm từng lớp người lên xuống, coi có cái lưng nào của Tư Sắc, cái vóc dáng nào của thằng Nghĩa. Nhưng mà ngày qua ngày, bóng mưa nắng mãi phủ đầy trên bến.

***

- Nội ơi! ngồi đây làm gì? Tối rồi mà chưa chịu về làm con đi tìm nội muốn hụt hơi...

Tâm nắm tay nội dắt về. Chú Hai chậm chậm bước đi. Sau lưng bóng chiều đỏ ửng dưới dòng sông.

Chú Hai và Tâm về đến nhà. Một người thanh niên trạc tuổi trên ba mươi trong bộ đồ công nhân ngồi lù lù ở mép li văng tự bao giờ. Thấy chú Hai bước vô nhà, anh ta đứng lên khép nép:

- Thưa ông! Đây có phải là nhà của ông Hai Kim không?

- Đúng rồi! Hai Kim là tôi đây. Cậu là ai? Tìm tôi có việc gì?

Chú Hai nhìn người khách từ đầu đến chân. Anh ta có đôi mắt sáng, sống mũi thon thẳng chừng quen quen, gặp ở đâu đây? Chú đổi cách xưng hô:

- Ngồi xuống đi cháu. Có gì thong thả nói sau. Uống nước cái đã!

Cậu thanh niên nói:

- Con là Nghĩa, con của Tư Sắc nè! Cậu còn nhớ Tư Sắc không!

Chú Hai ngẩn người một chút nói:

- Nhớ. Làm sao quên được!

Giọng chú Hai nghèn nghẹn ở cổ:

- Cậu tưởng không còn có dịp gặp lại con. Ba mươi mấy năm xa lắc...

Nghĩa thều thào:

- Má nhiều lần định qua thăm cậu, đi mà không tới, mỗi lần đi là có chuyện phải nán lại kỳ sau. Lần đó... cách đây mười năm, má cháu bị tai nạn xe cộ chết trên đường qua thăm cậu. Con được học bổng sang Nhật, nay là kỹ sư, nay về đây tham gia xây dựng cầu Cần Thơ này. Cậu ráng sống cho đến ngày khánh thành cầu nhé.

***

Sau ngày khánh thành cầu Nghĩa mướn tắc-xi chở chú Hai đi lên cầu. Xe chầm chậm qua cầu. Chú Hai nhìn bốn bề lồng lộng gió, cây cầu như con rồng uốn lượn rực rỡ trong nắng. Chú mơ hồ như thấy Tư Sắc trong dáng áo bà ba tay cầm nón lá tươi cười vẫy chào. Gió thổi lồng lộng, hàng dãy mây như suối tóc óng mượt trôi về hướng mặt trời.

Chia sẻ bài viết