 |
Chị An trên đường đi bán cà rem và nhặt
ve chai. |
Tại Cà Mau, có một gia đình đông con, nhưng không có nhà cửa, cũng không có đất đai, hàng ngày, người chồng đi làm thuê kiếm sống, người vợ thì bán cà rem. Bù lại sự vất vả ấy, cả 5 cô con gái của gia đình này đều ngoan hiền, học giỏi. 3 người trong số ấy đã vào đại học, được người dân trong vùng thương yêu và nể phục. Đó là gia đình anh Phạm Văn Hòa và chị Hồ Thị An, ngụ tại ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh.
Tôi trở lại xã Khánh Hội vào một ngày trung tuần tháng 12. Hôm ấy, trời mưa tầm tã. Vào tránh mưa tại một ngôi nhà gần khu chợ xã, tôi tình cờ gặp chị Hồ Thị An - vợ anh Hòa, với gánh cà rem trên vai, vẻ mặt ngơ ngác buồn. Chị An năm nay đã ngoài 50 tuổi, quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị và anh Hòa bén duyên nhau từ năm 1984. Gia đình nghèo nên cả hai vợ chồng không ai được học hành đến nơi, đến chốn. Khi cưới nhau, cả hai không có nghề, quanh năm chỉ biết làm thuê đắp đổi cuộc sống qua ngày. “Mảnh đất quê tôi cuộc sống rất khó khăn, muốn làm mướn nhưng cũng không ai thuê. Cưới nhau được hơn một năm, hai vợ chồng tôi quyết định dắt nhau vào Cà Mau sinh sống, hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng, tiền bạc, đất đai, nghề nghiệp,... không có nên đã hơn 20 năm vợ chồng tôi về vùng đất U Minh này, cuộc sống hai vợ chồng vẫn hoàn nghèo...” - chị An kể mà đôi mắt ngấn lệ!
Đến Cà Mau không lâu, chị An sanh người con gái đầu lòng, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, lại chồng chất khó khăn. Quanh năm, chị An và anh Hòa chỉ biết đi cấy lúa, đào đất, cắt cỏ mướn,... những lúc không ai thuê thì đi bán vé số, bán cà rem. Cuộc sống cứ thế lây lất qua ngày. Chị An tâm sự: “Thời gian đầu, vợ chồng tôi cực khổ lắm, cái chén, đôi đũa cũng không có mà dùng, huống chi mong no cơm. Cái giường nằm, cái chòi lá cũng được chị gái chồng cho mượn. Cũng may nhờ các chú lính ở Đồn Biên phòng 696 Khánh Hội cất cho căn nhà theo chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” nên mới có nhà lành lặn để ở, nếu không, bây giờ gia đình tôi vẫn phải ở trong căn chòi dột nát”.
Đến nay, anh chị An có tất cả 5 mặt con, đều là gái. Bù lại sự vất vả của anh Hòa, chị An, cả 5 cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu Phạm Thị Mỹ Phương đã tốt nghiệp Đại học ở Trường Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long, là kỹ sư Công nghệ thực phẩm, hiện đang làm việc tại một công ty chế biến thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp. Người con gái kế Phạm Thị Mỹ Phước, đang là sinh viên Ngành Quản trị văn phòng - Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang và Phạm Thị Mỹ Nhi, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Đại học Cửu Long. Trong năm chị em gái, có lẽ cô em Phạm Thị Mỹ Trinh là người có bề dày thành tích trong học tập nhất . Nhiều năm liền, em luôn là học sinh giỏi của Trường THCS Khánh Lâm. Em cũng là người đang giữ nhiều danh hiệu nhất của trường trong các đợt thi học sinh giỏi vòng huyện và vòng tỉnh. Hiện tại, em Trinh được nhận học bổng toàn phần nên gia đình đỡ phải lo tiền học hành, sách vở cho em. Riêng người con gái út của chị An là Phạm Thị Thảo Trinh, đang học lớp 4 trường làng, nhưng cũng là học sinh giỏi của trường, được nhà trường và các nhà hảo tâm trao học bổng.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Mãi, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Để có đủ tiền lo cho các con ăn học, ngoài sự hỗ trợ của địa phương,... nhiều lúc hai vợ chồng anh Hòa phải mượn tiền của bà con lối xóm, rồi làm kiếm tiền trả dần. Đầu năm học 2009 vừa qua, cháu Phước và cháu Nhi đậu vào đại học, anh chị phải làm đơn, nhờ xác nhận của địa phương để được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện U Minh, theo Chương trình Hỗ trợ sinh viên nghèo. Số tiền ấy, tuy không nhiều nhưng với gia đình chị, đó lại là chiếc phao cứu sinh, là cánh cửa để giúp các con vào giảng đường đại học. Thấy cha mẹ cực khổ, nên dù mới ra trường, làm được bao nhiêu tiền là cháu Phương đều dành dụm để gửi về phụ gia đình, lo cho các em”.
Nhìn đôi gánh cà rem trên vai chị An, nếu ai gặp một lần cũng khó lòng quên được. Bởi vậy, khi nhắc đến “chị An bán cà rem”, hầu như người dân ở cửa biển Khánh Hội đều biết. Đôi gánh trên vai chị An, một bên thùng là cà rem, một bên là cái rổ đựng ve chai mà chị lượm lặt được trên đường đi. Chính đôi gánh ấy, đã bao năm trời “gánh ước mơ”, giúp các con vào đại học. Nhìn những hạt mưa không dứt, lòng chị như thắt lại, thấp thỏm lo âu...! Mấy hôm rồi, dù trăng rằm, tàu câu mực các nơi vào đậu kín Cửa biển Khánh Hội, nhưng thùng cà rem của chị An bán cả ngày vẫn không hết. Có lẽ do trời mưa, thời tiết lạnh nên không ai muốn ăn cà rem. Còn chồng chị-anh Hòa, mấy ngày nay trời trở lạnh, lại bị đau nhức trong người nên không đi bán được, phải nằm nhà.
Mưa tạnh! Đường trơn, lại phải lội dọc mé bờ sông, thi thoảng phải leo qua đường dây neo của tàu cá vắt ngang đường, người chị An như co lại vì mệt mỏi. Bóng chị khuất dần sau những con kênh, rạch. Tôi hiểu tâm trạng chị lúc này đang lo lắng bữa cơm chiều cho anh Hòa và hai cô con gái. Nhưng có lẽ, chị An và anh Hòa có niềm vui, niềm hãnh diện vì các con của anh chị đang từng ngày trưởng thành trên đường đời và trên giảng đường đại học,...
Bải, ảnh: HỮU TÙNG