|
Chủ tịch FED Ben Bernanke tỏ ra lạc quan với gói kích thích kinh tế mới. Ảnh: Reuters |
Sau 2 ngày nhóm họp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 21-9 đã công bố kế hoạch tung gói kích thích kinh tế mới mang tên “Operation Twist” (Chiến dịch Vòng xoắn), hay còn gọi là gói nới lỏng định lượng QE 2.5, trị giá 400 tỉ USD từ nay đến cuối tháng 6-2012.
Trọng tâm của kế hoạch kéo dài trong 9 tháng này là FED sẽ bán trái phiếu ngắn hạn (từ 3 năm trở xuống) để mua vào trái phiếu dài hạn (từ 6 đến 30 năm). Mục đích của động thái này là nhằm hạ lãi suất dài hạn đối với mọi khoản vay, từ vay thế chấp đến vay vốn sinh viên, qua đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. Ngoài ra, FED cam kết sẽ duy trì vốn đầu tư chứng khoán thế chấp trị giá khoảng 885 tỉ USD của các tập đoàn cho vay cầm cố bất động sản như Fannie Mae và Freddie Mac. FED thừa nhận biện pháp này cũng là “nỗ lực ngăn chặn nhiều rủi ro, trong đó có các căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu, đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế số một thế giới”.
Theo các chuyên gia kinh tế, FED đã từng áp dụng chính sách nới lỏng định lượng vào thập niên 1960, khi đó chương trình có giá trị 8,8 tỉ USD, tương đương 1,7% GDP. Còn gói kích thích lần này gần bằng 2,7% GDP, nhưng nhỏ hơn gói kích thích lần hai trị giá 600 tỉ USD hồi năm ngoái, hay gói kích thích đầu tiên 787 tỉ USD năm 2009. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008 dưới thời George Bush, FED cũng đã tung ra gói định lượng tiền mặt 900 tỉ USD để cứu nền kinh tế.
Ngay sau thông báo của FED, lãi suất trái phiếu thời hạn 30 năm của Mỹ đã giảm xuống 3%, mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay. Lãi suất kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,856%, thấp nhất từ hơn 60 năm qua. Một số chuyên gia nhận định biện pháp mới của FED có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0,4% và tạo ra khoảng 350.000 việc làm trong 2 năm tới.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán Mỹ và quốc tế lại phản ứng tiêu cực. Chỉ số Dow Jones cuối ngày 21-9 giảm tới 2,52%, Nasdaq giảm hơn 2%. Cổ phiếu của hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poors giảm gần 3%. Sáng 22-9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,6%, Kospi ở Hàn Quốc và Hang Seng ở Hồng Công lần lượt giảm từ 3-3,5%. Chỉ số Stoxx Europe 600 tại châu Âu giảm 2,4%.
Mặc dù gói kích thích kinh tế “bán ngắn mua dài” của FED có tác động tích cực ban đầu lên thị trường cho vay cũng như nhận được một số đánh giá khả quan, nhưng theo một số nhà phân tích, trọng lượng của biện pháp mới quá nhỏ so với kỳ vọng của giới đầu tư trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế thế giới sẽ ảm đạm hơn như dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Paul Ashworth, nhà kinh tế của công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Capital Economics tại Toronto (Canada), cho rằng ngay cả thị trường bất động sản của Mỹ cũng khó sáng sủa hơn vì phần lớn những người mua nhà cầm cố tại nước này vẫn không đủ khả năng thu xếp nợ.
Hiện nay, bản thân FED đang nắm giữ hơn 1.600 tỉ USD giấy nợ của liên bang và khi càng mua nhiều trái phiếu dài hạn thì rủi ro về lạm phát tăng cao sẽ khiến cơ quan này gánh nặng thua lỗ.
PHÚC GIA AN (Tổng hợp)